Tại sao tỉ lệ mắc COVID-19 và trở nặng ở trẻ em ít hơn người lớn tuổi?

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Hiện tại, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, đe dọa tới sức khỏe và tính mạng của hàng trăm triệu người trên toàn cầu, trong đó, trẻ em cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, đáng chú ý là tỉ lệ nhiễm cũng như trở nặng của trẻ em với COVID-19 không cao. Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ, từ tháng 3/2020 đến cuối tháng 8/2021, chỉ có dưới 2% số ca nhập viện do COVID-19 là bệnh nhân dưới 18 tuổi.

    COVID-19 ảnh hưởng như thế nào tới trẻ em?

    Như đã nói ở trên, trẻ em vẫn hoàn toàn có thể nhiễm COVID-19, nhưng chỉ có một số ít trường hợp xuất hiện biến chứng nặng. Một trong những biến chứng nặng và nguy hiểm có thể gặp ở trẻ là hội chứng viêm đa tạng (multi-system inflammatory syndrome in children/MIS-C), khiến nhiều bộ phận khác nhau như tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa bị viêm và dễ hình thành cục máu đông. May mắn thay, nhóm bệnh nhân trẻ, bao gồm cả trẻ nhỏ, tỉ lệ nhiễm nhìn chung vẫn thấp và đa số không có triệu chứng, hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ, mệt mỏi và ho.

    Vì sao lại có sự đặc biệt này?

    Theo các nhà miễn dịch học, khi người lớn không còn lợi thế về “trí nhớ miễn dịch”, trẻ em cho thấy khả năng kiểm soát nhiễm SARS-CoV-2 một cách tự nhiên tốt hơn. Vì vậy, miễn dịch bẩm sinh được cho là mấu chốt của khả năng này tính tới thời điểm hiện tại. Giả thiết này có cơ sở khi thấy rằng trẻ có các rối loạn liên quan đến phản ứng miễn dịch thích ứng, ví dụ như không thể sản xuất kháng thể hoặc có khiếm khuyết ở tế bào B và tế bào T, khi nhiễm SARS-CoV-2 không xảy ra các vấn đề đáng lo ngại. Trong khi đó, ở những trẻ có biến chứng nặng phát hiện các sai hỏng về hệ miễn dịch bẩm sinh, hoặc có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

    Miễn dịch bẩm sinh là gì?

    Miễn dịch bẩm sinh (innate immunity) là cơ chế phòng vệ đầu tiên của cơ thể sẵn sàng chống lại các tác nhân ngoại lai xâm nhiễm. Nhờ miễn dịch bẩm sinh, các tác nhân gây bệnh có thể nhanh chóng bị kiểm soát và loại bỏ ngay cả khi cơ thể chưa từng tiếp xúc. Điều này giúp bảo vệ cơ thể, loại bỏ mầm bệnh trong lúc các phản ứng miễn dịch thích ứng chưa kịp đáp ứng cũng như tương tác, định hướng cho miễn dịch thích ứng.

    khác biệt trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh của trẻ?

    Hàng rào biểu mô: Các lớp tế bào biểu mô được xem là phòng tuyến đầu tiên của hệ miễn dịch bẩm sinh. Ở trẻ, những tế bào này biểu hiện lượng lớn các thụ thể nhận diện phân tử liên quan tới mầm bệnh (Pathogen recognition receptor/PRR). Đặc biệt là sự biểu hiện của các gen mã hóa MDA5, một thụ thể nhận biết SARS-CoV-2, ở mức độ cao hơn đáng kể so với người lớn. Điều này giúp các tế bào nhanh chóng sinh interferons, bắt đầu chuỗi phản ứng chống lại tác nhân xâm nhiễm.

    Bạch cầu trung tính (Neutrophils): Đây là loại thực bào tuần hoàn được thu hút tới vị trí của tác nhân ngoại lai trong hệ tuần hoàn hoặc vị trí nhiễm để nhanh chóng bắt lấy và tiêu diệt chúng trước khi chúng phân chia. So với người lớn, khi bị nhiễm SARS-CoV-2, trẻ em có mức hoạt hóa các bạch cầu trung tính cao hơn và khả năng này trở nên kém hiệu quả hơn khi càng lớn tuổi.

    Tế bào lympho bẩm sinh (Innate lymphoid cells): Đây là những tế bào có chức năng phát hiện tổn thương mô và tiết ra các protein tín hiệu giúp điều chỉnh các phản ứng miễn dịch bẩm sinh và thích ứng. Khi không mắc bệnh, lượng tế bào lymphoid này sẽ giảm dần theo tuổi tác, điều này tương ứng với nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nặng cao hơn ở người lớn.

    Các protein tín hiệu (interferon và inteleukin): Các thực bào tuần hoàn có thể tới được vị trí nhiễm là nhờ sự dẫn đường của các chất dẫn dụ này, cảnh báo hệ thống miễn dịch về sự xuất hiện của mầm bệnh. Mức độ của các protein tín hiệu, đặc biệt là interferon-γ và interleukin-17, và sự biểu hiện của các gen mã cho các protein nay cao hơn ở trẻ em, và có xu hướng giảm dần theo tuổi tác.

    Miễn dịch thích ứng của trẻ em phản ứng thế nào với COVID-19?

    Khi nhiễm bệnh, những bệnh nhân trẻ tuổi tuy có lượng kháng thể tạo ra tương tự với những người trưởng thành, nhưng trong đó, lượng kháng thể chuyên biệt và một số tế bào liên quan đến miễn dịch thích ứng lại thấp hơn. Cụ thể là các kháng thể trung hòa SARS-CoV-2, các kháng thể đánh dấu tế bào bị nhiễm, tế bào T điều hòa và tế bào T hỗ trợ. Sự hoạt động kém mạnh mẽ của hệ miễn dịch thích ứng có thể là do các phản ứng miễn dịch bẩm sinh đã hoạt động hiệu quả hơn trong việc loại bỏ các mối đe dọa.

    Ngoài ra, ở trẻ tế bào T trinh nguyên (naive T cell) chưa từng tiếp xúc với kháng nguyên nào nhiều hơn người lớn tuổi nên khi nhiễm, các tế bào này được huy động để đáp ứng tối ưu nhất với SARS-CoV-2.

    Nhưng liệu miễn dịch bẩm sinh có là đủ?

    SARS-CoV-2 cũng như các loại virus khác, chúng tiến hóa không ngừng nhằm lẩn trốn, chống lại đáp ứng miễn dịch bẩm sinh. Trước đây biến thể Alpha, một biến thể nguy hiểm tại nhiều quốc gia, đã biến đổi một số đặc điểm để đào thoát miễn dịch bẩm sinh. Vì vậy, với mức độ nguy hiểm và lây lan của biến thể Delta hiện tại, tuy miễn dịch bẩm sinh vẫn đang là tấm khiên bảo vệ trẻ khá tốt, hiệu quả có thể đảm bảo trong bao lâu nữa vẫn là một ẩn số.

    Lược dịch từ:

    Mallapaty, S. (2021). Kids and covid: Why young immune systems are still on top. Nature, 597(7875), 166-168. https://doi.org/10.1038/d41586-021-02423-8

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây