“Xét nghiệm Covid và những điều bạn cần biết: Khi nào nên làm, loại nào nên xài, và phân tích kết quả từng loại” [1]

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Quy trình lấy mẫu xét nghiệm (Nguồn ảnh: VNVC)

    Ngày 11.03.2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19 là “đại dịch toàn cầu”. Từ đó đến nay, Việt Nam chúng ta đã kiên cường đấu tranh qua 4 làn sóng dịch, cái sau khốc liệt hơn cái trước. Đặc biệt là ở lần thứ 4 (khoảng tháng 5/2021), với sự xuất hiện của biến thể Delta, nồng độ virus trong dịch đường hô hấp gấp 1.000 lần so với chủng cũ; chỉ trong 2-3 ngày đã có thêm một vòng lây nhiễm mới (các chủng cũ 5-7 ngày); khoảng 80% người nhiễm không có triệu chứng; lây nhiễm xảy ra trước khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng gây khó khăn cho việc phát hiện. [2] Mặc cho hàng loạt biện pháp phòng chống dịch được áp dụng, số ca nhiễm vẫn tăng cao gây quá tải khu điều trị và cách ly, dẫn đến số ca tử vong tăng cao. Tới hiện tại, đã ghi nhận 1.958.719 số ca nhiễm, 34.964 ca tử vong trên cả nước (số liệu cập nhật lúc 15h ngày 13.01.2022 tại Cổng thông tin của Bộ Y tế về đại dịch COVID-19 –  https://covid19.gov.vn/). Tuy tình hình tại những vùng tâm dịch Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã có chuyển biến tích cực, tỉ lệ tử vong giảm sâu, nhưng chúng ta vẫn cần hết sức thận trọng trong thời gian tới, phải làm sao để ngăn chặn, hạn chế sự lây nhiễm, tránh bùng phát dịch. 1 yếu tố then chốt để làm được điều này chính là thông qua tăng cao năng lực xét nghiệm. “Để ngăn chặn lây nhiễm, phải phát hiện sớm nguồn bệnh với tốc độ nhanh hơn tốc độ lây của mầm bệnh. Do đó, xét nghiệm là then chốt và phải thần tốc để phát hiện và ngăn chặn sự lây nhiễm”, GS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, phân tích. [2]  Đặc biệt cần phổ biến xét nghiệm tại chỗ và hướng dẫn cho người dân tự xét nghiệm trong trường hợp cơ sở y tế quá tải. “Cần xét nghiệm dựa theo mức độ lây nhiễm trong địa phương. Nếu bệnh viện quá tải, phải xét nghiệm diện rộng ngay nhưng nếu bệnh viện vẫn ổn thì nên khuyến khích người dân tự xét nghiệm, tổ chức tự xét nghiệm, cơ quan chức năng hướng dẫn người dân tự xét nghiệm. Phải làm sao phát hiện sớm được COVID-19 và không làm ảnh hưởng đến sản xuất”, PGS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đề xuất. [2] Hiện nay, nhiều tỉnh, thành như Tp. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Phú Thọ cũng đã kêu gọi người dân thực hiện tự lấy mẫu, xét nghiệm bằng test nhanh tại nhà. [3] [4] [5]

    Trong bối cảnh này, việc cung cấp cho người dân thông tin về các loại xét nghiệm COVID-19 là rất cấp thiết, lý tưởng nhất là mỗi người dân đều có thể tự làm xét nghiệm tại nhà, hoặc ở phòng khám. Một xét nghiệm y khoa cần để ý hai chỉ tiêu: Độ đặc hiệu càng cao, số dương tính giả càng thấp và độ nhạy càng cao thì âm tính giả càng thấp. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ băn khoăn không biết nên hiểu, lựa chọn và làm xét nghiệm như thế nào cho đúng. Mong rằng bài viết dưới đây sẽ trang bị cho mọi người kiến thức cần thiết khi tiến hành các loại xét nghiệm.

    Có những loại xét nghiệm COVID nào?

    Đầu tiên phải kể đến là xét nghiệm nhanh (test nhanh) có thể thực hiện tại nhà, bao gồm việc tự lấy dịch mũi/dịch tỵ hầu và mất khoảng 15 phút để hiển thị kết quả trên que thử. Giá cho mỗi bộ kit test nhanh ở Việt Nam dao động từ 100.000-200.000 đồng/test. Chúng được gọi là xét nghiệm kháng nguyên – về cơ bản, kháng nguyên là các protein từ vi-rút mà xét nghiệm nhanh có thể phát hiện được.

    Tiếp đó là xét nghiệm sinh học phân tử dùng kỹ thuật PCR (hay RT-PCR, RT-qPCR) được thực hiện trong phòng thí nghiệm hoặc phòng khám. PCR là viết tắt của Polymerase Chain Reaction (Phản ứng chuỗi Polymerase), là một kỹ thuật khuếch đại lượng vật chất di truyền (ADN/ARN) của vi-rút. Tùy thuộc vào số lượng mẫu nhiều hay ít tại địa điểm xét nghiệm mà người yêu cầu xét nghiệm có thể có kết quả PCR trong vòng một ngày hoặc có thể mất vài ngày. Một xét nghiệm RT-PCR thường tốn từ vài trăm ngàn tới vài triệu đồng tuỳ cơ sở xét nghiệm.

    Sơ đồ tóm tắt xét nghiệm PCR (Nguồn ảnh: Samantha Lee/Business Insider) 

    Hai loại trên hẳn đã được đề cập rất nhiều thời gian qua, vậy còn loại xét nghiệm nào khác không?

    Có một loại xét nghiệm thứ ba: xét nghiệm kháng thể. Đây là xét nghiệm phát hiện virus gián tiếp. Mẫu bệnh phẩm là máu, mục tiêu tìm kiếm các kháng thể được hệ thống miễn dịch của cơ thể tổng hợp ra nhằm chống lại vi-rút SARS-CoV-2.

    Kết quả xét nghiệm kháng thể sẽ cho biết những khả năng sau:

    • Ta đã từng nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 trong quá khứ hay chưa, kể cả khi không có triệu chứng.
    • Ta có phát triển kháng thể chống lại vi-rút SARS-CoV-2 hay chưa (sau tiêm vaccine hoặc sau khi nhiễm bệnh). [6]

    Vì thường mất từ 1-3 tuần sau khi bị lây nhiễm (hoặc sau khi tiêm vaccine) để kháng thể được sản xuất nên các xét nghiệm kháng thể không được sử dụng để chẩn đoán người đang bị COVID-19. Ngoài ra, tới hiện tại vẫn thiếu bằng chứng, chưa thể khẳng định việc có kháng thể đồng nghĩa với việc cơ thể đã miễn dịch với COVID-19, cũng như chưa biết đề kháng sẽ tồn tại trong bao lâu. Vậy nên, xét nghiệm kháng thể cũng không được dùng để đánh giá khả năng miễn dịch trong tương lai. [7]

    Sự khác biệt giữa xét nghiệm kháng nguyên và PCR là gì?

    Xét nghiệm PCR cho kết quả chính xác hơn nhiều vì nó có thể khuếch đại dấu vết của vi-rút – nói cách khác, ngay cả khi bạn có một lượng nhỏ vi-rút, nó cũng có thể phát hiện ra. Vì vậy, nó có thể cho biết liệu bạn có bị nhiễm bệnh hay không, thậm chí một ngày sau khi bạn phát triển các triệu chứng COVID-19 hoặc một vài ngày sau khi tiếp xúc với người mắc COVID-19. Một yếu tố cần được đánh giá khi so sánh giữa PCR và xét nghiệm kháng nguyên là ‘giới hạn phát hiện’ (Limit of Detection-LOD), trong kỹ thuật PCR, dữ liệu này cho biết lượng ARN tối thiểu mà xét nghiệm sẽ phát hiện được trong ít nhất 95/100 lần thực hiện xét nghiệm. [9] Theo 1 hướng dẫn xét nghiệm COVID-19 dùng kỹ thuật Real time RT-PCR từ WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), giới hạn phát hiện của kỹ thuật này là 100 bản sao ARN vi-rút/ phản ứng, số lượng bản sao ít hơn (ví dụ: 10 bản sao/ phản ứng) vẫn có thể được phát hiện, nhưng sẽ giảm độ nhạy. [8] Ngoài ra theo nhiều nghiên cứu về giới hạn xét nghiệm của PCR sử dụng đơn vị ‘bản sao/ mL’, giới hạn tốt nhất là 100 bản sao/ mL, số lượng bản sao càng ít càng tăng tỉ lệ âm tính giả. [9]

    Các xét nghiệm kháng nguyên không làm tăng số lượng vi-rút trong mẫu, vì vậy bệnh nhân cần có tải lượng vi-rút khá cao để cho kết quả dương tính. Như Susan Butler-Wu, phó giáo sư bệnh học lâm sàng tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California, nói: “Đó là một xét nghiệm để xác định xem bạn có lượng vi-rút nhiều hay không.” Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet, những bộ test nhanh kháng nguyên đạt chuẩn sẽ cho độ chính xác trên 90% ở mức 100.000 bản sao ARN/ mL (tương đương chỉ số Ct (threshold cycle value – giá trị chu kỳ ngưỡng) ở mức < 25). [10]

    Vì vậy, xét nghiệm kháng nguyên có thể cho kết quả âm tính khi xét nghiệm tại nhà ngay cả khi bạn bị nhiễm – ví dụ như ở giai đoạn đầu hoặc giai đoạn cuối của bệnh, khi bạn có tải lượng vi-rút thấp.

    Theo nghiên cứu tổng hợp đăng trên Thư viện Cochrane (Tổ chức tình nguyện quốc tế ở Anh), và đánh giá của bác sĩ Robert H. Shmerling (Đại học Harvard), tổng quan xét nghiệm kháng nguyên cho độ nhạy tương đối cao: 72% ở người có triệu chứng, và 58% ở người không có triệu chứng. Độ nhạy xét nghiệm cao nhất trong vòng 1 tuần sau khi xuất hiện triệu chứng (78%). Độ nhạy ở xét nghiệm phân tử (RT-PCR) là 95.1%. [11] Tỉ lệ âm tính giả ở cả 2 loại xét nghiệm đều biến động tuỳ vào thời gian nhiễm bệnh, nhìn chung RT-PCR có tỉ lệ âm tính giả thấp hơn hẳn. Tỉ lệ dương tính giả ở cả 2 loại đều gần như bằng 0. [12]

    Cần lưu ý rằng giới hạn xét nghiệm và độ nhạy sẽ thay đổi tuỳ vào điều kiện xét nghiệm và hãng sản xuất. Hãy tham khảo kỹ hướng dẫn của nhà cung cấp khi chọn mua. Người đọc có thể xem thêm giới hạn xét nghiệm của các phương pháp tại đây: https://www.fda.gov/medical-devices/coronavirus-covid-19-and-medical-devices/sars-cov-2-reference-panel-comparative-data

    Sơ đồ tóm tắt xét nghiệm nhanh (Nguồn ảnh: Wimbledon Park Travel Clinic)

    Vậy tôi nên chọn loại xét nghiệm nào?

    Theo giáo sư Butler-Wu, câu hỏi cấp bách hơn là: “Bạn có thể xét nghiệm loại nào?”

    Tiến sĩ Abraar Karan, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford cho biết, nếu bạn xuất hiện triệu chứng và có khả năng đã tiếp xúc với vi-rút khi đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động khác, xét nghiệm kháng nguyên dương tính là đủ bằng chứng cho thấy bạn đang mang vi-rút. [1]

    Đối với các xét nghiệm PCR, tính khả dụng tùy thuộc vào nơi bạn sống. Là loại xét nghiệm có giá trị khẳng định, độ nhạy và đặc hiệu cao nên cũng đi kèm nhược điểm như là: yêu cầu thiết bị, cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm cao và cán bộ lành nghề; thời gian trả kết quả lâu cũng như chi phí thực hiện cao hơn kỹ thuật test nhanh kháng nguyên. Đây là xét nghiệm được khuyến khích làm nếu bạn có thể.

    Tôi nên làm gì trong khi chờ kết quả xét nghiệm PCR?

    Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, nếu có các triệu chứng, bạn nên hành động như thể có kết quả xét nghiệm dương tính và hãy cách ly.

    Theo CDC Mỹ, trường hợp bạn đã tiếp xúc với mầm bệnh nhưng không có các triệu chứng, bạn có thể ra ngoài nhưng phải đeo khẩu trang nếu đã được tiêm chủng đầy đủ. Những người không được tiêm chủng nên cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm.

    Khi nào tôi nên làm xét nghiệm – và bao nhiêu lần?

    Các xét nghiệm được sử dụng khi bạn nghi ngờ bản thân nhiễm COVID-19 – ví dụ: nếu bạn có các triệu chứng hoặc bạn đã ở gần một người có kết quả xét nghiệm dương tính. Và chúng cũng có thể được sử dụng như một biện pháp sàng lọc, phòng ngừa bổ sung trước khi giao tiếp xã hội.

    Theo tiến sĩ Karan: “Nếu bạn đã bị phơi nhiễm, hãy đợi vài ngày vì xét nghiệm ngay lập tức có thể cho kết quả âm tính.” [1]

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyên bạn nên xét nghiệm khi các triệu chứng phát triển. Nếu bạn không xuất hiện các triệu chứng, hãy xét nghiệm trong khoảng 5 đến 7 ngày sau khi tiếp xúc. Điều đó sẽ cung cấp đủ thời gian để cơ thể phát triển một tải lượng vi-rút có thể được phát hiện bằng xét nghiệm. [1] Lưu ý cách ly tránh tiếp xúc trực tiếp người khác khi chờ xét nghiệm.

    Với biến thể Omicron, đã có báo cáo rằng các xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính trong một hoặc hai ngày đầu tiên của triệu chứng. Vì vậy, ngay cả khi bạn đang xuất hiện các triệu chứng, bạn có thể đợi một hoặc hai ngày để làm xét nghiệm. Lý giải cho điều này, tiến sĩ Michael Mina – từng là trợ lý Giáo sư Dịch tễ học & Miễn dịch học và Các bệnh Truyền nhiễm tại Harvard, cho rằng đó là vì vaccine đã đẩy nhanh phản ứng miễn dịch của cơ thể, khiến triệu chứng xuất hiện khi tải lượng vi-rút còn rất thấp, dẫn đến test nhanh âm tính. [13]

    Tôi nên làm bao nhiêu xét nghiệm?

    Ít nhất là hai. Tại sao phải kiểm tra hai lần? Các xét nghiệm tại nhà chính xác nhất khi bạn sử dụng chúng một cách nối tiếp – ít nhất là hai xét nghiệm trong vài ngày. Bạn nên nhắm đến thời điểm mà bạn có nhiều khả năng nhận được kết quả chính xác nhất – ví dụ: vào ngày thứ 5 và ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc.

    Tôi có nên đi xét nghiệm trước khi gặp mọi người không?

    Chắc chắn là có rồi. Kết quả xét nghiệm dương tính là điều không mong muốn, bạn nên ở nhà cách ly và báo cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn điều trị.

    Nhưng kết quả âm tính không đồng nghĩa việc loại bỏ khẩu trang khi đi ra ngoài. Các xét nghiệm nhanh có thể cho kết quả âm tính trước khi ra ngoài và dương tính chỉ vài giờ sau đó – ngay cả khi bạn đã được tiêm mũi bổ sung.

    Giáo sư Butler-Wu cho biết: “Để nói rằng xét nghiệm âm tính cho phép không cần mang khẩu trang – tôi nghĩ điều đó cần phải được suy nghĩ lại,”. “Omicron đã thay đổi hoàn toàn cục diện,” cô nói. “Chúng tôi biết từ những sự kiện Giáng sinh ở châu Âu rằng kịch bản đó đã xảy ra: người được tiêm phòng, xét nghiệm âm tính nhưng vẫn có khả năng lây lan.” [1]

    Đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn mọi lúc
    (Nguồn ảnh: Indiana University Capital Planning and Facilities)

    Nếu tôi xét nghiệm âm tính – kết quả xét nghiệm âm tính chính xác đến mức nào?

    Có thể có âm tính giả, đặc biệt là ngay sau khi tiếp xúc khi không có nhiều vi-rút trong cơ thể bạn, hoặc nếu vi-rút đang nhân bản ở một nơi nào đó khác với nơi bạn được lấy dịch mũi – chẳng hạn như trong cổ họng thay vì mũi của bạn. Đó là lý do tại sao bạn nên kiểm tra ít nhất hai lần.

    Theo một nghiên cứu trước Omicron, xét nghiệm kháng nguyên Abbott BinaxNOW có độ chính xác 92,6% trong việc phát hiện vi-rút ở những người có triệu chứng và 78,6% chính xác ở những người không có triệu chứng, so với kết quả PCR ở những người có vi-rút còn hoạt động. [1]

    Cũng có thể có kết quả âm tính giả từ xét nghiệm PCR.

    Giáo sư Butler-Wu nói: “Bất kỳ xét nghiệm nào cũng là một bản chụp nhanh những gì đang xảy ra ở phần cơ thể bạn được lấy mẫu tại thời điểm đó. Đó là tất cả những gì nó cho bạn biết”. “Vì vậy, đúng là PCR nhạy hơn ở chỗ nó có thể phát hiện lượng vi-rút thấp hơn. Nhưng nếu bạn đang ở giai đoạn đầu của quá trình ủ bệnh và chưa đạt đến cái mà chúng tôi gọi là ‘giới hạn phát hiện’ (limit of detection), thì có thể kết quả là âm tính.” [1]

    Có bao giờ dương tính giả không?

    Kết quả dương tính test nhanh (Nguồn ảnh: indtoday.com) 

    Nghiên cứu đã chỉ ra rằng dương tính giả rất hiếm khi xảy ra trong các xét nghiệm PCR và thường xảy ra do các mẫu bị nhiễm.

    Giáo sư Butler-Wu cho biết dương tính giả trong xét nghiệm kháng nguyên có thể xảy ra nhưng khá khó xảy ra nếu xét nghiệm được thực hiện đúng cách, đặc biệt nếu bạn xuất hiện các triệu chứng và bạn biết mình đã tiếp xúc với người mắc COVID-19. [1]

    Nếu bạn cho rằng mình dương tính giả từ xét nghiệm nhanh tại nhà, bạn có thể làm xét nghiệm PCR khẳng định.

    “Nếu PCR của bạn là âm tính, thì có thể kết quả test nhanh của bạn là dương tính giả,” tiến sĩ Karan nói. [1]

    Khi nào thì các xét nghiệm PCR được khuyến nghị?

    Nếu bạn có nguy cơ bị bệnh nặng, bạn nên đi xét nghiệm trong trường hợp cần dùng thuốc điều trị COVID-19. Một số nơi làm việc và trường học yêu cầu xét nghiệm PCR âm tính để trở lại.

    Ảnh minh hoạ chủng Omicron (Nguồn ảnh: University of California)

    Các xét nghiệm có phát hiện Omicron không?

    Các cơ quan như Cơ quan An ninh Y tế Anh (UK Health Security Agency – UKHSA), cũng như các hãng sản xuất bộ xét nghiệm (Abbott,…) đều đã lên tiếng khẳng định test nhanh cũng như PCR vẫn chẩn đoán hiệu quả người bệnh kể cả khi nhiễm Omicron. [14] [15] [16]

    Theo tiến sĩ Michael Mina – từng là trợ lý Giáo sư Dịch tễ học & Miễn dịch học và Các bệnh Truyền nhiễm tại Harvard, test nhanh vẫn hiệu quả vì Omicron đột biến chủ yếu ở protein gai (S protein), trong khi test nhanh kháng nguyên nhắm vào protein trong vỏ nhân (nucleocapsid protein). [14]

    Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho biết vào cuối tháng 12 rằng các test nhanh tuy vẫn chẩn đoán được vi-rút corona dù chúng là chủng nào, nhưng có thể giảm độ nhạy khi gặp Omicron – tuy nhiên họ vẫn chưa công bố dữ liệu về lý do tại sao chúng kém chính xác hơn và ở mức độ nào. [1] [17]

    Vì những lý do này, nếu bạn đang kiểm tra tại nhà sau khi có triệu chứng hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, thì việc sử dụng hai xét nghiệm cách nhau vài ngày là rất quan trọng.

    Trong trường hợp muốn đánh giá bệnh nhân có nhiễm chủng Omicron hay không, cần đến phương pháp giải trình tự (sequencing), 1 kĩ thuật khá tốn kém. PCR chỉ giúp cảnh báo khả năng người bệnh nhiễm Omicron thông qua “sự biến mất của gene S”. Tuy nhiên, nhiều tổ chức đang nghiên cứu và công bố những phương pháp RT-PCR (hay RT-qPCR) với khả năng nhận biết Omicron. [18] [19]

    Bộ xét nghiệm kháng nguyên Abbott BinaxNOW (Nguồn ảnh: Abbott/ Reuters)

    Tôi có thể sử dụng xét nghiệm nhanh để sớm thoát khỏi tình trạng cách ly không?

    Không. Bạn nên hoàn thành ít nhất năm ngày cách ly sau khi bạn có kết quả dương tính.

    Theo CDC Mỹ, bạn có thể chấm dứt cách ly 5 ngày sau khi kết quả xét nghiệm dương tính, miễn là các triệu chứng của bạn “thuyên giảm”, bao gồm không sốt trong 24 giờ và bạn đeo khẩu trang “mọi lúc khi ở gần người khác” trong 5 ngày nữa. [1]

    Tuy nhiên hướng dẫn này vấp phải nhiều tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng bạn nên xét nghiệm lại vào ngày thứ 5. Nếu kết quả dương tính, hãy tiếp tục cách ly cho đến khi bạn cho kết quả âm tính.

    Giáo sư Butler-Wu nói: “Nếu bạn mắc COVID và xét nghiệm kháng nguyên của bạn vẫn dương tính sau năm ngày, thì gần như chắc chắn bạn vẫn còn khả năng lây nhiễm”. Và tải lượng vi-rút không phải là yếu tố duy nhất để truyền vi-rút. Nó còn liên quan đến hành vi của con người, chẳng hạn như việc bạn có đeo khẩu trang hay không, cũng như các yếu tố môi trường, như thông gió. [1]

    Vậy còn về việc xét nghiệm PCR để kết thúc cách ly?

    PCR có thể cho kết quả dương tính trong tối đa 12 tuần vì chúng không phân biệt được giữa các phần tử vi-rút còn hoạt động và không, nghĩa là chúng có thể phát hiện “xác” vi-rút sau khi đã khỏi bệnh. Vì vậy, xét nghiệm PCR có thể sẽ không cho bạn biết khi nào cần kết thúc cách ly. [1] Nhưng kết quả PCR âm tính đảm bảo bạn đã an toàn với cộng đồng.

    Kết luận: Các loại xét nghiệm phổ biến hiện nay (test nhanh kháng nguyên, RT-PCR) vẫn chẩn đoán hiệu quả COVID-19 dù bạn mắc chủng nào. Tuy nhiên nếu bạn nghi ngờ bản thân tiếp xúc mầm bệnh nhưng xét nghiệm lần đầu âm tính, hãy xét nghiệm lần nữa sau 5-7 ngày để đảm bảo kết quả chính xác, đặc biệt với test nhanh kháng nguyên.

    • Tài liệu tham khảo:
    1. Schreiber, M., 2022. A guide to COVID tests: When to test, what kind to use and what your results mean. [online] https://www.npr.org/. Available at: <https://www.npr.org/sections/health-shots/2022/01/06/1070096493/coronavirus-faq-when-to-test-what-kind-of-test-to-use-what-to-do-with-the-result?fbclid=IwAR3jRZ-mDRUN-PnHTpzyWa4w5aAoe5331bLEpMkO8JP6BaGTuSuFzgaKibY> [Accessed 7 January 2022].
    2. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. 2021. Bài 3: Những kinh nghiệm quý giúp ngăn chặn làn sóng dịch. [online] Available at: <http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Bai-3-Nhung-kinh-nghiem-quy-giup-ngan-chan-lan-song-dich/448536.vgp> [Accessed 13 January 2022].
    3. Sở Y tế Cà Mau. Thành phố Cà Mau kêu gọi người dân tự xét nghiệm COVID-19. [online] Available at: <https://soyte.camau.gov.vn/wps/portal/trangchitiet/!ut/p/z0/fczBCoJAEIDhp_E8C5XQsaIiA1OI0LnEpss2abO6O0a-feIDdPzg5weEApD1h6wWcqzbySXG91V2Ph23O5WqW3ZQ-X55WaTXOF9nMSSA_4PpQK–xw1g5VjMV6AIbhTT0sNrP0ZqViAxkWJH9cBWvGbrQ4iUEMtQhaEhw7OeTkvt2E7oqndjoWuw_AGnzwLM/>.
    4. Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ. 2021. Khuyến khích người dân tự xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên. [online] Available at: <https://phutho.gov.vn/vi/khuyen-khich-nguoi-dan-tu-xet-nghiem-sars-cov-2-bang-test-nhanh-khang-nguyen> [Accessed 13 January 2022].
    5. Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. 2021. Người dân tự lấy mẫu sẽ đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện test diện rộng. [online] Available at: <https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/nguoi-dan-tu-lay-mau-se-dam-bao-an-toan-trong-qua-trinh-thuc-hien-test-dien-rong-1491883025> [Accessed 13 January 2022].
    6. Centers for Disease Control and Prevention. 2021. Test for Past Infection. [online] Available at: <https://www.fda.gov/medical-devices/coronavirus-covid-19-and-medical-devices/antibody-serology-testing-covid-19-information-patients-and-consumers> [Accessed 13 January 2022].
    7. U.S. Food and Drug Administration. 2021. Antibody (Serology) Testing for COVID-19: Information for Patients and Consumers. [online] Available at: <https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/testing/serology-overview.html> [Accessed 13 January 2022].
    8. World Health Organization. Protocol: Real-time RT-PCR assays for the detection of SARS-CoV-2. [online] Available at: <https://www.who.int/docs/default-source/coronaviruse/real-time-rt-pcr-assays-for-the-detection-of-sars-cov-2-institut-pasteur-paris.pdf>.
    9. Arnaout, R., Lee, R., Lee, G., Callahan, C., Yen, C., Smith, K., Arora, R. and Kirby, J., 2020. SARS-CoV2 Testing: The Limit of Detection Matters. doi: 10.1101/2020.06.02.131144
    10. Peto et al., 2021. COVID-19: Rapid antigen detection for SARS-CoV-2 by lateral flow assay: A national systematic evaluation of sensitivity and specificity for mass-testing. EClinicalMedicine, 36, p.100924. doi: https://doi.org/10.1016/j.eclinm.2021.100924
    11. Dinnes J, Deeks JJ, Berhane S, Taylor M, Adriano A, Davenport C, Dittrich S, Emperador D, Takwoingi Y, Cunningham J, Beese S, Domen J, Dretzke J, Ferrante di Ruffano L, Harris IM, Price MJ, Taylor-Phillips S, Hooft L, Leeflang MMG, McInnes MDF, Spijker R, Van den Bruel A. Rapid, point‐of‐care antigen and molecular‐based tests for diagnosis of SARS‐CoV‐2 infection. Cochrane Database of Systematic Reviews 2021, Issue 3. Art. No.: CD013705. DOI: 10.1002/14651858.CD013705.pub2. Accessed 09 January 2022.
    12. Shmerling, R., 2021. Which test is best for COVID-19?. [online] Available at: <https://www.health.harvard.edu/blog/which-test-is-best-for-covid-19-2020081020734> [Accessed 9 January 2022].
    13. Mak, A., 2021. You Could Have COVID Symptoms and Still Get Negative on a Rapid Test. (It’s Actually Good News!). [online] Available at: <https://slate.com/technology/2021/12/rapid-test-covid-symptoms-negative-why.html> [Accessed 13 January 2022].
    14. Flore, K., 2021. Do Rapid Tests Pick Up Omicron?. [online] Available at: <https://www.medpagetoday.com/special-reports/exclusives/96287> [Accessed 9 January 2022].
    15. 2021. Evaluating Omicron and Other COVID Variants to Ensure Test Effectiveness. [online] Available at: <https://www.abbott.com/corpnewsroom/diagnostics-testing/monitoring-covid-variants-to-ensure-test-effectiveness.html> [Accessed 13 January 2022].
    16. 2021. SARS-CoV-2 variants of concern and variants under investigation in England. [online] Available at: <https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/1042688/RA_Technical_Briefing_32_DRAFT_17_December_2021_2021_12_17.pdf> [Accessed 13 January 2022].
    17. 2022. Coronavirus: How Accurate Are At-Home COVID-19 Tests? Can It Detect The Omicron Variant? Here’s All You Need To Know. [online] Available at: <https://m.timesofindia.com/life-style/health-fitness/health-news/coronavirus-how-accurate-are-at-home-covid-19-tests-can-it-detect-the-omicron-variant-heres-all-you-need-to-know/amp_etphotostory/88704292.cms> [Accessed 9 January 2022].
    18. Ferreira, J., 2022. Can a rapid test tell me if I have Omicron? Experts on testing for the new variant. [online] Available at: <https://www.ctvnews.ca/health/coronavirus/can-a-rapid-test-tell-me-if-i-have-omicron-experts-on-testing-for-the-new-variant-1.5718427> [Accessed 13 January 2022].
    19. 2022. New PCR test developed by the JRC can detect Omicron variant, latest testing by EU scientists confirms. [online] Available at: <https://ec.europa.eu/jrc/en/news/new-pcr-test-developed-jrc-can-detect-omicron-variant-latest-testing-eu-scientists-confirms> [Accessed 9 January 2022].
    20. Heilweil, R., 2022. Rapid tests, omicron, and you. [online] Available at: <https://www.vox.com/platform/amp/recode/22870328/how-to-use-rapid-tests-omicron> [Accessed 9 January 2022].
    21. Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế Việt Nam. https://moh.gov.vn/
    22. Georgia Guglielmi (2021), Rapid Coronavirus tests: A guide for the perplexed. Nature, Vol 590, 11 Feb 2021, pp202-205.
    23. Newcombe, J., 2021. Sensitivity and specificity, Positive and negative predictive values. [online] Available at: <https://www.pathology.health.nsw.gov.au/covid-19-info/sensitivity-and-specificity> [Accessed 9 January 2022].
    24. JOHNSON, C., 2022. Do at-home COVID-19 tests detect the omicron variant?. [online] Available at: <https://abcnews.go.com/amp/Health/wireStory/home-covid-19-tests-detect-omicron-variant-82058448> [Accessed 9 January 2022].
    25. Graham, F., 2021. Daily briefing: Games to play with fellow researchers. [online] Available at: <https://www.nature.com/articles/d41586-021-00374-8> [Accessed 9 January 2022].

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây