Sử dụng thảo dược có khả năng ngăn ngừa và điều trị bệnh COVID-19 hay không?

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Nội dung: Tác dụng và rủi ro khi sử dụng các phương pháp chữa bệnh tại nhà như xông hơi, sử dụng thảo dược trong phòng, chống COVID-19

    1. Tình hình đại dịch COVID-19

    Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sự phức tạp vì sự lây lan nhanh của biến thể Delta và Alpha SARS-CoV-2.

    Theo trang Public Health England – Cơ quan Y tế công cộng chính phủ Anh cho biết biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn 60% so với biến chủng Alpha, đồng thời sức lây nhiễm cao hơn nhiều so với chủng gây bệnh gốc. [1]

    Trước sự lo lắng về tình trạng nguy hiểm của dịch bệnh, nhiều người đã sử dụng bài thuốc dân gian như sử dụng chanh, sả, gừng, tỏi… cho việc xông hơi, ăn hoặc uống hằng ngày để phòng và chữa bệnh khi mắc SARS-CoV-2.

    Liệu phương pháp này có thực sự hiệu quả trong việc phòng và trị bệnh trong đại dịch COVID-19 sẽ được tìm hiểu trong bài viết.

    1. Các triệu chứng sớm thường gặp khi mắc COVID-19

    Theo nghiên cứu của Trisha Greenhalgh, triệu chứng của bệnh thường gặp khi nhiễm virus corona gây bệnh viêm hô hấp cấp tính 2 là sốt cao trên 38⁰C, khó thở, tim đập nhanh và có thể xảy ra tình trạng mất thính giác, vị giác. [3],[4]

    1. Tác dụng của việc sử dụng thảo dược, phương pháp xông hơi trong đại dịch COVID-19

    Những lợi ích của phương pháp xông hơi và sử dụng thảo dược trong điều trị các bệnh liên quan về đường hô hấp có tiềm năng hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19.

    Phương pháp xông hơi

    Phương pháp xông hơi thường được sử dụng tại nhà khi mắc các bệnh liên quan về đường hô hấp hoặc cảm lạnh thông thường. Phương pháp này giúp làm giảm sự tích tụ của dịch nhầy, làm thông khoang mũi và giảm viêm niêm mạc của đường hô hấp, đồng thời nó có khả năng ngăn chặn sự phát triển của các loài virus nhạy cảm với nhiệt độ cao hoặc hơi nóng. [10]

    Theo nghiên cứu của Kampf cho thấy virus corona gây bệnh hội chứng hô hấp cấp tính SARS phát hiện vào năm 2003 có thể bị tiêu diệt khi tiếp xúc với nhiệt độ cao khoảng 55⁰C trong khoảng 10 phút. [5]

    Dựa trên sự tương đồng của biến thể SARS-CoV-2 phát hiện vào năm 2019 so với đại dịch SARS năm 2003, nghiên cứu của Jean-Noël Mputu Kanyinda (2020) cho rằng hơi của nước nóng (khoảng 75⁰C) kết hợp với các loại tinh dầu có trong thảo mộc sẽ hỗ trợ quá trình ngăn cản virus sinh sản và phát triển trong cơ thể.

    Cây sả

    Cây sả được dùng như một loại thảo dược trong cuộc sống hàng ngày để làm giảm các cơn đau nhức, đau dạ dày và sốt nhờ các tinh dầu có trong cây sả được tiết ra sau khi đun nóng có khả năng chống oxy hóa, chống lại các phản ứng viêm xảy ra trong cơ thể, kháng khuẩn và kháng các loại nấm.[11]

    Lá bạc hà, chanh, gừng

    Lá bạc hà và gừng được sử dụng nhờ có khả năng chống oxy hóa. Chanh cũng là nguồn chất chống oxy hoá tốt và chứa các hoạt chất sinh học có lợi cho sức khỏe như mono – and triterpenoids, coumarins, alkaloids, phytosterols, pectin và polymethoxy flavones. [2]

    Tỏi

    Thành phần hoạt tính diallyl sulphide (DAS) tìm thấy ở tỏi có khả năng kích thích cơ chế chống oxy hóa nhờ biểu hiện chức năng của yếu tố phiên mã nuclear factor erythroid 2p45-related factor 2 (Nrf2). [6]

    Nrf2 được biết đến với chức năng điều hòa biểu hiện gen liên quan đến khả năng kháng virus gây bệnh. Khi Nrf2 được hoạt hoá, sẽ ức chế hoặc làm giảm quá trình giải phóng cytokine (“cytokine storm”) ở các bệnh nhân COVID 19 nặng và giảm tình trạng gây viêm loét nghiêm trọng do cơ chế phản ứng viêm quá mức của hệ miễn dịch. [7]. Nrf2 được hoạt hoá cũng sẽ bảo vệ tế bào phổi khỏi các tổn thương. [8], [9]. Tinh dầu tỏi và DAS cũng có khả năng hạn chế sự xâm nhập của virus.

    Cây đại hoàng, hà thủ ô đỏ

    Theo nghiên cứu của nhà khoa học người Đài Loan, hoạt chất emodin có trong cây đại hoàng (Rheum officinale Baill.) và cây hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum Thunb) có hoạt tính ngăn chặn sự hoạt động của protein gai trên bề mặt virus SARS (2003) và thụ thể ACE2 trên thành tế bào của người giúp ngăn chặn sự lây nhiễm và gây bệnh SARS. [13]

    Các bằng chứng khoa học về khả năng điều trị COVID-19 của thảo dược

    • Nghiên cứu của Jean-Noël Mputu Kanyinda (2020) về khả năng ngăn chặn và điều trị COVID-19 của một số loại thảo dược. [2]

    Nghiên cứu của Jean-Noël Mputu Kanyinda (2020) về đánh giá khả năng của các loại thảo dược trong việc điều trị trên bệnh nhân đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Phương pháp nghiên cứu này so sánh triệu chứng và quá trình phục hồi trong thời gian mắc bệnh của bệnh nhân dựa trên 2 phương pháp khác nhau:

    Phương pháp thứ nhất: 4 bệnh nhân điều trị bằng thuốc kháng sinh Azithromycin trong 5 ngày, mỗi ngày 2 lần uống, 6 bệnh nhân còn lại sử dụng phác đồ không có Azithromycin.

    Phương pháp thứ hai: phương pháp xông tinh dầu hoặc uống trực tiếp các loại thảo dược (đinh hương, chanh, sả, gừng…) vào buổi sáng và tối cách nhau khoảng 8 tiếng. Phương pháp này được sử dụng sau khi tất cả 10 bệnh nhân đã kết thúc điều trị với phương pháp thứ nhất có hoặc không dùng thuốc kháng sinh Azithromycin trong 5 ngày.

    Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi có hoặc không sử dụng thuốc Azithromycin thì 8 bệnh nhân đã xuất hiện các triệu chứng bệnh như, sốt, đau đầu, ho khan, suy nhược cơ thể hoặc thiếu máu; 2 bệnh nhân còn lại không xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên, khi lấy mẫu để kiểm tra dịch tễ kế tiếp thì đều cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

    Đối với phương pháp xông hoặc sử dụng trực tiếp hỗn hợp thảo dược (đinh hương, gừng, lá khuynh diệp, lá bạc hà, và lá sả) cho thấy khả năng bình phục và hạn chế các triệu chứng bệnh ở cả 10 bệnh nhân. Sau ngày đầu tiên áp dụng phương pháp này thì các bệnh nhân đều nhận thấy có hiệu quả rõ rệt và cơn nhức đầu không còn. Vào ngày điều trị thứ 4, toàn thể bệnh nhân có đã có triệu chứng bệnh sau khi được điều trị bằng phương pháp 1 (8/10 bệnh nhân có triệu chứng) cho biết khứu giác, thị giác đã hồi phục và trở lại hoạt động bình thường. Tiếp tục điều trị vào ngày thứ 5, trong 10 bệnh nhân có 4 người khỏi bệnh và hoạt động bình thường nhưng vẫn tiếp tục cách ly theo quy định. Ngày điều trị thứ 6, toàn bộ 6 bệnh nhân còn lại cho thấy sức khỏe hồi phục và khỏe mạnh. Kiểm tra dịch tễ cho thấy toàn bộ đều âm tính với COVID-19.

    Đề tài nghiên cứu này chứng minh việc sử dụng phương pháp xông hơi hoặc uống nóng các loại thảo dược sẽ làm giảm các triệu chứng của bệnh COVID-19 như đau đầu, nhức mỏi… cơ thể của người bệnh sẽ khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn so với khi sử dụng thuốc Azithromycin.  Điều lưu ý là phương pháp xông này được áp dụng sau khi một số bệnh nhân đã được điều trị với Azithromycin. Hơn hết, một số bệnh nhân có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, khó thở cấp tính và huyết áp. Thêm vào đó, số lượng mẫu nghiên cứu còn thấp, chỉ có 10 người đến từ các quốc gia khác nhau, độ tuổi đa dạng từ 24 đến 52 tuổi, nên có thể dẫn đến việc sai sót và bỏ qua các yếu tố tác động khác dẫn đến kết quả của công trình nghiên cứu chưa chính xác và thuyết phục.

    Từ nghiên cứu trên có thể thấy các loài cây thảo dược giúp nâng cao hệ miễn dịch ở người, cung cấp các hợp chất chống oxy hóa chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào. Bên cạnh đó, chúng còn có khả năng sát khuẩn, nấm và một số loại vi sinh vật tồn tại trên và trong cơ thể người. Đồng thời, phương pháp xông hơi cũng giúp lưu thông khí và khiến cơ thể dễ chịu, hít thở dễ dàng hơn và làm giảm các phản ứng viêm của hệ miễn dịch.

    • Nghiên cứu của nhóm Silveira đánh giá khả năng của các loại thảo mộc hỗ trợ điều trị các triệu chứng khi mắc bệnh COVID-19. [13]

    Bài nghiên cứu này dựa trên các nghiên cứu đã hoàn thành về phân tích 39 loại thảo dược được chỉ ra là có lợi trong việc điều trị bệnh liên quan đến hệ hô hấp và 3 loại thuốc không kê đơn thường sử dụng khi có những triệu chứng sớm của bệnh COVID-19.

    Mục đích của nhóm nghiên cứu là tổng hợp và đánh giá tiềm năng cũng như rủi ro của 39 loại thảo dược đã được chứng minh trong việc điều trị bệnh SARS-CoV-2 dựa trên so sánh với 3 loại thuốc không kê đơn theo quy định của Bộ Y tế là paracetamol (hạ sốt, giảm đau nhức), ibuprofen (chống đau nhức, sốt, viêm), và codeine (giảm ho) được sử dụng do cảm cúm thông thường và đang được sử dụng khi có những triệu chứng sớm do COVID-19. Công cụ phân tích của nhóm nghiên cứu dựa trên phương pháp PrOACT-URL (đánh giá rủi ro và lợi ích) đã được sửa đổi phù hợp với các tiêu chí của bài nghiên cứu để đưa ra kết luận chung của hướng nghiên cứu.

    Kết quả của đề tài nghiên cứu cho thấy trong 39 loại dược liệu có 5 loại dược liệu an toàn có khả năng kiểm soát các triệu chứng sớm hoặc nhẹ khi mắc COVID-19 và 12 loại có tiềm năng nhưng cần được nghiên cứu thêm về tác dụng điều trị bệnh và tác dụng phụ có thể xảy ra

    Năm loại có khả năng và an toàn nếu sử dụng điều trị bệnh COVID-19 là Althaea officinalis – cây thục quỳ (rễ, lá); Commiphora molmol – cây trám hồng (nhựa cây);  Glycyrrhiza glabra – cây cam thảo (rễ); Hedera helix – cây thường xuân (lá); và Sambucus nigra – cây cơm cháy đen (hoa khô).

    Mười hai loài thảo dược có tiềm năng nhưng cần thêm các nghiên cứu lâm sàng trước khi đưa vào thực tiễn bao gồm Allium sativum – cây tỏi (củ hoặc bột); Andrographis paniculata – cây xuyên tâm liên (thân, lá); Echinacea angustifolia – cây hoa cúc dại Mỹ; Echinacea purpurea – cây hoa cúc tím; Eucalyptus globulus – cây khuynh diệp/ bạch đàn xanh (lá, tinh dầu); Justicia pectoralis – cây thuộc họ Ô rô (lá); Magnolia officinalis – cây mộc lan (vỏ cây); Mikania glomerata – cây Guaco (lá); Pelargonium sidoides – cây thiên trúc quỳ (rễ); Pimpinella anisum – cây Tiểu hồi cần (hạt); Salix sp. – cây Liễu trắng (vỏ cây); Zingiber officinale – cây gừng (thân rễ).

    Phân tích dữ liệu cũng chỉ ra rằng chỉ có thuốc ibuprofen có tiềm năng hỗ trợ điều trị các triệu chứng sớm/ không nghiêm trọng của bệnh COVID-19; hai loại thuốc còn lại là paracetamol và codein có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng tới hệ hô hấp và không có bằng chứng lâm sàng cho thấy hai loại thuốc này giúp điều trị COVID-19 trong giai đoạn mới phát hiện các triệu chứng nhẹ. Nhìn chung, cả ba loại thuốc đều có tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến sức khỏe nên cần phải tìm hiểu kỹ và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tự sử dụng.

    Thêm vào đó, việc sử dụng phương pháp phân tích những lợi ích và rủi ro của các loại thảo dược có lợi giúp cho bài nghiên cứu được đánh giá một cách khách quan, chặt chẽ với các dẫn chứng thuyết phục. Đồng thời, hướng nghiên cứu mới này mở ra cơ hội tiếp cận với kiến thức khoa học thuận tiện và nhanh hơn

    • Nghiên cứu khác

    Một báo cáo bởi tác giả người Pháp chỉ ra một số sản phẩm trao đổi của các loại cây thảo dược có khả năng kích thích và tăng cường biểu hiện gen của thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào như baicalin – cây hoàng cầm (Scutellaria sp.); tanshinones – cây đan sâm (Salvia sp.); magnolol – cây mộc lan (Magnolia sp.); curcumin – cây nghệ (Curcuma sp.); rosmarinic axit – cây hương thảo ( Rosmarinus officinalis L.) (ANSES, 2020). Vì vậy, việc sử dụng các loại dược liệu này cần được nghiên cứu sâu hơn trước khi sử dụng để điều trị COVID-19.

    Kết luận

    Một số loại thảo dược có tiềm năng trong việc phòng và chống COVID-19, giúp hỗ trợ phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế các triệu chứng bệnh nhẹ như nhức mỏi, ho khan… Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu lâm sàng chứng minh thảo dược hoặc các hoạt chất sinh học trong chúng có khả năng ngăn chặn và điều trị khỏi bệnh hoàn toàn gây ra bởi virus SARS-CoV-2.

    Việc lạm dụng và sử dụng không đúng cách các loại thảo dược hay xông hơi sẽ dẫn đến các biến chứng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về da, dạ dày và đường ruột. VD: sử dụng tỏi để ăn hàng ngày có thể làm tăng nóng trong dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy. Nguy hiểm hơn tỏi được có khả năng chống lại hoạt động của tiểu cầu nên tình trạng chảy máu/máu khó đông có thể xảy ra. Hoạt chất trong tỏi còn hỗ trợ khả năng hoạt động của các hóa chất trong thuốc không kê đơn, vì vậy, khi sử dụng chung thuốc và tỏi có thể xảy ra một số tác dụng phụ. Thường xuyên dùng sả làm nước uống sẽ dẫn đến nóng trong, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày. Tương tự đối với gừng khi sử dụng nhiều cũng ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày và hệ tiêu hóa có thể gây nên tình trạng táo bón hoặc đi cầu sẽ có cảm giác nóng rát. [14]. Phương pháp xông hơi không giúp loại bỏ virus SARS-CoV-2 khi nó đã xâm nhập vào cơ thể, nước nóng khoảng 70⁰C có thể dùng để sát khuẩn bề mặt nhằm hạn chế sự phát triển của virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, với nhiệt độ này không an toàn cho cơ thể người, có thể gây bỏng và nguy hiểm khi sử dụng. [12]

    Trên hết, để công tác phòng chống dịch thành công người dân nên tuân theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, tuân thủ nguyên tắc 5K, vệ sinh môi trường sống xung quanh, cung cấp đủ năng lượng cần thiết để có một cơ thể khỏe mạnh. Nếu có bất cứ triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 cần liên hệ ngay với cơ quan y tế, không tự ý đến khám tại các trung tâm y tế, bệnh viện và tự chữa trị tại nhà.

    Nguồn tham khảo

    1. Mahase E. Delta variant: What is happening with transmission, hospital admissions, and restrictions? BMJ 2021; 373:n1513 doi:10.1136/bmj.n1513
    2. Mputu Kanyinda, Jean-noel. (2020). Coronavirus (COVID-19): A Protocol For Prevention And Treatment (Covalyse®). European Journal of Medical and Health Sciences. 2. 10.24018/ejmed.2020.2.4.340.
    3. Trisha Greenhalgh, G.C.H.K., Josip  Car.,  Covid-19:  a  remote assessment in primary care. BMJ., 2020. 368: p. 1-5.
    4. Carol H. Yan, F.F., Divya P. Prajapati, Christine E. Boone, Adam S. DeConde., Association of chemosensory dysfunction and COVID-19 in patients  presenting  with  influenza-like  symptoms.  International Forum of Allergy & Rhinology.,                      2020. 0: p. 1-8.
    5. Kampf G, A.V., S. Scheithauer., Inactivation of coronaviruses by heat. Journal of Hospital Infection., 2020: p. 1-2.
    6. Asif, M., Saleem, M., Saadullah, M., Yaseen, H. S., & Al Zarzour, R. (2020). COVID-19 and therapy with essential oils having antiviral, anti-inflammatory, and immunomodulatory properties.  Inflammopharmacology28(5), 1153–1161. https://doi.org/10.1007/s10787-020-00744-0
    7. McCord JM, Hybertson BM, Cota-Gomez A, Gao B (2020) Nrf2 activator PB125® as a potential therapeutic agent against COVID-19. bioRxiv:2020.2005.2016.099788. https://doi.org/10.1101/2020.05.16.099788
    8. Ho CY, Cheng YT, Chau CF, Yen GC (2012) Effect of diallyl sulfide on in vitro and in vivo Nrf2-mediated pulmonic antioxidant enzyme expression via activation ERK/p38 signaling pathway. J Agric Food Chem 60:100–107. https://doi.org/10.1021/jf203800d
    9. Patel VJ, Biswas Roy S, Mehta HJ, Joo M, Sadikot RT (2018) Alternative and natural therapies for acute lung injury and acute respiratory distress syndrome. Biomed Res Int 2018:2476824. https://doi.org/10.1155/2018/2476824
    10. Swain, Santosh & Lenka, Smarita & Das, Somadatta & Ma,. (2021). Steam inhalation in treatment of the COVID-19 patients: A Review. Universal Journal of Pharmaceutical Research. 13. 10.31838/ijpr/2021.13.02.321.
    11. Lemongrass essential oil: Benefits, use, and side effects

    https://www.medicalnewstoday.com/articles/325209#_noHeaderPrefixedContent
    12. MYTH: Inhaling steam is an effective Covid-19 treatment

    https://digitalmedic.stanford.edu/myth/myth-inhaling-steam-is-an-effective-covid-19-treatment/

    1. COVID-19: Is There Evidence for the Use of Herbal Medicines as Adjuvant Symptomatic Therapy?, Silveira et al.,

    https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fphar.2020.581840/full

    1. Uống nước chanh, gừng, sả như trên mạng có ngừa được COVID-19?, Baotuoitre,

    https://tuoitre.vn/uong-nuoc-chanh-gung-sa-nhu-tren-mang-co-ngua-duoc-covid-19-20210723093125257.htm

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây