Yếu tố nào có thể tác động đến sự chuyển đổi huyết thanh ở những người từng nhiễm SARS-CoV-2?

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Cho đến thời điểm hiện tại, đại dịch COVID-19 vẫn đang là mối lo ngại lớn về sức khỏe toàn cầu. Sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới lây lan nhanh làm trầm trọng hơn sự khủng hoảng y tế, kinh tế và xã hội ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là ở những nước có nền y học kém phát triển. Trước tình hình này, đạt được miễn dịch cộng đồng là cánh cửa sớm đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng và vaccine chính là chiếc chìa khóa then chốt. Tuy nhiên, việc tiêm chủng cho người từng mắc bệnh lại là vấn đề đang được tranh luận. Một số quan sát cho thấy, không phải tất cả những người từng nhiễm SARS-CoV-2 gây nên hội chứng hô hấp cấp tính đều phát triển các kháng thể đặc hiệu hay nói cách khác là đều có sự chuyển đổi huyết thanh đối với SARS-CoV-2. Đối diện với tình hình trên, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về các yếu tố tác động đến sự chuyển đổi huyết thanh của nhóm người này, từ đó cung cấp một lượng thông tin hữu ích cho việc nghiên cứu và phòng chống đại dịch.

    Vậy chuyển đổi huyết thanh là gì?

    Trong quá trình xâm nhiễm của virus hoặc chủng ngừa bằng vaccine, hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể đặc hiệu để đáp ứng với các tác nhân xâm nhập, quá trình phát triển của các kháng thể này trong huyết thanh được gọi là quá trình chuyển đổi huyết thanh. Ở hầu hết mọi người, các kháng thể liên kết và trung hòa phát triển trong vòng một đến ba tuần sau khi khởi phát các triệu chứng của bệnh hoặc sau khi chủng ngừa. Kết quả của quá trình này tạo ra một lượng kháng thể đặc hiệu, có thể đo được bằng các xét nghiệm huyết thanh học, từ đó có thể xác định khả năng đáp ứng của cơ thể đối với các tác nhân xâm nhiễm hoặc hiệu quả của vaccine.

    Liệu những người từng nhiễm SARS-CoV-2 đều có sự chuyển đổi huyết thanh?

    Ban đầu, các xét nghiệm huyết thanh phát hiện được kháng thể đặc hiệu ở 100% những người từng dương tính với SARS-CoV-2 đã được khẳng định bằng phương pháp RT-qPCR. Tuy nhiên, các khảo sát gần đây đã chỉ ra tỷ lệ này có sự thay đổi đáng ngạc nhiên. Lấy ví dụ về một nghiên cứu tại New York, 20% những người có kết quả xét nghiệm RT-qPCR dương tính không có sự chuyển đổi huyết thanh. Một nghiên cứu khác từ Đức báo cáo rằng 85% người được xác nhận nhiễm COVID-19 không phát triển được kháng thể đặc hiệu. Do đó, không phải tất cả những người từng nhiễm SARS-CoV-2 đều có đáp ứng hiệu quả với virus.

    Như vậy các yếu tố tác động đến tỷ lệ này là gì?

    Để làm rõ vấn đề này, một nghiên cứu được tiến hành với 72 người tham gia đều dương tính với SARS-CoV-2 nhưng đã không còn triệu chứng trong hơn ba tuần trước khi lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, 26 người (36%) có xét nghiệm huyết thanh âm tính (-), nghĩa là không phát hiện đáp ứng với các kháng thể IgA, IgM, và IgG đặc hiệu cho virus và 46 người (64%) có xét nghiệm huyết thanh dương tính (+).  Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích các dữ liệu nhân khẩu học, dữ liệu lâm sàng và dữ liệu phòng thí nghiệm của hai nhóm người để điều tra các lý do tiềm ẩn cho hiện tượng này.

    Hình 1. Mối tương quan giữa chủng tộc, giới tính và mức độ của triệu chứng bệnh đối với tỷ lệ huyết thanh dương tính với kháng thể SARS-CoV-2.

    Kết quả cho thấy, đối với các yếu tố chủng tộc, giới tính và mức độ của triệu chứng, việc so sánh các yếu tố này không thấy có mối tương quan nào có ý nghĩa khoa học với sự chuyển đổi huyết thanh (Hình 1). Trong đó, mặc dù mức độ nghiêm trọng của triệu chứng có xu hướng tỷ lệ thuận với xét nghiệm huyết thanh dương tính, tuy nhiên vẫn chưa đủ điều kiện để kết luận điều này mang ý nghĩa thống kê trong thực tiễn, chính vì vậy, đây không phải là yếu tố tiên quyết đến sự chuyển đổi huyết thanh.

    Hình 2. Mối tương quan giữa tuổi tác và tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh ở nhóm người từng mắc SARS-CoV-2 tại tất cả địa điểm khảo sát, mỗi chấm màu đại diện cho một người, màu đỏ chỉ người có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính, màu xanh chỉ người có kết quả xét nghiệm huyết thanh âm tính.

    Đối với yếu tố tuổi tác của nhóm người được khảo sát, kết quả cho thấy nhóm (-) có độ tuổi trung bình trẻ hơn 10 tuổi so với nhóm (+) (Hình 2). Như vậy, tuổi tác có ảnh hưởng đối với các đáp ứng miễn dịch và tuổi trẻ có xu hướng ít xảy ra sự chuyển đổi huyết thanh hơn.

    Hình 3. Mối tương quan giữa giá trị Ct và tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh ở nhóm người từng mắc SARS-CoV-2 tại tất cả địa điểm khảo sát (trái) và biểu đồ hồi quy thể hiện tương quan nghịch (phải), mỗi chấm màu đại diện cho một người, màu đỏ chỉ người có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính, màu xanh chỉ người có kết quả xét nghiệm huyết thanh âm tính.

    Các nhà khoa học cũng quan tâm đến yếu tố tải lượng virus đối với sự phát triển các kháng thể đặc hiệu. Giá trị ngưỡng Ct trong xét nghiệm RT-qPCR cao hơn 11 chu kỳ ở nhóm (-). Điều đặc biệt là giá trị Ct tỷ lệ nghịch với tải lượng virus, tức là Ct càng cao, lượng virus càng thấp. Tương quan nghịch giữa tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh và các giá trị Ct cũng được cụ thể hóa bằng phương pháp hồi quy logistic (Hình 3). Lấy ví dụ ở Ct 35, dự đoán xác suất chuyển đổi huyết thanh là 15%, xác suất này còn giảm hơn nữa khi các giá trị Ct tăng lên. Do đó, tải lượng virus ở mũi họng có liên quan trực tiếp với các đáp ứng kháng thể của cơ thể, và tải lượng thấp là không đủ để tạo ra sự chuyển đổi kháng thể.

    Liệu các số liệu này có phụ thuộc vào các phòng thí nghiệm?

    Để đảm bảo tính khách quan và chính xác của nghiên cứu, hai yếu tố được quan tâm là tuổi tác và giá trị Ct được khảo sát tại hai phòng thí nghiệm có quy trình RT-qPCR với độ nhạy cao (Phòng thí nghiệm tham chiếu nấm của Đại học Alabama tại Birmingham và Phòng thí nghiệm chẩn đoán virus trẻ em của Alabama ở Birmingham) (nhóm PTN-Ivà phòng thứ ba có quy trình RT-qPCR ít nhạy hơn (Phòng thí nghiệm Khoa học Đảm bảo ở Birmingham) (nhóm PTN-II).

    Hình 4. Mối tương quan giữa giá trị Ct và tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh ở nhóm người từng mắc SARS-CoV-2 được phân tích tại nhóm PTN-I (phải) và (nhóm PTN-I) (trái), mỗi chấm màu đại diện cho một người, màu đỏ chỉ người có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính, màu xanh chỉ người có kết quả xét nghiệm huyết thanh âm tính.

    Kết quả cho thấy, sự khác biệt phòng thí nghiệm không làm thay đổi mối tương quan giữa giá trị Ct và sự chuyển đổi huyết thanh vì giá trị Ct ở những người có huyết thanh âm tính cao hơn ở những người có huyết thanh dương tính bất kể địa điểm thử nghiệm (Hình 4).

    Hình 5. Mối tương quan giữa tuổi tác và tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh ở nhóm người từng mắc SARS-CoV-2 được phân tích tại nhóm PTN-I (phải) và nhóm PTN-II (trái), mỗi chấm màu đại diện cho một người, màu đỏ chỉ người có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính, màu xanh chỉ người có kết quả xét nghiệm huyết thanh âm tính.

    Mặt khác, mối tương quan giữa tuổi tác và sự chuyển đổi huyết thanh ít có liên hệ đến nhau ở nhóm PTN-II so với nhóm PTN-I (Hình 5). Sự khác biệt này phần lớn là do những người trẻ tuổi cũng có giá trị Ct cao, tức là tải lượng virus thấp (Hình 4-5, phải). Như vậy, có thể kết luận tải lượng virus ở mũi họng đại diện cho mối tương quan chính của đáp ứng kháng thể toàn thân. Trong khi đó, kết quả phân tích ảnh hưởng của tuổi tác đến sự chuyển đổi huyết thanh có sự đối lập giữa hai nhóm PTN (Hình 2-5).

    Những người từng nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có sự chuyển đổi huyết thanh bị ảnh hưởng như thế nào?

    Hiện tượng không chuyển đổi huyết thanh ở những người dương tính với SARS-CoV-2 mang ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19. Ngoài việc những trường hợp như vậy có ảnh hưởng nhất định đến các nghiên cứu về huyết thanh, bao gồm cả trong các nghiên cứu về đáp ứng và đánh giá khả năng bảo vệ của vaccine, nhóm người này còn có khả năng tái nhiễm SARS-CoV-2 giống như những người chưa từng nhiễm và họ thường ít có xu hướng đi tiêm chủng hơn vì họ tin rằng họ đã đạt được miễn dịch từ lần nhiễm trước. Điều này làm cho chúng ta thận trọng hơn khi trả lời cho câu hỏi: “Liệu có nên tiêm vaccine cho những người từng nhiễm SARS-CoV-2?”

    Lược dịch từ:  Liu W, Russell RM, Bibollet-Ruche F, et al. Predictors of Nonseroconversion after SARS-CoV-2 Infection. Emerging Infectious Diseases. 2021;27(9):2454-2458. doi:10.3201/eid2709.211042

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây