Quan điểm sử dụng NSAIDs điều trị COVID-19: Một nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu ghép cặp thực hiện bởi Drake TM và Fairfield CJ

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Đặt vấn đề

    Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) được sử dụng phổ biến trong giảm đau và điều trị viêm nhiễm. Cơ chế hoạt động chính của NSAIDs là ức chế enzym cyclooxygenase (COX) gồm COX-1 và COX-2, ngăn sự chuyển hóa acid arachidonic thành prostaglandin (PG) – sản phẩm tổng hợp của các tế bào viêm cấp tính và mạn tính [1].

    Tuy nhiên, thời gian đầu của đại dịch COVID-19 đã dấy lên những nghi vấn về việc sử dụng NSAIDs, đặc biệt là ibuprofen để điều trị bệnh nhân COVID-19, do có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng [2]. Vì thế, các cơ quan quản lý đã kêu gọi các cuộc điều tra về mối quan hệ giữa NSAIDs và tình trạng chuyển biến nặng ở bệnh nhân mắc COVID-19. Một số nghiên cứu gần đây được thực hiện trên các quần thể khác nhau đã cho thấy không có sự liên quan giữa việc sử dụng NSAIDs với tỷ lệ nhập viện và diễn tiến bệnh xấu hơn [3-9]. Trong cộng đồng, dữ liệu theo dõi không cho thấy sử dụng NSAIDs trên bệnh nhân COVID-19 làm gia tăng nguy cơ nhập viện [3, 7, 10]. Dữ liệu về bệnh nhân COVID-19 nhập viện khan hiếm hơn nhưng cũng cho thấy việc sử dụng NSAIDs không làm diễn tiến bệnh xấu hơn so với khi không sử dụng NSAIDs [6-8].

    Trước đây, NSAIDs đã được chứng minh có thể làm giảm các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp, giảm phù phổi, rò rỉ nội mạc cũng như làm giảm mức độ nghiêm trọng của hội chứng suy hô hấp cấp tính. Điều này có thể gợi ý cho việc sử dụng NSAIDs trong điều trị bệnh nhân COVID-19 [11-13]. Vì vậy, Drake và cộng sự ngay từ những ngày đầu của đại dịch đã tìm hiểu vai trò NSAIDs trong điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng một nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu ghép cặp quy mô lớn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tóm tắt những kết quả nghiên cứu chính của Drake “Non-steroidal anti-inflammatory drug use and outcomes of COVID-19 in the ISARIC Clinical Characterisation Protocol UK cohort: a matched, prospective cohort study” [14] được đăng trên tạp chí The Lancet Rheumatology, tập số 3: e498–506, công bố online ngày 7/5/2021 để tìm hiểu rõ hơn vai trò và hiệu quả của NSAIDs trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

    Thiết kế nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu

    Tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng của nghiên cứu là tất cả bệnh nhân ở mọi độ tuổi, nhập viện do nhiễm hoặc nghi nhiễm cao với SARS-CoV-2 từ ngày 17/1/2020 đến ngày 10/8/2020 và đều được xét nghiệm RT-PCR. Các ca nghi nhiễm cao cũng được đưa vào nghiên cứu vì SARS-CoV-2 là virus mới tại thời điểm đề cương nghiên cứu bắt đầu có hiệu lực. Những bệnh nhân đã hồi phục hoặc xuất viện được loại trừ khỏi nghiên cứu. Nghiên cứu được tiến hành theo Đề cương đặc điểm lâm sàng (Clinical Characterisation Protocol-CCP) của Hiệp hội Quốc tế về Nhiễm trùng hô hấp cấp nặng và các bệnh nhiễm trùng mới nổi (ISARIC), chấp thuận bởi Ủy ban Đạo đức Nghiên cứu Oxford C Trung Nam nước Anh và Ủy ban Đạo đức Nghiên cứu Scotland A.

    Quy trình nghiên cứu

    Dữ liệu bệnh nhân được thu thập ở nhiều mốc thời gian khác nhau bao gồm ngày nhập viện, ngày nằm viện (ngày 1, 3, 6 và 9) và ngày xuất viện. Các dữ liệu thu thập bao gồm độ tuổi, giới tính, tiền sử bệnh hen suyễn, các bệnh mạn tính, HIV/AIDS, bệnh ác tính, bệnh gan, béo phì, rối loạn thấp khớp và tiền sử hút thuốc theo mẫu báo cáo và lưu trữ trên cơ sở dữ liệu trực tuyến Research Electronic Data Capture. Các chỉ số sinh lý cơ thể lúc nhập viện cũng được ghi nhận theo hướng dẫn của NEWS2 và qSOFA [15, 16].

    Thuốc đang sử dụng hoặc sử dụng trong vòng hai tuần trước lúc nhập viện cũng được ghi lại. Nhóm sử dụng NSAIDs gồm những bệnh nhân sử dụng thuốc generic hoặc biệt dược gốc có tại Anh, được xác định bằng cách sử dụng dịch vụ cập nhật dữ liệu phân phối Technology Reference NHS và đối chiếu với các thuốc trong cơ sở dữ liệu nghiên cứu. Phơi nhiễm với NSAIDs được định nghĩa là sử dụng thuốc ức chế COX không chọn lọc hoặc ức chế COX-2 chọn lọc. Các NSAID sử dụng tại chỗ cũng như aspirin không nằm trong mục tiêu của nghiên cứu này vì aspirin thường được sử dụng để điều trị và phòng ngừa các bệnh khác.

    Mục tiêu nghiên cứu

    Tiêu chí chính là số ca bệnh tử vong tại bệnh viện (bao gồm các ca chăm sóc giảm nhẹ). Tiêu chí phụ bao gồm các ca nhập viện chăm sóc đặc biệt, thở máy xâm lấn, thông khí không xâm lấn, thở oxy bổ sung và tổn thương thận cấp. Các bệnh nhân nhập viện sau ngày 3/8/2020 không được tính vào nghiên cứu

    Phân tích thống kê

    Dữ liệu phân loại được trình bày dưới dạng tần số và tỷ lệ phần trăm. Các biến phân phối chuẩn được trình bày ở dạng số trung bình (SD) và các biến không phân phối chuẩn được trình bày ở dạng số trung vị (IQR). Phép kiểm χ2 được sử dụng để so sánh các dữ liệu phân loại. Nếu có 1 giá trị tần suất kỳ vọng ≤ 5, thì sử dụng phép kiểm Fisher. Các biến liên tục được so sánh bằng phép kiểm Welch’s t-test (phân phối chuẩn hay không chuẩn?) hoặc Kruskall-Wallis (phân phối chuẩn hay không chuẩn?)

    Nghiên cứu sử dụng phương pháp ghép điểm xu hướng (PSM) để đánh giá hiệu quả điều trị của NSAIDs. Các bệnh nhân được điều trị bằng NSAIDs được ghép cặp (1:1) với bệnh nhân không sử dụng NSAIDs dựa vào sự tương đồng về độ tuổi, giới tính, dân tộc, bệnh nền và kết quả hướng đến [17]. Hiệu lực điều trị được ước tính bằng tỷ số chênh (odds ratios-ORs) ứng với khoảng tin cậy 95% (CI 95%).

    Bốn phân tích độ nhạy được thực hiện độc lập với nhau. Đầu tiên, phân tích trên các bệnh nhân chỉ sử dụng NSAIDs không phải ibuprofen vì các thuốc này cần phải kê đơn và sử dụng trong thời gian dài hơn so với ibuprofen. Phân tích tiếp theo trên nhóm bệnh nhân nhập viện ít nhất 7 ngày sau khi bắt đầu có triệu chứng (nhằm loại trừ yếu tố nhiễm trùng bệnh viện) để điều tra liệu NSAIDs gây ảnh hưởng như thế nào. Sau đó, phân tích tập trung ở các bệnh nhân bị thấp khớp vì bệnh này thông thường phải điều trị bằng NSAIDs lâu dài hơn khi sử dụng NSAIDs với mục đích giảm đau. Phân tích độ nhạy thứ tư nhằm kiểm tra liệu tử vong có ảnh hưởng đến kích thước của cỡ mẫu (magnitude of effect size)

    Kết quả

    Từ ngày 17/1/2020 đến 10/8/2020, nghiên cứu đã tiến hành trên 78.674 bệnh nhân tại 255 cơ sở y tế trên nước Anh, Scotland và xứ Wales với khoảng 60% trường hợp nhập viện vì COVID-19 (Hình 1). Trong nghiên cứu này, 4.211 bệnh nhân (tương ứng với 5,8%) ghi nhận có sử dụng NSAIDs thường xuyên trước khi nhập viện. Trong nhóm dữ liệu không ghép cặp, phần lớn bệnh nhân sử dụng NSAIDs là nữ giới và có mắc bệnh thấp khớp trước đó.

    Hình 1. Tóm tắt hồ sơ nghiên cứu.

    Bảng 1. Kết quả các tình trạng bệnh khi sử dụng và không sử dụng NSAIDs (không ghép cặp)

      Không sử dụng NSAIDs

    (N = 67.968)

    Có sử dụng NSAIDs

    (N = 4.211)

    Giá trị p
    Tử vong (n = 72.179) 0,227
      Không 46.712 (68,7%) 2.932 (69,6%)
      21.256 (31,3%) 1.279 (30,4%)
    Chăm sóc đặc biệt (n = 70.955) 0,467
      Không 57.507 (86,1%) 3.599 (85,7%)
      9.250 (13,9%) 599 (14,3%)
    Thông khí xâm lấn (n = 69.972) 0,396
      Không 60.254 (91,5%) 3.821 (91,9%)
      5.562 (8,5%) 335 (8,1%)
    Thông khí không xâm lấn

    (n = 69.818)

    0,0047
      Không 55.809 (85,0%) 3.452 (83,3%)
      9.867 (15,0%) 690 (16,7%)
    Thở oxy bổ sung (n = 70.124) 0,62
      Không 22.826 (34,6%) 1.420 (34,2%)
      43.147 (65,4%) 2.731 (65,8%)
    Tổn thương thận cấp tính

    (n = 68.228)

    0,034
      Không 48.258 (75,1%) 2.945 (73,6%)
      15.970 (24,9%) 1.055 (26,4%)

    Bảng 2. Kết quả các tình trạng bệnh sau khi ghép cặp giữa những bệnh nhân sử dụng NSAIDs trước khi nhập viện và không sử dụng NSAIDs.

        Ước lượng hiệu lực

    (OR)

    Giá trị p
    Tử vong tại bệnh viện
    Không sử dụng NSAIDs 1
    Có sử dụng NSAIDs (n = 4.205) 0,95 (0,84 đến 1,07) 0,35
    Các tiêu chí phụ
    Không sử dụng NSAIDs 1
    Có sử dụng NSAIDs
      Chăm sóc đặc biệt (n = 4.198) 1,01 (0,87 đến 1,17) 0,89
      Thông khí xâm lấn (n = 4.156) 0,96 (0,80 đến 1,17) 0,69
      Thông khí không xâm lấn (n = 4.142) 1,12 (0,96 đến 1,32) 0,14
      Thở oxy (n = 4.151) 1,00 (0,89 đến 1,12) 0,97
      Tổn thương thận cấp tính (n = 4.000) 1,08 (0,92 đến 1,26) 0,33
    Mức độ nghiêm trọng khi nhập viện
    Điểm sinh lý
      qSOFA (n = 3.793) -0,02 (-0,06 đến 0,02) 0,42
    NEWS2 (n = 3.721) -0,08 (-0,30 đến 0,14) 0,46
    Các chỉ số sinh lý
      Nhịp tim (n = 4.102) -0,40 (-1,39 đến 0,59) 0,43
    Tần số hô hấp (n = 4.096) -0,17 (-0,66 đến 0,32) 0,48
    Bão hòa oxy ngoại vi (n = 4.076) -0,00 (-0,27 đến 0,26) 0,98
    Huyết áp tâm thu (n = 4.085) 1,09 (-0,07 đến 2,25) 0,066
    Huyết áp tâm trương (n = 4.071) -0,21 (-0,93 đến 0,51) 0,56

    Theo kết quả từ Bảng 1, có 1.279 ca tử vong (chiếm 30,4%) trong số 4.211 bệnh nhân thuộc nhóm sử dụng NSAIDs và 21.256 ca tử vong (chiếm 31,3%) trong số 67.698 bệnh nhân thuộc nhóm không sử dụng NSAIDs. Như vậy, tỷ lệ tử vong khi điều trị tại bệnh viện không khác nhau giữa những bệnh nhân sử dụng và không sử dụng NSAIDs (OR =…, CI 95% = …, p = 0,227). Sau khi ghép cặp, kết quả cũng cho thấy việc sử dụng NSAIDs không ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ tử vong khi điều trị tại bệnh viện (bổ sung số liệu: OR =…, CI 95% = …, p = 0,35).

    Trong phân tích độ nhạy giữa 19.734 (27,3%) bệnh nhân sử dụng NSAIDs, nhập viện ít nhất 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng (ghép cặp với bệnh nhân không sử dụng NSAIDs, không có sự khác biệt giữa những bệnh nhân sử dụng và không sử dụng NSAIDs trong cùng một thời gian (OR= 1,11; CI 95% 0,88-1,39; p = 0,37). Ở những bệnh nhân bị bệnh thấp khớp (chiếm 7.614 (10,5%) trong số 72.179 bệnh nhân), sử dụng NSAIDs không liên quan đến việc tăng tỷ lệ tử vong (có ghép cặp, OR = 0,90; CI 95% 0,68-1,19; p = 0,44).

    Khi chưa ghép cặp, những bệnh nhân sử dụng NSAIDs cần được can thiệp bằng thông khí không xâm lấn và có tổn thương thận cấp kéo dài hơn so với bệnh nhân không sử dụng NSAIDs (bổ sung số liệu) (Bảng 1). Tuy nhiên, sau khi ghép cặp (loại bỏ sự khác biệt về 1 số yếu tố nền bao gồm giới tính, độ tuổi, bệnh nề, dân tộc giữa 2 nhóm),  sự xuất hiện các tình trạng như cần chăm sóc đặc biệt (OR 1,01; CI 95% 0,87-1,17; p = 0,89), thông khí xâm lấn (OR 0,96; 0,80-1,17; p = 0,69), thông khí không xâm lấn (OR 1,12; CI 95% 0,96-1,32; p = 0,14), thở oxy bổ sung (OR 1,00; CI 95% 0,89-1,12; p = 0,97) hoặc tổn thương thận cấp tính (OR 1,08; CI 95% 0,92-1,26; p = 0,33) không khác nhau có ý nghĩa giữa nhóm bệnh nhân sử dụng NSAIDs và nhóm bệnh nhân không sử dụng NSAIDs (Bảng 2). Ngoài ra, khi nhập viện, những bệnh nhân trong nhóm sử dụng NSAIDs có các chỉ số sinh lý đo được cũng tương đồng với những người không sử dụng NSAIDs. Khi thực hiện phân tích độ nhạy, ngoại trừ những bệnh nhân đã tử vong cũng không ghi nhận sự tăng hoặc giảm yếu tố liên quan việc sử dụng NSAIDs và các tiêu chí phụ.

    Tiếp đến, các tác giả xem xét tỷ lệ tử vong ở những người không cần chăm sóc đặc biệt. Các phân tích này cho thấy không có mối liên hệ nào giữa NSAIDs và nguy cơ tử vong hoặc nhập viện chăm sóc đặc biệt khi các kết quả này được ghép cặp (OR 0,94; CI 95% 0,83-1,06; p = 0,28) cũng như bất kỳ mối liên hệ nào với tử vong ở những bệnh nhân không được chăm sóc đặc biệt (OR 0,92; CI 95% 0,82-1,03; p = 0,16).

    Ibuprofen là NSAID được sử dụng phổ biến nhất, tiếp đến là diclofenac, ketorolac, naproxen, oxicam và các thuốc ức chế chọn lọc COX-2. Việc sử dụng các NSAID khác nhau cũng không ảnh hưởng khác biệt đến tỷ lệ tử vong. Hơn thế nữa, nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc sử dụng ibuprofen không ảnh hưởng đáng kể đến việc tăng tỷ lệ tử vong khi so sánh với những người không sử dụng NSAIDs (OR 0,90; CI 95% 0,71-1,13; p = 0,36) hoặc các NSAID khác (OR 0,82; CI 95% 0,66-1,03; p = 0,082)

    Thảo luận

    Theo lý thuyết, sử dụng NSAIDs có thể có lợi cho bệnh nhân COVID-19. Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng sự giải phóng các chất trung gian tiền viêm như IL-1β, IL-6 và CCL2 khi nhiễm COVID-19 khiến bệnh nặng hơn [18, 19]. Các nghiên cứu tiền lâm sàng trên các mô hình không bị nhiễm COVID-19 đã chỉ ra việc giải phóng các cytokin này có thể bị ức chế khi điều trị bằng NSAIDs [13, 20, 21]. Từ đây, nhiều ý kiến đưa ra thảo luận về hiệu quả và rủi ro khi sử dụng NSAIDs trong điều trị COVID-19. NSAIDs được chứng minh có thể ngăn sản xuất và biểu hiện IL-6 thông qua nhiều cơ chế khác nhau, bao gồm ức chế prostaglandin E2, điều hòa sản xuất IL-6 và IL-8 [20, 21]. Các chất trung gian gây viêm như IL-6 cũng giảm biểu hiện trên thí nghiệm biểu mô phế quản điều trị với NSAIDs [20]. Ủng hộ cho giả thuyết này, một corticoid được sử dụng rộng rãi trong điều trị COVID-19 là dexamethasone cũng thể hiện đặc tính điều hòa phản ứng viêm và được chứng minh làm giảm nguy cơ tử vong bệnh nhân COVID-19 [22].

    Trong bài nghiên cứu liên kết dữ liệu ghép theo xu hướng của Chandan và cộng sự (2021) trên các bệnh nhân viêm khớp nhiễm COVID-19 điều trị tại cộng đồng, những bệnh nhân sử dụng NSAIDs không ảnh hưởng xấu đến tiến triển bệnh hoặc tử vong [10]. Nhưng vì cỡ mẫu của nghiên cứu này tương đối nhỏ nên không thể hiện sự khác biệt trong nguy cơ tử vong sau khi nhiễm COVID-19. Dựa trên tất cả bằng chứng có được, nếu NSAIDs có tác động nghiêm trọng đến trình trạng sức khỏe của bệnh nhân COVID-19 thì điều này sẽ được ghi nhận trong một hoặc nhiều nghiên cứu đã được thực hiện.

    Nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu của Drake và cộng sự có quy mô số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy những bệnh nhân COVID-19 nhập viện đang sử dụng NSAIDs không tiến triển nặng hơn so với những bệnh nhân không sử dụng NSAIDs. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong, cần điều trị tích cực, cần hỗ trợ hô hấp và tổn thương thận cấp cũng không có khác biệt đáng kể giữa các nhóm điều trị NSAIDs. Ngoài ra, cũng không tìm thấy bằng chứng khẳng định tác hại của việc sử dụng NSAIDs ở những bệnh nhân COVID-19 nặng. Như vậy, các phát hiện từ nghiên cứu này đã củng cố thêm bằng chứng NSAIDs có thể được sử dụng mà không làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của COVID-19.

    Hạn chế trong nghiên cứu của Drake là thông tin về chỉ định và thời gian sử dụng NSAIDs chưa được đề cập, từ đó dẫn đến khó đưa ra quyết định sử dụng NSAIDs lâu dài hay chỉ để giảm triệu chứng COVID-19. Tương tự, nghiên cứu này cũng không đưa ra khuyến cáo liệu các bệnh nhân có tiếp tục sử dụng NSAIDs trong khi điều trị nội trú hay không. Để giải quyết vấn đề trên, nghiên cứu này đã tiến hành phân tích độ nhạy để so sánh giữa sử dụng và không sử dụng ibuprofen, hoặc giữa sử dụng ibuprofen và các NSAIDs khác. Kết quả cho thấy không có sự gia tăng các tình trạng sức khỏe xấu giữa các bệnh nhân sử dụng ibuprofen và không sử dụng NSAIDs.

    Ngoài ra, một số vấn đề quan trọng khác trong nghiên cứu cần lưu ý. Đầu tiên, ibuprofen là NSAIDs có thể không phổ biến ở nhiều quốc gia. Các loại NSAIDs có tác dụng phụ khác nhau nên thử nghiệm lâm sàng trên một hợp chất cụ thể có thể không tổng quát cho nhóm thuốc [23]. Thêm vào đó, nghiên cứu không đề cập liều sử dụng và sự tuân thủ điều trị nên không thể lập một mô hình đáp ứng liều sử dụng. Thứ hai, dữ liệu của nghiên cứu được thu thập từ hầu hết các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện ở Anh nhưng có một vài trung tâm y tế không tham gia đóng góp vẫn cho thấy sự tương thích với các bộ dữ liệu có cỡ mẫu nhỏ hơn, ví dụ dữ liệu từ Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Hồi sức tích cực (ICNARC) [17]. Vì vậy, dữ liệu vẫn có ý nghĩa và hữu ích để trả lời các câu hỏi lâm sàng ở bệnh nhân COVID-19. Một vấn đề khác khi ghép cặp các bệnh nhân sử dụng NSAIDs, các nhà nghiên cứu không sử dụng thông tin ngày nhập viện để làm biến số. Trong diễn tiến của đại dịch, số ca tử vong giảm dần theo thời gian nhưng điều này không làm ảnh hưởng đến nghiên cứu vì những số liệu thu thập chỉ giới hạn trong đợt lây nhiễm đầu tiên tại Anh. Một hạn chế trong bài nghiên cứu này là không có nhóm đối chứng không nhiễm SARS-CoV-2 để so sánh sơ bộ với các bệnh nghiêm trọng khác hoặc các bệnh đường hô hấp khác. Các nghiên cứu trong tương lai nên bổ sung nhóm này để đánh giá khả năng NSAIDs tác động đến tình trạng bệnh của bệnh nhân COVID-19 và các bệnh khác.

    Vì nghiên cứu không thu thập dữ liệu liên quan đến việc tiếp tục sử dụng NSAIDs trong thời gian nhập viện nên cũng không thể đưa ra khuyến cáo có nên dừng sử dụng NSAIDs sau khi nhập viện hay không. Nguyên nhân là do có những nhóm bệnh nhân phụ thuộc vào NSAIDs để giảm đau, bao gồm những bệnh nhân mắc các bệnh viêm xương khớp, đau xương, bệnh gout và hậu phẫu. Kết hợp các kết luận trên, nghiên cứu đưa ra khuyến nghị các bác sĩ nên kê đơn và kiểm soát sử dụng NSAIDs như trước khi đại dịch xảy ra.

    Kết luận

    Nhìn chung, sử dụng NSAIDs không làm tăng nguy cơ tử vong và yêu cầu chăm sóc đặc biệt trên bệnh nhân mắc COVID-19, do đó việc kê đơn và sử dụng NSAIDs vẫn nên được duy trì như trước đây.  Các nghiên cứu cần được tiếp tục trong tương lai và nên tiếp cận theo hướng nghiên cứu tế bào để làm rõ cơ chế điều hòa quá trình viêm của NSAIDs trong điều trị COVID-19. Ngoài ra, so sánh các thuốc giảm đau thay thế với NSAIDs cũng cần được nghiên cứu để tìm hiểu thêm về rủi ro cũng như lợi ích của hai nhóm thuốc.

    Danh mục từ viết tắt

    NSAIDs: Non-steroidal anti-inflammatory drugs (Thuốc kháng viêm không steroid).

    COX: Cyclooxygenase enzyme.

    RT-PCR: Reverse transcription – Polymerase Chain Reaction (Phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược).

    PG: Prostaglandin.

    COVID-19: Coronavirus disease of 2019 (Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virus Corona 2019).

    SARS-CoV-2: Severe acute respiratory syndrome coronavirus 2 (Virus gây hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng 2).

    CCP: Clinical Characterisation Protocol (Đề cương đặc điểm lâm sàng).

    ISARIC: International Severe Acute Respiratory and Emerging Infection Consortium (Hiệp hội Quốc tế về nhiễm trùng hô hấp cấp nặng và các bệnh nhiễm trùng mới nổi).

    NEWS2: National Early Warning Score 2 (Thang điểm cảnh báo sớm 2).

    qSOFA: quick Sequential Organ Failure Assessment (Thang điểm đánh giá nhanh suy đa tạng).

    NHS: National Health Service (Dịch vụ y tế quốc gia).

    CI 95%: 95% Confidence interval (Khoảng tin cậy 95%).

    SD: Standard deviation (Độ lệch chuẩn).

    IQR: Interquartile range (Khoảng tứ phân vị).

    ICNARC: Intensive Care National Audit and Research Centre (Trung Tâm Đánh Giá và Nghiên Cứu Hồi Sức Tích Cực).

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Vane JR. Inhibition of Prostaglandin Synthesis as a Mechanism of Action for Aspirin-like Drugs. Nature New Biol. 1971;231(25):232-235.
    2. Kragholm K, Torp-Pedersen C, Fosbol E. Non-steroidal anti-inflammatory drug use in COVID-19. Lancet Rheumatol. 2021;3(7):e465-e466.
    3. Wong AYS, MacKenna B, Morton CE, Schultze A, Walker AJ, Bhaskaran K, et al. Use of non-steroidal anti-inflammatory drugs and risk of death from COVID-19: an OpenSAFELY cohort analysis based on two cohorts. Annals of the Rheumatic Diseases. 2021;80(7):943.
    4. Abu Esba LC, Alqahtani RA, Thomas A, Shamas N, Alswaidan L, Mardawi G. Ibuprofen and NSAID Use in COVID-19 Infected Patients Is Not Associated with Worse Outcomes: A Prospective Cohort Study. Infect Dis Ther. 2021;10(1):253-268.
    5. Kragholm K, Gerds TA, Fosbøl E, Andersen MP, Phelps M, Butt JH, et al. Association Between Prescribed Ibuprofen and Severe COVID-19 Infection: A Nationwide Register-Based Cohort Study. Clin Transl Sci. 2020;13(6):1103-1107.
    6. Bruce E, Barlow-Pay F, Short R, Vilches-Moraga A, Price A, McGovern A, et al. Prior Routine Use of Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drugs (NSAIDs) and Important Outcomes in Hospitalised Patients with COVID-19. J Clin Med. 2020;9(8):J Clin Med.
    7. Lund LA-O, Kristensen KA-O, Reilev MA-O, Christensen S, Thomsen RA-O, Christiansen CA-OX, et al. Adverse outcomes and mortality in users of non-steroidal anti-inflammatory drugs who tested positive for SARS-CoV-2: A Danish nationwide cohort study. PLoS Med. 2020;17(9):e1003308.
    8. Jeong HE, Lee H, Shin HJ, Choe YJ, Filion KB, Shin J-Y. Association Between Nonsteroidal Antiinflammatory Drug Use and Adverse Clinical Outcomes Among Adults Hospitalized With Coronavirus 2019 in South Korea: A Nationwide Study. Clin Infect Dis. 2020:ciaa1056.
    9. Chandan JA-O, Zemedikun DT, Thayakaran R, Byne N, Dhalla S, Acosta-Mena D, et al. Nonsteroidal Antiinflammatory Drugs and Susceptibility to COVID-19. (2326-5205 (Electronic)).
    10. Chandan JS, Zemedikun DT, Thayakaran R, Byne N, Dhalla S, Acosta-Mena D, et al. Nonsteroidal Antiinflammatory Drugs and Susceptibility to COVID-19. Arthritis Rheumatol. 2021;73(5):731-739.
    11. Little P, Moore M Fau – Kelly J, Kelly J Fau – Williamson I, Williamson I Fau – Leydon G, Leydon G Fau – McDermott L, McDermott L Fau – Mullee M, et al. Ibuprofen, paracetamol, and steam for patients with respiratory tract infections in primary care: pragmatic randomised factorial trial. BMJ 2013;347:f6041.
    12. Matute-Bello G, Frevert Cw Fau – Martin TR, Martin TR. Animal models of acute lung injury. Am J Physiol Lung Cell Mol Physiol. 2008;295(3):L379-399.
    13. ClinicalTrials.gov. LIBERATE trial in COVID-19 2020 [cited 2021 Sep 6]. Available from: https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT04334629?cond=covid-19+ibuprofen&draw=2&rank=3.
    14. Drake TM, Fairfield CJ, Pius R, Knight SR, Norman L, Girvan M, et al. Non-steroidal anti-inflammatory drug use and outcomes of COVID-19 in the ISARIC Clinical Characterisation Protocol UK cohort: a matched, prospective cohort study. Lancet Rheumatol. 2021;3(7):e498-e506.
    15. Baker KF, Hanrath AT, Schim van der Loeff I, Kay LJ, Back J, Duncan CJ. National Early Warning Score 2 (NEWS2) to identify inpatient COVID-19 deterioration: a retrospective analysis. Clin Med (Lond). 2021;21(2):1473-4893.
    16. Heldt S, Neuböck M, Kainzbauer N, Shao G, Tschoellitsch T, Duenser M, et al. qSOFA score poorly predicts critical progression in COVID-19 patients. Wien Med Wochenschr. 2021:1-9.
    17. Ling A, Montez-Rath, M. M, M. K, K. D, M. How to Apply Multiple Imputation in Propensity Score Matching with Partially Observed Confounders: A Simulation Study and Practical Recommendations. J Mod Appl Stat Methods. 2020;19(1):eP3439.
    18. Herold T, Jurinovic V, Arnreich C, Lipworth BJ, Hellmuth JC, von Bergwelt-Baildon M, et al. Elevated levels of IL-6 and CRP predict the need for mechanical ventilation in COVID-19. J Allergy Clin Immunol. 2020;146(1):128–136.e124.
    19. Chen Y, Wang J, Liu C, Su L, Zhang D, Fan J, et al. IP-10 and MCP-1 as biomarkers associated with disease severity of COVID-19. Mol Med 2020;26(97 ):1528-3658.
    20. Ho JC, Tipoe G, Zheng L, Leung TM, Tsang KWT, Shum DKY, et al. In vitro study of regulation of IL-6 production in bronchiectasis. Respir Med. 2004;98(4):334-341.
    21. Canan CH, Gokhale NS, Carruthers B, Lafuse WP, Schlesinger LS, Torrelles JB, et al. Characterization of lung inflammation and its impact on macrophage function in aging. J Leukoc Biol. 2014;96(3):473-480.
    22. Group RC, Horby P, Lim WS, Emberson JR, Mafham M, Bell JL, et al. Dexamethasone in Hospitalized Patients with Covid-19. N Engl J Med. 2021;384(8):693-704.
    23. Trelle S, Reichenbach S Fau – Wandel S, Wandel S Fau – Hildebrand P, Hildebrand P Fau – Tschannen B, Tschannen B Fau – Villiger PM, Villiger Pm Fau – Egger M, et al. Cardiovascular safety of non-steroidal anti-inflammatory drugs: network meta-analysis. BMJ. 2011;342:c7086.

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây