Kiến thức, rào cản trong phòng chống và các giải pháp nhằm tăng cường khả năng ứng phó COVID-19 của người dân

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Phần 1: Tình hình thực tế

    Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều quốc gia cho phép việc mở cửa trở lại nhằm khôi phục kinh tế, du lịch và vận chuyển hàng hóa, tuy nhiên điều này cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái bùng phát dịch ở một số nước. Thời gian gần đây, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày có xu hướng đi ngang trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu với số ca mắc mới tăng mạnh, điều này đã làm cho châu Âu trở thành tâm dịch mới của thế giới.

    Sau 2 năm đồng lòng chiến đấu với đại dịch trên 221 quốc gia và vùng lãnh thổ,  toàn thế giới nhận ghi nhận hơn 262,2 triệu ca nhiễm, trong đó trên 236 triệu bệnh nhân đã được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 20 triệu ca và trên 80.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch (1). Để đối phó với đại dịch này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản nhằm ứng phó các tình huống cụ thể trên từng địa bàn, giúp kịp thời kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể, tính đến ngày 30/11/2021, Việt Nam đã có 1.224.110 ca mắc COVID-19, đứng thứ 35/223 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã điều trị khỏi cho hơn 974.700 bệnh nhân. Chúng ta cũng đã triển khai tiêm 120.644.108 liều vaccine, trong đó mũi 1 là 70.958.765 liều và mũi 2 là 49.685.434 liều (2). Việc đẩy mạnh tỷ lệ tiêm phòng cho người dân đã góp phần điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch thành “sống chung với COVID-19”, sớm đưa người dân về cuộc sống bình thường (2).

    Tuy nhiên, tiến trình đưa cuộc sống về trạng thái “bình thường mới” tại các quốc gia trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang gặp phải nhiều khó khăn do sự xuất hiện các biến chủng, đặc biệt toàn thế giới đang đặt nhiều quan tâm cho Omicron (B.1.1.529) – biến chủng có nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo là có thể lây lan nhanh hơn, cùng với đó là nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn gấp 5 lần so với biến chủng Delta). Hiện biến chủng này đã được phát hiện tại một số quốc gia như Nam Phi, Botswana, nếu không được kiểm soát kịp thời chúng có thể lây lan và ảnh hưởng đến toàn thế giới. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc phát hiện những vấn đề tồn đọng và làm rõ những nguyên nhân gây kém hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, từ đó giúp cho các nhà chức trách và chuyên môn có cái nhìn toàn cảnh để đưa ra những chính sách hiệu quả, thiết thực hơn trong công cuộc chống đại dịch COVID-19.

    Phần 2: Các vấn đề tồn đọng và nguyên nhân

    Kiến thức về kháng sinh

    Đối với kiến thức về COVID-19, qua một nghiên cứu, khảo sát của Khoa Y ĐHQG-HCM trên địa bàn quận Tân Phú, TP.HCM cho thấy đa phần người dân có kiến thức khá tốt về phòng, chống COVID-19 (3). Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hiểu biết sai lệch nhất định đối với COVID-19; đặc biệt trong số đó phải kể đến là kiến thức về kháng sinh, có đến 2/3 người dân cho rằng thuốc kháng sinh là một phương pháp điều trị hiệu quả đối với COVID-19. Nguyên nhân của sai lầm này có lẽ bắt nguồn từ thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là đối tượng công nhân hay những người đã nghỉ hưu. Tại Việt Nam, nhà thuốc Tây có thể bán các loại thuốc kháng sinh mà không cần đến đơn thuốc của bác sĩ. Người dân dễ dàng sử dụng thuốc một cách tràn lan, dẫn tới việc đôi khi chỉ bị một vài triệu chứng nhẹ của nhiễm virus như ho, sốt nhẹ, chảy nước mũi và những triệu chứng này có thể tự giới  hạn trong vài ngày, thì người dân vẫn chọn sử dụng kháng sinh, mặc dù điều đó là không cần thiết. Sau khi hết bệnh, họ nhầm tưởng rằng do hiệu quả của kháng sinh và tiếp tục truyền miệng hoặc đăng lên mạng xã hội cho nhiều người khác về quan niệm sai lầm này. Một sai lầm đáng lưu ý nữa là gần một nửa số đối tượng tham gia nghiên cứu đều cho rằng người nhiễm COVID-19 chỉ có thể lây truyền virus khi đang bị sốt. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) thì có khoảng 40% bệnh nhân COVID-19 không hề có triệu chứng và khả năng họ lây truyền virus sang cho người khác rất cao (4). Do đó, sai lầm này gây ra những lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác phòng chống dịch, vô tình tạo ra sự chủ quan ở một bộ phận người dân trong tình hình dịch hiện tại, tạo điều kiện cho sự lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, những sự sai lệch về kiến thức này có thể bắt nguồn từ việc truyền miệng hay tiếp nhận những thông tin chưa được kiểm chứng qua mạng xã hội cá nhân. Thực tế nghiên cứu của Khoa Y ĐHQG-HCM trên địa bàn quận Tân Phú cũng chỉ ra rằng chỉ 1/4 người dân được hỏi cho biết họ nhận kiến thức về COVID-19 từ các y bác sĩ (3). Đây là nguồn thông tin truyền thông cá nhân đáng tin cậy và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện do việc thiếu nhân lực ngành y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở. Thiếu các hội nhóm hỗ trợ cung cấp thông tin chính xác về dịch bệnh trực tiếp đến người dân cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng này.

