(Lược dịch từ: Brooks, S. K., Webster, R. K., Smith, L. E., Woodland, L., Wessely, S., Greenberg, N., & Rubin, G. J. (2020). The psychological impact of quarantine and how to reduce it: rapid review of the evidence. The lancet, 395(10227), 912-920)
Tóm tắt:
Xuất hiện lần đầu vào năm 2019 tại Vũ Hán, đến nay đại dịch COVID-19 đã có 4 đợt bùng phát và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Nhiều quốc gia đã có những quyết định về việc giãn cách xã hội và cách ly y tế với những người dương tính hoặc tiếp xúc gần với người dương tính COVID-19 tại các cơ sở cách ly tập trung hoặc tại nhà. Trên cơ sở nghiên cứu 3 nguồn dữ liệu internet với 3.166 bài báo đã công bố, có 24 bài phù hợp để đưa vào phân tích những tác động tâm lý của đại dịch COVID-19. Hầu hết các nghiên cứu đều báo cáo các tác động tiêu cực bao gồm các triệu chứng stress hậu sang chấn, lo âu và cảm xúc tiêu cực. Các yếu tố gây căng thẳng gồm thời gian cách ly kéo dài hơn, lo sợ lây nhiễm, thất vọng, buồn chán, nguồn cung cấp và thông tin không đầy đủ, tổn thất về tài chính và sự kỳ thị. Một số nhà nghiên cứu đã đề xuất các ảnh hưởng lâu dài cần quan tâm của việc giãn cách xã hội và cách ly y tế. Trong những tình huống mà việc cách ly là cần thiết để đảm bảo an toàn, cần chú ý đến thời gian cách ly không quá dài, cung cấp rõ ràng về các yêu cầu và thông tin cách ly, đảm bảo nguồn cung cấp đầy đủ (nhu yếu phẩm và y tế). Đồng thời cần truyền thông nâng cao nhận thức về lòng trắc ẩn, vị tha, yêu thương thông qua thông điệp về lợi ích của việc cách ly y tế và giãn cách xã hội. Trên cơ sở của nghiên cứu này, chúng tôi cũng đã cập nhật và kiến nghị một số giải pháp cho Việt Nam trong chiến lược giãn cách, cách ly y tế và điều trị bệnh nhân COVID-19. Các giải pháp tập trung vào việc xây dựng lại chiến lược giãn cách xã hội và cách ly y tế; xây dựng hệ thống thông tin truyền thông tập trung, hiệu quả; cung cấp đầy đủ nhu cầu y tế và nhu yếu phẩm cho người trong vùng cách ly; cần phải có các dịch vụ hỗ trợ về sức khoẻ tâm thần theo nhiều cấp độ cho những người bị cách ly và bệnh nhân COVID-19 bởi nhóm chuyên gia đa ngành; chú ý nhiều hơn đến đời sống tinh thần của nhân viên y tế, những người bị tổn thương nhất trong bối cảnh COVID-19; cần có một nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần và các yếu tố ảnh hưởng để có một hệ thống giải pháp tích cực, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Giới thiệu
Cách ly là việc ngăn cách và hạn chế di chuyển của những người có khả năng tiếp xúc với bệnh nhân dương tính COVID-19 để xác định xem họ có nhiễm bệnh hay không và giảm nguy cơ họ lây bệnh cho người khác (CDC, 2017). Định nghĩa này khác với việc cô lập và tách biệt những người được chẩn đoán là mắc COVID-19 khỏi những người không mắc bệnh, tuy nhiên, hai thuật ngữ thường được sử dụng thay thế cho nhau, đặc biệt là trong giao tiếp cộng đồng (Manuell ME, Cukor J. Mother, 2011). Thuật ngữ cách ly đã được sử dụng lần đầu trên thế giới vào năm 1127 tại Venice, Ý, liên quan đến dịch bệnh phong và sau đó được sử dụng rộng rãi, mặc dù vậy, phải đến 300 năm sau đó Vương quốc Anh mới bắt đầu áp đặt cách ly để đối phó với bệnh dịch (CDC, 2017). Gần đây nhất, cách ly đã được sử dụng khi bùng phát bệnh virus corona 2019 (COVID-19). Sự bùng phát này đã chứng kiến toàn bộ các thành phố của Trung Quốc bị cách ly hàng loạt, khi hàng ngàn công dân của Trung Quốc từ nước ngoài trở về và đã được yêu cầu tự cách ly tại nhà hoặc trong các cơ sở cách ly tập trung (Public Health England, 2019). Trước đó, cũng đã có những tiền lệ tương tự khi vào năm 2003, tại Trung Quốc và Canada đã có những thành phố bị giãn cách xã hội (cách ly) trong đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) nghiêm trọng.
Tại sao cần có nghiên cứu này?
Cách ly thường là một trải nghiệm khó khăn đối với con người. Việc phải tách biệt khỏi những người thân yêu, mất đi sự tự do, không chắc chắn về tình trạng bệnh tật và buồn chán có thể là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân. Những báo cáo cho thấy, gia tăng tự sát (Barbisch D, Koenig KL, Shih FY, 2015), tức giận và kiện cáo (Public Health England, 2019) sau khi áp dụng những biện pháp cách ly trong các đợt bùng phát trước đây. Chính vì thế, việc cách ly cần phải được xem xét một cách thận trọng để tránh những tổn thương về mặt tinh thần và xã hội có thể xảy ra tức thời hoặc xa hơn (Rubin GJ, Wessely S, 2020). Tổ chức thành công chiến lược cách ly như một biện pháp y tế cộng đồng đòi hỏi chúng ta phải giảm thiểu càng nhiều càng tốt các tác động tiêu cực đến con người.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gia tăng, việc xây dựng chính sách cần phải rất khẩn trương và cần phải dựa vào các bằng chứng nghiên cứu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo rằng, trong bối cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu như hiện nay, việc đánh giá nhanh và tổng hợp cần được khuyến khích. Vì thế, nhóm nghiên cứu đã triển khai một đánh giá nhanh về các ảnh hưởng đến tâm lý và sức khoẻ tâm thần của việc cách ly, giãn cách xã hội, từ đó khuyến nghị các giải pháp giúp làm nhẹ các tác động này. Trong số 3.166 bài báo được tìm thấy trên 3 nguồn dữ liệu là MEDLINE, PsycINFO và Web of Science, có 24 bài được đưa vào phân tích/ đánh giá và những nghiên cứu này được thực hiện trên 10 quốc gia với các cá nhân bị SARS (11 nghiên cứu), Ebola (5 nghiên cứu), đại dịch cúm H1N1 năm 2009, 2010 (3 nghiên cứu), hội chứng hô hấp Trung Đông (2 nghiên cứu) và dịch cúm ngựa (01 nghiên cứu). Một trong các nghiên cứu này liên quan đến cả H1N1 và SARS.
Tác động tâm lý của việc cách ly
Năm nghiên cứu so sánh kết quả tâm lý của người cách ly với người không bị cách ly (Bai Y và cs, 2004; Liu X và cs, 2012; Sprang G, và cs, 2013; Taylor MR và cs, 2008; Wu P, 2009). Một nghiên cứu về nhân viên y tế có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính SARS được triển khai ngay sau thời gian kết thúc cách ly (9 ngày), kết quả các nghiên cứu này cho thấy việc cách ly là yếu tố dự báo nhiều nhất các triệu chứng của rối loạn stress hậu sang chấn (Bai Y, Lin C C, Lin C Y, Chen J Y, Chue C M, Chou P., 2004). Trong một nghiên cứu tương tự, nhân viên y tế bị cách ly có nhiều dấu hiệu đặc hiệu hơn về tình trạng kiệt sức, cô lập, lo âu khi tiếp xúc gần với bệnh nhân có triệu chứng dương tính, cáu gắt, mất ngủ, kém tập trung và thiếu quyết đoán, giảm hiệu suất công việc, miễn cưỡng làm việc và giảm khả năng kiên trì trong công việc. Trong một nghiên cứu khác, ảnh hưởng của việc cách ly với nhân viên y tế có thể tiên lượng các triệu chứng stress hậu sang chấn sau 3 năm kể từ khi kết thúc cách ly (Wu P, Fang Y, Guan Z và cs, 2009). Khoảng 34% (938 trong số 2.760) những người nuôi ngựa bị cách ly trong vài tuần đã báo cáo các triệu chứng khủng hoảng tâm lý trầm trọng trong suốt thời gian dịch bùng phát, tỷ lệ này ở dân số nói chung tại Úc là khoảng 12% (Taylor MR, Agho KE, Stevens GJ, Raphael B, 2008). Một nghiên cứu so sánh các triệu chứng stress hậu sang chấn ở những cha mẹ và con cái bị cách ly với những người không bị cách ly cho thấy điểm số stress hậu sang chấn ở trẻ bị cách ly cao hơn gấp bốn lần ở trẻ không bị cách ly, trong khi đó 28% (27 trên 98) cha mẹ bị cách ly có đầy đủ các triệu chứng rối loạn tâm thần liên quan đến sang chấn và chỉ có 6% (17 trong số 299) cha mẹ không bị cách ly có dấu hiệu rối loạn tâm thần (Sprang G, Silman M, 2013). Một nghiên cứu khác cho thấy, nhân viên y tế có các triệu chứng trầm cảm sau 3 năm bị cách ly và trong đó có khoảng 9% (48 trong số 549) có triệu chứng trầm cảm nặng. Ở nhóm trầm cảm nặng có gần 60% (29 trong số 48) đã từng bị cách ly, trong khi đó chỉ có 15% (63 trong số 424) ở nhóm có triệu chứng trầm cảm nhẹ đã từng bị cách ly (Liu X, Kakade M, Fuller CJ và cs, 2012).
Tất cả các nghiên cứu định lượng khác với nhóm cộng đồng đã được cách ly cho thấy một tỷ lệ cao các triệu chứng khủng hoảng tâm lý và rối loạn tâm thần. Các vấn đề được báo cáo nói chung bao gồm các triệu chứng khủng hoảng tâm lý (Mihashi M, 2009), rối loạn cảm xúc (Wu P, Fang Y, Guan Z, và cs, 2016), trầm cảm (Hawryluck L, và cs, 2004), stress bệnh lý (DiGiovanni C, và cs, 2004), rối loạn khí sắc (Lee S và vs, 2005), rối loạn giấc ngủ (Lee S và cs, 2005), các triệu chứng stress hậu sang chấn (Reynolds DL và cs, 2008; Weiss DS, Marmar CR, 1997), cảm xúc tiêu cực (Marjanovic Z và cs, 2007; Maunder R và cs, 2003).
Những người bị cách ly do phải tiếp xúc gần với những bệnh nhân dương tính với SARS có những phản ứng tiêu cực trong suốt thời gian cách ly, gồm trên 20% (230 trong số 1.057) hoảng sợ, 18% (187) lo âu, 18% (186) trầm cảm và 10% (101) cảm giác tội lỗi. Một số ít báo cáo về cảm nhận tích cực của người bị cách ly, gồm 5% (48) cho biết có cảm nhận hạnh phúc và 4% (43) cảm thấy nhẹ nhõm. Nhiều nghiên cứu định tính cũng cho thấy những phản ứng tiêu cực khi bị cách ly như bối rối, sợ hãi, tức giận, đau buồn và mất ngủ do lo lắng (Reynolds DL và cs, 2008; Braunack Mayer A và cs 2013; Cava MA và cs, 2005; Pan PJD và cs 2005; Caleo G và cs, 2018; DiGiovanni C và cs, 2003; Pan P. J. D và cs 2005; Pellecchia U và cs 2015; Caleo G và cs, 2018; Cava MA và cs, 2005; Wang Y và cs, 2011; Desclaux A và cs, 2017).
Một nghiên cứu trên hai nhóm sinh viên đã từng bị cách ly và không bị cách ly cho thấy không có sự khác biệt gì đáng kể về triệu chứng stress hậu sang chấn hoặc các vấn đề về sức khỏe tâm thần tổng quát. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa đủ mẫu đại diện cho toàn bộ học sinh, sinh viên nên có lẽ chưa khái quát hết và những kết luận này là chưa đầy đủ (Jeong H và cs, 2016; Wang Y và cs, 2009).
Chỉ có một nghiên cứu so sánh những hậu quả về tâm lý trong suốt thời gian cách ly và một thời gian sau đó, kết quả chỉ ra rằng trong suốt thời gian cách ly có khoảng 7% (126 trong số 1.656) có triệu chứng rối loạn lo âu, 17% (275) cảm thấy tức giận, trong khi 4 đến 6 tháng sau cách ly các triệu chứng này đã giảm xuống 3% (lo âu) và 6% (tức giận). Hai nghiên cứu báo cáo những hậu quả lâu dài của việc cách ly. Sau 3 năm bùng phát dịch SARS, lạm dụng rượu hoặc các triệu chứng lệ thuộc chất có mối liên hệ với việc bị cách ly ở những nhân viên y tế. Trong một phân tích đa biến, sau khi kiểm soát các biến nhân khẩu, hai yếu tố cách ly và đã từng làm việc trong môi trường nguy cơ cao là hai biến có liên quan đáng kể với những hậu quả về tâm lý (Wu P, Liu X, Fang Y, và cs, 2008).
Sau cách ly, nhiều người tiếp tục gia tăng các hành vi né tránh. Đối với các nhân viên y tế, kể từ ngay khi bị cách ly đã có những dấu hiệu của hành vi né tránh, như giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân và trì hoãn báo cáo công việc với đồng nghiệp/cấp trên. Một nghiên cứu khác cho thấy, người bị cách ly bởi nguy cơ mắc SARS ghi nhận có khoảng 54% (524 trong số 1.057) tránh né những người có triệu chứng của SARS, 26% (255) tránh những chỗ đông người, nơi khép kín và 21% (204) tránh mọi không gian công cộng sau thời gian cách ly. Một nghiên cứu định tính cho thấy, những người bị cách ly có nhiều thay đổi về hành vi dài lâu về sau như rửa tay kỹ lưỡng và tránh đám đông, nhiều người trở lại trạng thái bình thường phải mất rất nhiều tháng sau đó (Marjanovic Z và cs, 2007; Reynolds DL và cs, 2008; Cava MA và cs, 2005).
Các dự báo tiền cách ly về tác động tâm lý
Liệu rằng các đặc trưng và yếu tố nhân khẩu của người bị cách ly có phải là các yếu tố dự báo về hậu quả tâm lý hay không? Một nghiên cứu trên nhóm những người nuôi ngựa bị cách ly bởi dịch cúm ngựa đã xác định các đặc điểm liên quan đến các hậu quả tâm lý tiêu cực như lứa tuổi (16-24 tuổi), trình độ học vấn thấp, giới nữ, có một con. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cho rằng các yếu tố nhân khẩu như tình trạng hôn nhân, tuổi tác, trình độ học vấn, sinh sống cùng người khác và có con đều không liên quan đến các hậu quả về tâm lý (Hawryluck L và cs, 2004; Taylor MR và cs, 2008).
Người có tiền sử bệnh tâm thần có khả năng sẽ trải qua lo âu sau 4 đến 6 tháng sau khi kết thúc cách ly. Các nhân viên y tế bị cách ly có nhiều triệu chứng stress hậu sang chấn trầm trọng hơn các nhóm cộng đồng khác cũng bị cách ly. Các nhân viên y tế cũng cảm thấy mình bị định kiến bởi việc nhiễm bệnh cao hơn các nhóm cộng đồng khác. Họ cũng gia tăng các hành vi né tránh xã hội, mất thu nhập hơn và có nhiều hậu quả hơn về mặt tâm lý như tức giận nhiều hơn, khó chịu, sợ hãi, thất vọng, tội lỗi, bất lực, cô lập, cô đơn, hồi hộp, buồn chán, lo âu, cảm nhận hạnh phúc kém. Các nhân viên y tế cũng lo lắng việc mình bị mắc SARS có thể nhiễm cho người khác, nhất là những người thân trong gia đình và bệnh nhân của họ (Hawryluck L và cs, 2004; Jeong H, Yim HW và cs, 2016; Reynolds DL và cs, 2004).
Các yếu tố gây căng thẳng khi cách ly
Kéo dài thời hạn cách ly
Các nghiên cứu cho thấy rằng thời gian cách ly kéo dài có thể dẫn tới các vấn đề sức khoẻ tâm thần trầm trọng hơn và gia tăng các triệu chứng stress hậu sang chấn, các hành vi né tránh xã hội và cảm xúc âm tính. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người cách ly hơn 10 ngày sẽ có các triệu chứng stress hậu sang chấn cao hơn so với những người bị cách ly ít hơn 10 ngày (Hawryluck L và cs, 2004; Marjanovic Z và cs, 2007; Reynolds DL và cs, 2008).
Lo sợ lây nhiễm
Trong tám nghiên cứu cho rằng những người cách ly thường luôn sợ hãi về sức khoẻ của bản thân và sợ lây nhiễm cho người khác, nhất là các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, họ lo lắng nhiều hơn khi bản thân có bất kỳ triệu chứng cơ thể nào có liên quan đến lây nhiễm, sợ các triệu chứng có thể kéo dài và điều này có liên quan đến các hậu quả tâm lý sau đó nhiều tháng. Các nhóm nhiều lo âu hơn cả là nhóm phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ (Blendon RJ và cs, 2004; BraunackMayer A và cs, 2004; Jeong H và cs, 2016; Desclaux A và cs, 2017).
Thất vọng và chán nản
Một số nghiên cứu cho thấy, việc bị cách ly có thể gây nên sự buồn chán, thất vọng và cảm giác cô lập, đau khổ. Những cảm xúc và tâm trạng ngày càng trầm trọng do người bị cách ly không thể tham gia các sinh hoạt thường ngày, như đi mua sắm các nhu yếu phẩm hoặc tham gia vào các kết nối xã hội thông qua điện thoại hoặc internet (Blendon RJ và cs, 2004; BraunackMayer A và cs, 2013; Cava MA và cs, 2017; Hawryluck L và cs, 2004; Jeong H và cs, 2016; Reynolds DL và cs, 2008; Robertson E và cs, 2004; Wilken JA và cs, 2017).
Nguồn cung cấp không đầy đủ
Không có đủ các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm, nước uống, quần áo, chỗ ở trong thời gian cách ly gây ra sự thất vọng lớn cho cá nhân (Blendon RJ và cs, 2004; Wilken JA và cs, 2017) và những cảm xúc này có thể kéo dài kể cả sau 4 đến 6 tháng sau khi hết cách ly (Jeong H và cs, 2016). Đồng thời, việc không được cung cấp các dịch vụ y tế thường xuyên cũng là vấn đề lớn đối với người bị cách ly (Blendon RJ và cs, 2004). Có bốn nghiên cứu cho thấy, đa số người cách ly cho rằng họ không được cung cấp đầy đủ về vật tư y tế, thực phẩm, nước uống và điều này làm gia tăng các cảm xúc tiêu cực/ âm tính (DiGiovanni C và cs, 2004; Cava MA và cs, 2005; Pellecchia U và cs, 2015; Caleo G và cs, 2018).
Thông tin không đầy đủ
Nhiều người bị cách ly cho rằng, các thông tin từ cơ quan y tế rất ít làm cho họ căng thẳng, lo lắng, nhiều người thì cho rằng, các thông tin không rõ ràng cũng làm họ hoang mang, nhất là khi họ không hiểu rõ mục đích của việc cách ly (BraunackMayer A và cs, 2013; Cava MA và cs, 2005; DiGiovanni C và cs, 2003; Pellecchia U và cs, 2015; Robertson E và cs, 2004). Sau dịch SARS ở Canada, những nhà nghiên cứu thấy rằng, sự hoang mang lo lắng của những người bị cách ly có nguyên nhân từ việc khác biệt về phong cách, cách tiếp cận và nội dung của các thông điệp về sức khoẻ rất khác nhau từ các cơ quan y tế, các cơ quan chính phủ (DiGiovanni C, Conley J, Chiu D, Zaborski J, 2004). Nhiều người bị cách ly cho rằng, việc thiếu hoặc hiểu không rõ ràng về các cấp độ nguy cơ của dịch bệnh dẫn tới sự lo sợ những điều tồi tệ dẫn đến cho họ.14 Việc thiếu minh bạch và không hướng dẫn rõ ràng từ các cơ quan y tế và chính phủ về tính nghiêm trọng của đại dịch cũng làm gia tăng khủng hoảng (BraunackMayer A và cs, 2013; Reynolds DL và cs, 2008).
Các yếu tố gây căng thẳng hậu cách ly
Tài chính
Khủng hoảng về tài chính có thể là một vấn đề lớn với nhiều người khi mà bị cách ly đồng nghĩa với việc phải dừng lại các công việc có thu nhập và việc này có thể là vấn đề lâu dài. Trong những nghiên cứu được xem xét, việc cách ly dài ngày làm gia tăng tình trạng thất nghiệp và tạo ra sự khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế – xã hội, đây được coi là yếu tố nguy cơ đối với các triệu chứng rối loạn tâm thần sau nhiều tháng kết thúc cách ly (Mihashi M và cs, 2009; Pellecchia U và cs, 2015; Jeong H và cs, 2016). Trong một nghiên cứu cho thấy những người chủ nuôi ngựa bị cách ly vì bệnh cúm ngựa có khả năng khủng hoảng cao hơn gấp 2 lần so với những người không làm trong ngành. Phát hiện này có lẽ liên quan đến các tác động về kinh tế nhưng cũng có thể liên quan đến sự gián đoạn các kết nối xã hội và các hoạt động giải trí của ngành (Taylor MR, Agho KE, Stevens GJ, Raphael B., 2008).
Một nghiên cứu khác trên những người bị cách ly khi tiếp xúc với bệnh nhân Ebola cho rằng họ đã nhận được hỗ trợ tài chính nhưng không đủ và nguồn hỗ trợ đến khá trễ và không đủ trang trải chi phí khi phải nghỉ làm vì cách ly. Trong một nghiên cứu tương tự cho thấy, những người bị cách ly tại Toronto trong thời gian dịch bệnh SARS được hỗ trợ về tài chính nhưng nguồn hỗ trợ đến trễ cũng làm họ rất khó khăn. Các nghiên cứu khác nhau đều cho thấy, việc tổn thất tài chính kéo dài có liên quan đến triệu chứng trầm cảm và stress hậu sang chấn (Hawryluck L và cs, 2004; Cava MA và cs, 2005; Desclaux A và cs, 2017).
Kỳ thị
Sự kỳ thị và định kiến với những người bị cách ly là chủ đề xuyên suốt các nghiên cứu và thường tiếp tục kéo dài ngay cả sau khi họ dừng cách ly và bùng phát dịch kết thúc. Trong một nghiên cứu giữa nhân viên y tế bị cách ly và những người không bị cách ly cho thấy, nhân viên y tế bị cách ly có khả năng cao bị kỳ thị và sau đó, họ bị bệnh nhân từ chối các dịch vụ hoặc sợ hãi khi tiếp túc trực tiếp (Bai Y và cs, 2004; Cava MA và cs, 2005; Hawryluck L và cs, 2004; Lee S, và cs, 2005; Maunder R và cs, 2003; Pan PJD và cs, 2005; Robertson E và cs, 2004; Wester M và cs, 2019; Wilken JA và cs, 2017).
Nhiều nhân viên y tế liên quan đến sự bùng phát dịch Ebola ở Senegal báo cáo rằng cách ly đã dẫn đến việc gia đình nhìn nhận công việc của họ là quá rủi ro, tạo ra sự căng thẳng trong gia đình. Ba nhân viên y tế trong nghiên cứu trên cho rằng, họ phải nghỉ hẳn công việc của mình do bệnh nhân của họ sợ bị lây nhiễm dịch bệnh từ họ (Desclaux A, Badji D, Ndione AG, Sow K., 2017).
Những người bị cách ly trong đợt dịch Ebola ở Liberia cho rằng, sự kỳ thị có thể dẫn đến việc tước quyền của các nhóm thiểu số trong cộng đồng vì họ cũng thường thuộc về các nhóm dân tộc, bộ lạc hoặc tôn giáo khác và bị coi là nguy hiểm vì sự khác biệt của họ. Có thể, vì sự kỳ thị mà những người mắc Ebola thường giữ bí mật và tự điều trị, hoặc tự tìm sự giúp đỡ cá nhân chứ không tìm đến các cơ sở y tế (Pellecchia U, Crestani R, Decroo T, Van den Bergh R, AlKourdi Y, 2015).
Việc xây dựng chiến lược giáo dục tổng quát để cung cấp thông tin y tế công cộng và cách thức cách ly hợp lý có thể giảm sự kỳ thị. Các cơ quan y tế công cộng cần phải cung cấp thông tin dịch bệnh một cách nhanh chóng, rõ ràng và truyền thông hiệu quả đến toàn bộ cộng đồng thúc đẩy sự hiểu biết chính xác về tình hình dịch bệnh (Person B, Sy F, Holton K, và cs, 2004).
Có thể làm gì để giảm nhẹ hậu quả cách ly?
Khi dịch bệnh bùng phát và lây nhiễm cộng đồng lớn thì việc cách ly có thể là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả. Tuy nhiên, nghiên cứu tổng hợp này cho thấy, việc cách ly thường dẫn tới các hậu quả tâm lý tiêu cực. Ngoài những ảnh hưởng ngay trong thời gian cách ly thì những hậu quả lâu dài cũng có thể ảnh hưởng sau vài tháng hay vài năm (Liu X và cs, 2012; Jeong H và cs, 2016). Những tác động lâu dài này dẫn tới sự khó khăn trong hỗ trợ và rất phức tạp, vì thế cần phải đảm bảo các biện pháp giảm nhẹ có hiệu quả ngay tại thời điểm cách ly. Nghiên cứu trên đây đã tổng hợp các bằng chứng rõ ràng về hậu quả tâm lý của việc cách ly, tuy nhiên các yếu tố của bối cảnh này chỉ được coi như yếu tố ảnh hưởng đến các rối loạn tâm thần chứ không phải nguyên nhân chắc chắn. Hơn thế, nhiều cá nhân có thể có các rối loạn tâm thần từ trước đó và việc cách ly chỉ như một yếu tố kích hoạt, làm gia tăng tình trạng của họ mà thôi (Cukor J và cs, 2011). Nghiên cứu tổng hợp cũng cho thấy một tỷ lệ không nhỏ nhân viên y tế có các hậu quả tiêu cực về tâm lý và nhóm đối tượng này cần phải được hỗ trợ từ các nhà quản lý để có thể trở lại công việc một cách an toàn nhất (Brooks SK, Dunn R, Amlôt R, Rubin GJ, Greenberg N., 2018).
Kiểm tra và hỗ trợ sức khoẻ tâm thần với những người bị cách ly
Cần đánh giá tình trạng sức khoẻ tâm thần, thậm chí kiểm tra tình trạng rối loạn tâm thần của những người cách ly y tế (kể cả nhân viên y tế) để có thể có sự hỗ trợ đặc biệt. Điều này được lý giải là những người có vấn đề sức khoẻ tâm thần thường có nguy cơ khủng hoảng cao hơn những người không có vấn đề sức khoẻ tâm thần khi cách ly. Vì thế, cũng cần phải có các chuyên gia trong lĩnh vực sức khoẻ tâm thần trong các khu vực cách ly hoặc các khu phong toả hay kiểm soát dịch bệnh.
Cách ly càng ngắn càng tốt
Việc hạn chế kéo dài thời gian cách ly (nhưng phải phù hợp với các khuyến cáo khoa học về thời gian có thể ủ bệnh) giúp phòng ngừa các hậu quả tâm lý tiêu cực cũng như các hạn chế khác. Việc kéo dài thời gian cách ly hay giãn cách xã hội có thể làm gia tăng sự thất vọng hoặc khủng hoảng tinh thần (Rona RJ, Fear NT, Hull L và cs, 2007). Hơn thế, việc giãn cách xã hội toàn thành phố mà không có giới hạn thời gian rõ ràng (như đã thấy ở Vũ Hán, Trung Quốc) có thể gây khủng hoảng nhiều hơn các biện pháp cách ly nghiêm ngặt với những người có nguy cơ (F1, F2).
Cung cấp thông tin cho mọi người chính xác nhất có thể
Những người đang cách ly thường sợ bị lây nhiễm hoặc lây nhiễm cho người khác, họ cũng thường có các đánh giá tiêu cực với bất cứ triệu chứng thể chất nào trong suốt thời gian cách ly. Sự lo sợ này là khá phổ biến với tất cả những người có nguy cơ (tiếp xúc gần) với người dương tính và sự lo sợ này trở nên nghiêm trọng do thông tin không đầy đủ từ các cơ quan y tế công cộng. Vì thế, việc đảm bảo những thông tin một cách rõ ràng, nhanh chóng về tình hình dịch bệnh và bệnh lý cần phải được đảm bảo và ưu tiên.
Cung cấp vật dụng đầy đủ
Các cơ quan chức năng cần bảo đảm về việc cung cấp các vật dụng đầy đủ cho người/ hoặc gia đình bị cách ly, đặc biệt các vật dụng cơ bản và phải càng nhanh càng tốt. Xây dựng kế hoạch đảm bảo nhu cầu cần thiết cho người dân phải đồng thời với kế hoạch cách ly và phải bảo đảm sự phân bố lâu dài không bị cạn kiệt. Việc cung cấp đủ về các nhu yếu phẩm và các vật tư y tế cũng như dịch vụ y tế đảm bảo giúp cá nhân tốt hơn (Manuell ME, Cukor J., 2011).
Giảm sự nhàm chán và cải thiện giao tiếp
Sự nhàm chán và cô lập sẽ gây ra đau khổ. Vì thế, người cách ly cần được hướng dẫn các hoạt động và lịch trình làm giảm sự nhàm chán, đồng thời cung cấp các chiến lược giúp họ có kỹ thuật ứng phó và quản lý căng thẳng. Việc kích hoạt các hoạt động kết nối xã hội, mặc dù thông qua trực tuyến hay điện thoại là rất quan trọng, không chỉ giúp phòng ngừa các khủng hoảng tức thời mà còn phòng ngừa các tổn thương xa hơn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu có một đường dây hỗ trợ được cung cấp bởi các nhân viên chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho những người cách ly có thể mang lại rất nhiều hiệu quả cho họ (Manuell ME, Cukor J., 2011; Jeong H và cs, 2016; Maunder R và cs, 2003; Rubin GJ và cs, 2005).
Việc tương tác với gia đình và bạn bè của người bị cách ly cũng rất cần thiết, việc kết nối này giúp cho họ được giao tiếp với những người ở xa, cho phép họ cập nhật về người thân và hoàn cảnh ở nhà, điều này giúp họ được an tâm. Do đó, cung cấp cho những người bị cách ly điện thoại di động và kết nối wifi để truy cập internet có thể giúp họ giảm cảm giác bị cô lập, căng thẳng và hoảng sợ (Manuell ME, Cukor J., 2011).
Điều quan trọng nữa là các nhân viên y tế công cộng cần duy trì đường dây liên lạc rõ ràng với người cách ly và hướng dẫn họ về những việc phải làm nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào. Đường dây thiết lập này và những hướng dẫn cụ thể của nhân viên y tế giúp người bị cách ly có được sự trấn an, họ thấy mình được quan tâm và không bị lãng quên.
Nhân viên chăm sóc y tế xứng đáng được quan tâm đặc biệt
Nhân viên y tế là đối tượng có nguy cơ bị cách ly rất cao và nghiên cứu này cho thấy họ cũng như cộng đồng phải chịu sự kỳ thị từ những người xung quan khi mà bị cách ly y tế. Việc bị tách khỏi môi trường làm việc quen thuộc có thể làm cho họ gia tăng cảm giác bị cô lập, do đó việc được hỗ trợ từ các đồng nghiệp sẽ giúp họ giảm căng thẳng và thấy tích cực hơn. Trong suốt các đợt bùng phát bệnh dịch lây nhiễm, sự hỗ trợ của tổ chức cho thấy có tác dụng bảo vệ sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế nói chung. Các nhà quản lý nên thực hiện các bước nhằm giúp cho các cộng sự/ nhân viên của mình ủng hộ, hỗ trợ các đồng nghiệp đang bị cách ly. Đồng thời, có thể kết nối với các tổ chức hay các tình nguyện viên để có các mô hình/ chiến lược chăm sóc sức khoẻ tâm thần, cảm xúc xã hội cho đội ngũ nhân viên y tế, những người đang trong tuyến đầu chống dịch.
Lòng vị tha tốt hơn ép buộc
Chưa có một nghiên cứu nào so sánh việc cách ly bắt buộc và tự nguyện có những khác biệt gì. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, cảm nhận được giúp đỡ/ hay mang lại lợi ích cho người khác nếu mình đi cách ly (tự nguyện) có thể làm người cách ly giảm căng thẳng và điều này có thể đúng với những trường hợp cách ly tại nhà. Nâng cao nhận thức rằng, cách ly sẽ giúp an toàn cho người khác, kể cả những người dễ tổn thương (như trẻ em, người già hoặc người có bệnh nền) và ngành y tế thực sự mang ơn họ vì đã giúp giảm tác động của việc cách ly đến hậu quả tâm thần cũng như việc tuân thủ hành động cách ly. Tuy nhiên, nếu việc cách ly tự nguyện nhưng người cách ly lại không nhận được sự hỗ trợ thích đáng và giúp họ an toàn thì cũng có thể làm họ gia tăng những cảm nhận tiêu cực (Liu X, Kakade M, Fuller CJ và cs, 2012; Wu P, Fang Y, Guan Z và cs, 2009).
Những điều cần nghiên cứu thêm
Cách ly y tế có lẽ là một biện pháp y tế công cộng ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh một cách hiệu quả, tuy nhiên nó lại mang lại nhiều hậu quả tâm lý tiêu cực. Vì thế, liệu có một biện pháp y tế công cộng hiệu quả nào khác hơn việc phải cách ly hay không? Điều này cần được nghiên cứu trong tương lai.
Mặc dù nghiên cứu này có sự cố gắng rất lớn nhưng vì được thực hiện trong thời gian bùng phát dịch COVID-19 nên các dữ liệu nghiên cứu có thể chưa đầy đủ. Các khuyến nghị đưa ra chủ yếu áp dụng cho những nhóm dân cư nhỏ hoặc mở rộng cho một số cá nhân tự cách ly tại nhà, vì thế việc mở rộng ra quy mô lớn cũng cần xem xét thêm. Hơn thế, sự khác biệt về văn hoá nên có thể chưa phù hợp với nhiều bối cảnh, chúng tôi chỉ đưa ra các khuyến nghị chung nhất và cần được xem xét một cách cụ thể cho từng vùng văn hoá khác nhau.
Nghiên cứu này cũng có nhiều trở ngại khi tiếp cận với thời gian, cỡ mẫu, phương pháp chưa đồng nhất cho nên có những khó khăn trong thống nhất các dữ liệu và khuyến nghị. Nhiều nghiên cứu sử dụng các thang đánh giá stress hậu sang chấn chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn của DSM5 (chưa được cập nhật).
Kết luận
Nhìn một cách tổng quát, nghiên cứu này cho rằng có những tác động đến tâm lý một cách tiêu cực của những người bị cách ly trên diện rộng và có thể kéo dài. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cách ly không được sử dụng, vì hậu quả của việc không sử dụng phương pháp cách ly làm cho dịch bệnh lây lan có thể nguy hiểm hơn (Hull HF., 2005). Việc tước bỏ quyền tự do của con người vì lợi ích của cộng đồng thường gây ra tranh cãi và cần được xử lý cẩn thận. Nếu cách ly là cần thiết, thì nghiên cứu của chúng tôi cho rằng chính phủ nên thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo trải nghiệm này có thể chấp nhận được đối với người bị cách ly. Việc này có thể thực hiện được bằng cách: cho người bị cách ly hiểu được chuyện gì đang xảy ra và tại sao, việc cách ly có thể kéo dài bao lâu, cung cấp cho họ các hoạt động có ý nghĩa để họ làm khi cách ly, truyền thông một cách rõ ràng; các vật dụng cơ bản (như thực phẩm, nước uống và vật tư y tế) phải có sẵn và củng cố cảm nhận lòng vị tha ở người bị cách ly. Cũng cần chú ý đến việc làm cho người bị cách ly sau khi kết thúc dịch bệnh và chú ý đến các hậu quả dài hạn mà họ có thể gặp phải. Hệ thống y tế và chính phủ cần chú ý đến những khía cạnh này nhiều hơn.
Một vài khuyến nghị trong bối cảnh Việt Nam
Thứ nhất, chúng tôi cho rằng các địa phương cần phải tính toán kỹ hơn trước khi ra quyết định thực hiện giãn cách xã hội, nhất là giãn cách xã hội dài ngày. Việc giãn cách không xác định rõ thời gian và với phạm vi rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội và tinh thần của cộng đồng.
Thứ hai, việc cách ly y tế có thể là cần thiết với một số trường hợp để có thể bóc tách nhóm nguy cơ nhiễm ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, việc cách ly cũng cần phải cân nhắc và có thể tính đến việc cách ly y tế tại nhà với các trường hợp phù hợp. Cần phải xây dựng nhiều mô hình cách ly y tế với các mức độ khác nhau, điều này làm giảm gánh nặng tài chính và nguồn lực của nhà nước, đồng thời giúp cho người dân có các cơ hội tiếp cận nhiều sự hỗ trợ đa dạng. Trong các cơ sở cách ly và điều trị bệnh nhân dương tính cần chú ý đến các khía cạnh sau: a) Ngoài bố trí đủ nguồn lực y tế thì cũng cần phải bố trí nguồn nhân sự chăm sóc sức khoẻ tâm thần đầy đủ (bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý trong chăm sóc sức khoẻ tâm thần ban đầu và chăm sóc chuyên sâu, nhân viên công tác xã hội lâm sàng). Trong bối cảnh ở Việt Nam thì cần huy động tình nguyện viên, có thể các tình nguyện viên là những người ở trình độ cử nhân và phải được đào tạo, giám sát trước khi thực hành cung cấp dịch vụ trong các cơ sở điều trị và cách ly y tế; b) Cần phải bố trí đảm bảo các nguồn cung cấp về y tế và thực phẩm, nhu yếu phẩm đầy đủ cho người bệnh và người bị cách ly; c) Cần chú ý đến đời sống văn hoá – tinh thần của người bệnh và người bị cách ly, đồng thời tổ chức các hoạt động xã hội giúp người bệnh, người bị cách ly thấy cân bằng, duy trì lối sống tích cực và chống đỡ khủng hoảng/lo lắng; d) Tạo điều kiện cho những người cách ly và bệnh nhân cơ hội kết nối xã hội với người thân, bạn bè, đồng nghiệp ở bên ngoài thông qua công nghệ. Thậm chí nhiều người khoẻ mạnh vẫn có thể làm việc từ xa.
Thứ ba, ngành y tế công cộng cần xây dựng hệ thống cung cấp thông tin một cách hệ thống và chuyên nghiệp hơn. Theo chúng tôi cần cụ thể hoá qua các hình thức: a) Có một tổng đài tiếp nhận các thông tin từ các khu cách ly và khu điều trị bệnh nhân dương tính. Tổng đài này sẽ do các nhân viên y tế công cộng đa ngành tiếp nhận và tư vấn; b) Phát triển các sổ tay hoặc kênh youtube, Facebook,… dành cho bệnh nhân dương tính và người cách ly y tế. Trên các nền tảng này cung cấp thông tin một cách cơ bản và dễ hiểu nhất để người dân có thể tiếp cận, đồng thời hướng dẫn các kỹ thuật chống đỡ với khủng hoảng/ stress một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Thứ tư, cần chú ý đến các nguồn lực y tế để họ có thể giảm bớt các khủng hoảng và tình trạng kiệt sức. Hơn thế, đã đến lúc cần hướng đến việc giúp họ cảm nhận sự hài lòng trong công việc thông qua chính sách phân bổ nguồn lực y tế hợp lý, hỗ trợ tài chính và giúp họ yên tâm trong công việc của mình. Trong lúc chúng ta đang dành nhiều nguồn lực cho các nhóm cộng đồng khác nhau thì nhân viên y tế càng phải được quan tâm chăm sóc hàng đầu. Các vấn đề có thể làm họ gia tăng căng thẳng bao gồm lo sợ bị nhiễm COVID-19, kiệt sức nghề nghiệp, cảm nhận sự thất bại và gia tăng sự không hài lòng, lo âu cho người thân ở nhà,…
Thứ năm, cần phải có một nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần, các yếu tố ảnh hưởng của các nhóm cộng đồng như người bị cách ly, người bệnh nhân dương tính COVID-19, nhân viên y tế để có thể có các chiến lược hỗ trợ một cách phù hợp, tích cực trong bối cảnh của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
American Psychiatric Association (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders: DSM5. Arlington, VA: American Psychiatric Association.
Alvarez J, Hunt M. Risk and resilience in canine search and rescue handlers after 9/11. J Trauma Stress 2005; 18: 497–505.
Barbisch D, Koenig KL, Shih FY (2015). Is there a case for quarantine? Perspectives from SARS to Ebola. Disaster Med Public Health Prep; 9: 547–53.
Bai Y, Lin CC, Lin CY, Chen JY, Chue CM, Chou P (2004). Survey of stress reactions among health care workers involved with the SARS outbreak. Psychiatr Serv; 55: 1055–57.
Blendon RJ, Benson JM, DesRoches CM, Raleigh E, TaylorClark K (2004). The public’s response to severe acute respiratory syndrome in Toronto and the United States. Clin Infect Dis; 38: 925–31.
BraunackMayer A, Tooher R, Collins JE, Street JM, Marshall H (2013). Understanding the school community’s response to school closures during the H1N1 2009 in uenza pandemic. BMC Public Health; 13: 344.
Brooks SK, Dunn R, Amlôt R, Rubin GJ, Greenberg N (2018). A systematic, thematic review of social and occupational factors associated with psychological outcomes in healthcare employees during an infectious disease outbreak. J Occup Environ Med ; 60: 248–57.
Caleo G, Duncombe J, Jephcott F, et al (2018). The factors a ecting household transmission dynamics and community compliance with Ebola control measures: a mixedmethods study in a rural village in Sierra Leone. BMC Public Health; 18: 248.
Cava MA, Fay KE, Beanlands HJ, McCay EA, Wignall R (2005).
The experience of quarantine for individuals a ected by SARS in Toronto. Public Health Nurs; 22: 398–406.
Centers for Disease Control and Prevention (CDC, 2017). Quarantine and isolation. 2017. https://www.cdc.gov/quarantine/index.html (accessed Jan 30, 2020).
Cukor J, Wyka K, Jayasinghe N, et al (2011). Prevalence and predictors of posttraumatic stress symptoms in utility workers deployed to the World Trade Center following the attacks of September 11, 2001. Depress Anxiety; 28: 210–17.
Desclaux A, Badji D, Ndione AG, Sow K (2017). Accepted monitoring or endured quarantine? Ebola contacts’ perceptions in Senegal.
Soc Sci Med; 178: 38–45.
DiGiovanni C, Conley J, Chiu D, Zaborski J (2004). Factors in uencing compliance with quarantine in Toronto during the 2003 SARS outbreak. Biosecur Bioterror; 2: 265–72.
Jeong H, Yim HW, Song YJ, et al (2016). Mental health status of people isolated due to Middle East respiratory syndrome. Epidemiol Health; 38: e2016048.
Hawryluck L, Gold WL, Robinson S, Pogorski S, Galea S, Styra R. (2004). SARS control and psychological e ects of quarantine, Toronto, Canada. Emerg Infect Dis; 10: 1206–12.
Newman K (2012). Shutt up: bubonic plague and quarantine in early modern England. J Sol Hist; 45: 809–34.
Manuell ME, Cukor J., (2011). Mother Nature versus human nature: public compliance with evacuation and quarantine. Disasters; 35: 417–42.
Miles SH (2020). Kaci Hickox: public health and the politics of fear. 2014. http://www.bioethics.net/2014/11/kacihickoxpublichealthandthe politicsoffear/ (accessed Jan 31, 2020).
Lee S, Chan LY, Chau AM, Kwok KP, Kleinman A (2005). The experience of SARSrelated stigma at Amoy Gardens. Soc Sci Med; 61: 2038–46.
Liu X, Kakade M, Fuller CJ, et al (2012). Depression after exposure to stressful events: lessons learned from the severe acute respiratory syndrome epidemic. Compr Psychiatry; 53: 15–23.
Marjanovic Z, Greenglass ER, Coey S (2007). The relevance of psychosocial variables and working conditions in predicting nurses’ coping strategies during the SARS crisis: an online questionnaire survey. Int J Nurs Stud 2007; 44: 991–98.
Maunder R, Hunter J, Vincent L, et al. The immediate psychological and occupational impact of the 2003 SARS outbreak in a teaching hospital. CMAJ 2003; 168: 1245–51.
Mihashi M, Otsubo Y, Yinjuan X, Nagatomi K, Hoshiko M, Ishitake T. Predictive factors of psychological disorder development during recovery following SARS outbreak. Health Psychol 2009; 28: 91–100.
Pan PJD, Chang SH, Yu YY (2005). A support group for home quarantined college students exposed to SARS: learning from practice. J Spec Group Work ; 30: 363–74.
Pellecchia U, Crestani R, Decroo T, Van den Bergh R, AlKourdi Y (2015). Social consequences of Ebola containment measures in Liberia. PLoS One; 10: e0143036.
Person B, Sy F, Holton K, et al (2004). Fear and stigma: the epidemic within the SARS outbreak. Emerg Infect Dis; 10: 358–63.
Public Health England. Novel coronavirus (2019nCoV) – what you need to know. 2020. https://publichealthmatters.blog.gov.uk/ 2020/01/23/wuhannovelcoronaviruswhatyouneedtoknow/ (accessed Jan 31, 2020).
Rona RJ, Fear NT, Hull L, et al (2007). Mental health consequences of overstretch in the UK armed forces: rst phase of a cohort study. BMJ; 335: 603.
Rubin GJ, Brewin CR, Greenberg N, Simpson J, Wessely S (2005). Psychological and behavioural reactions to the bombings in London on 7 July 2005: cross sectional survey of a representative sample of Londoners. BMJ; 331: 606.
Rubin GJ, Harper S, Williams PD, et al (2016). How to support sta deploying on overseas humanitarian work: a qualitative analysis of responder views about the 2014/15 West African Ebola outbreak. Eur J Psychotraumatol; 7: 30933.
Rubin GJ, Wessely S (2020). The psychological e ects of quarantining a city. BMJ; 368: m313.
Reynolds DL, Garay JR, Deamond SL, Moran MK, Gold W, Styra R (2008). Understanding, compliance and psychological impact of the SARS quarantine experience. Epidemiol Infect; 136: 997–1007.
Robertson E, Hershen eld K, Grace SL, Stewart DE (2004).
The psychosocial e ects of being quarantined following exposure to SARS: a qualitative study of Toronto health care workers.
Can J Psychiatry; 49: 403–07.
Sprang G, Silman M (2013). Posttraumatic stress disorder in parents and youth after healthrelated disasters. Disaster Med Public Health Prep; 7: 105–10.
Taylor MR, Agho KE, Stevens GJ, Raphael B (2008). Factors in uencing psychological distress during a disease epidemic: data from Australia’s rst outbreak of equine in uenza. BMC Public Health; 8: 347.
Wang Y, Xu B, Zhao G, Cao R, He X, Fu S (2011). Is quarantine related to immediate negative psychological consequences during the 2009 H1N1 epidemic? Gen Hosp Psychiatry; 33: 75–77.
Wester M, Giesecke J (2019). Ebola and healthcare worker stigma. Scand J Public Health; 47: 99–104.
Wilken JA, Pordell P, Goode B, et al (2017). Knowledge, attitudes,
and practices among members of households actively monitored or quarantined to prevent transmission of Ebola virus disease–Margibi County, Liberia: February–March 2015. Prehosp Disaster Med 32: 673–78.
Wu P, Liu X, Fang Y, et al (2008). Alcohol abuse/dependence symptoms among hospital employees exposed to a SARS outbreak. Alcohol Alcohol; 43: 706–12.
Wu P, Fang Y, Guan Z, et al (2009). The psychological impact of the SARS epidemic on hospital employees in China: exposure, risk perception, and altruistic acceptance of risk. Can J Psychiatry; 54: 302–11.
Weiss DS, Marmar CR (1997). The impact of event scale – revised.
In: Wilson JP, Keane TM, eds. Assessing psychological trauma and PTSD. New York: Guildford Press, 399–411.
WHO (2020). Rapid reviews to strengthen health policy and systems:
a practical guide. 2017. https://www.who.int/alliancehpsr/resources/ publications/rapidreviewguide/en/ (accessed Jan 31, 2020).
Yoon MK, Kim SY, Ko HS, Lee MS (2016). System e ectiveness of detection, brief intervention and refer to treatment for the people with posttraumatic emotional distress by MERS: a case report of communitybased proactive intervention in South Korea.
Int J Ment Health Syst; 10: 51.