    Thái độ đối với việc cài đặt ứng dụng PC-Covid

    Thăm dò về thái độ đối với việc cài đặt ứng dụng Bluezone (PC-Covid) sẽ góp phần vào việc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, nghiên cứu ghi nhận có đến 1/3 người dân tại quận Tân Phú tham gia khảo sát không đồng ý hoặc chưa quyết định việc sử dụng này (3). Rõ ràng, công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến người dân trong cộng đồng, hỗ trợ truy vết, kiểm soát sự lây lan và bùng phát của dịch bệnh, góp phần làm giảm tải khối lượng công việc khổng lồ cho lực lượng chống dịch. Bluezone là ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần người nhiễm COVID-19 (F0), cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại cá nhân để nhận cảnh báo nếu đã tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, qua đó phát hiện và khoanh vùng kịp thời, giảm thiểu các nguy cơ lây lan trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu chi phí phòng chống dịch. Tuy nhiên, hiện tại nhiều người dân còn hiểu sai hoặc chưa hiểu rõ về lợi ích của ứng dụng này nên việc sử dụng còn hạn chế.

    Thực hiện hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người và giữ khoảng cách

    Việc thực hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của người dân quận Tân Phú đã cho kết quả rất tốt, điển hình như 100% người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà hay một số khuyến cáo như hạn chế tập trung đông người, thường xuyên rửa tay, thường xuyên vệ sinh các bề mặt tiếp xúc cũng được tuân thủ gần như tuyệt đối (3). Mặc dù vậy vẫn còn một số rào cản nhất định, gây khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng dịch. Ví dụ mức sống còn thấp là rào cản lớn nhất cho việc tuân thủ hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người hay trong việc giữ khoảng cách. Mức sống thấp khiến cho người dân phải ra đường để làm việc kiếm sống vô hình chung lại trở thành hành vi nguy cơ làm dịch bệnh lây lan. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là việc thực hành rửa tay của đối tượng tham gia nghiên cứu còn một số rào cản nhất định, cụ thể là lý do quên rửa tay. Rửa tay thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng lây nhiễm bệnh, tuy nhiên việc rửa tay chưa được phổ biến rộng rãi. Vì thế cần xây dựng giải pháp để giúp người dân rửa tay đúng và đủ, để việc rửa tay có thể đi vào tiềm thức của người dân, trở thành một thói quen tích cực trong cuộc sống của họ.

    Phần 3: Hướng khắc phục

    Dịch bệnh COVID-19 đang được quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới vì sự lây lan nhanh chóng, xuất hiện nhiều biến thể mới và để lại những hậu quả nặng nề, đặc biệt là biến thể Delta và Omicron. Đây là thách thức lớn cho các chính phủ và các nhà khoa học trên toàn thế giới.

    Phòng chống dịch COVID-19 không phải là trách nhiệm của một cá nhân đơn lẻ mà cần sự đồng lòng chung sức của toàn xã hội. Nhân dân là nhân tố chính, quyết định sự thành công của việc kiểm soát đại dịch COVID-19. Vì vậy, việc truyền thông cung cấp kiến thức đúng đến người dân một cách kịp thời để họ tự nhận thức, tích cực và chủ động cập nhật thông tin về diễn tiến dịch bệnh; tuân thủ nghiêm các quy định do nhà nước đề ra là chìa khóa vàng trong công cuộc phòng, chống COVID-19.

    Như đã đề cập phần trên, theo khảo sát của Khoa Y ĐHQG.HCM tại địa bàn quận Tân Phú cho thấy phần lớn người dân nhận được các kiến thức phòng chống COVID-19 chủ yếu qua tivi, Internet và chỉ khoảng 1/4 người dân nhận được các kiến thức này từ các y bác sĩ. Mặc dù việc tiếp cận truyền thông cá nhân mang lại hiệu quả cao trong thay đổi hành vi nhưng lại không thể tiếp cận được lượng lớn người dân trong cộng đồng (3). Do đó, để cung cấp được kiến thức đúng cho người dân quận Tân Phú nói riêng, cũng như toàn bộ người dân trong xã hội nói chung, chúng ta cần kết hợp nhiều biện pháp truyền thông. Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực nhiều hơn vào các phương tiện truyền thông đại chúng, loại truyền thông đang chiếm ưu thế, đồng thời giảm đầu tư vào các phương tiện truyền thông ít được quan tâm như xe loa hay radio để tránh lãng phí ngân sách và nguồn lực. Có một điểm mới là trong đợt dịch bệnh này người dân được tiếp cận và đã dần quen với nội dung tin nhắn từ Bộ Y tế hay Chính phủ (3), đây là một hướng đi mới nên được cân nhắc và đẩy mạnh.

    Hiện nay, nhiều người dân vẫn có sự nhầm lẫn trong việc nhận biết triệu chứng, đường lây và cách điều trị bệnh nên nội dung tuyên truyền không nên chỉ xoay quanh các biện pháp phòng tránh thường quy như: rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m,… mà nên bổ sung thông tin về triệu chứng thường gặp và đường lây của các biến thể mới, phương pháp điều trị và hỗ trợ điều trị có bằng chứng khoa học. Bên cạnh đó, cần thông tin về lợi ích của các ứng dụng công nghệ giúp quản lí tình hình dịch như Bluezone và khuyến khích người dân sử dụng, đồng thời truyền thông về tính an toàn trong việc tiêm vaccine nhằm nhanh chóng đẩy mạnh tỷ lệ bao phủ vaccine trên toàn dân, đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

    Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 8 loại vaccine là AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V), Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Spikevax (tên khác là Moderna), Janssen, Hayat-Vax và Abdala (5). Tuy nhiên, nguồn vaccine này đều đến từ nước ngoài, chúng ta chưa thể tự chủ nguồn vaccine để phục vụ công tác tiêm chủng. Đồng thời hiện nay trên thế giới đã có thuốc điều trị COVID-19 nhưng vẫn khó tiếp cận được, đây là một thiệt thòi lớn cho người dân. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để sớm sản xuất được vaccine và thuốc điều trị COVID-19 của Việt Nam.

    Làm chủ được các phương án trên sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa đất nước chúng ta trở về cuộc sống “bình thường mới”.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Bộ Y tế. COVID-19 tới 6 giờ ngày 30/11: Thế giới trên 262 triệu ca bệnh; WHO khuyến cáo nguy cơ toàn cầu của chủng mới Omicron 2021 [Available from: https://covid19.gov.vn/covid-19-toi-6-gio-ngay-30-11-the-gioi-tren-262-trieu-ca-benh-who-khuyen-cao-nguy-co-toan-cau-cua-chung-moi-omicron-17121113009000654.htm.
    2. Bộ Y tế. Sáng 30/11: Đã điều trị khỏi hơn 974.700 bệnh nhân COVID-19; TP HCM làm gì để ứng phó với biến chủng Omicron? 2021 [Available from: https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/sang-30-11-a-ieu-tri-khoi-hon-974-700-benh-nhan-covid-19-tp-hcm-lam-gi-e-ung-pho-voi-bien-chung-omicron-.
    3. Nguyễn Huỳnh Bảo Ân, Chung Thanh Nhã, Nguyễn Hoàng Dũng, Nguyễn Thị Tiểu Ngọc, Võ Quang Nghĩa, Bùi Công Minh. Knowledge, attitudes, practices and barriers for implementation of preventing measures toward COVID-19 among residents of Tan Phu district, Ho Chi Minh city. Science & Technology Development Journal-Health Sciences. 2021;2(2):247-56.
    4. Cranley E. 40% of People With Covid-19 Show No Symptoms. The CDC Estimates. 2020.
    5. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh – Sở Y tế TP.HCM. 8 loại vắc-xin phòng COVID-19 đã được cấp phép tại Việt Nam 2021 [Available from: https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/tai-lieu-truyen-thong/8-loai-vacxin-phong-covid19-da-duoc-cap-phep-tai-viet-nam-27092973b1ad3fac17d53891de8b274f.html.

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây