Test nhanh Covid như thế nào cho hiệu quả?

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Hiện tượng mua test nhanh sử dụng tràn lan trong cộng đồng trước làn sóng dịch Covid 19 – Omicron đang lây lan nhanh chóng gây ra một áp lực rất lớn cho nguồn cung vật tư y tế nước nhà. Vậy người dân nên lưu ý những điều gì để sử dụng test nhanh chính xác, hiệu quả và tránh gây lãng phí?

    Dùng test kit để phát hiện Covid-19 không còn là điều mới mẻ ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên phần đông người dân vẫn mắc nhiều sai lầm do hiểu không chính xác những nguyên tắc vàng khi sử dụng test.

    Ảnh minh họa: Pixapay

    Sai lầm phổ biến -Thời điểm và Quy trình

    Do tâm lý hoang mang, lo sợ khi phát hiện có tiếp xúc với người bệnh, mọi người thường mua ngay test kit để chẩn đoán. Điều này là một sai lầm mà khá nhiều người mắc phải do chưa hiểu đúng về bản chất của sự lây lan dịch bệnh. Virus trong quá trình lây nhiễm vật chủ mới cần một thời gian nhất định để có thể nhân lên, hình thành đủ tải lượng (≈ 1.0 × 10^6 copies/ml) mới có thể sử dụng chẩn đoán bằng que test tại chỗ. Do đó, người nghi nhiễm nên thực hiện test nhanh sau 3-4 ngày khi đã tiếp xúc với nguồn bệnh (theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai). Các trường hợp còn lại chỉ nên sử dụng test kit khi có các biểu hiện nghi ngờ rõ ràng hơn như: ho khan, sốt, chảy nước mũi, đau mỏi các cơ,…

    Thêm vào đó, thực hiện không đúng hướng dẫn sử dụng và quy trình test cũng khiến cho kết quả thực hiện không chính xác, phải test đi test lại nhiều lần gây nên lãng phí. Có thể kể đến một số sai sót thường thấy như:

    • Lấy sai mẫu bệnh phẩm. Ví dụ, sản phẩm test xét nghiệm nhanh được thiết kế để lấy và xét nghiệm mẫu dịch tỵ hầu nhưng người lấy mẫu lại lấy nhầm sang dịch mũi, hoặc ngược lại, kết quả sẽ không còn chính xác.
    • Tăm bông không được đưa đến vị trí cần đến trong quá trình lấy mẫu. Ví dụ trường hợp khi lấy dịch tỵ hầu thì thành sau của dịch tỵ hầu là nơi mà tăm bông phải được đưa đến. Nếu tăm bông quá nông, không đến được thì kết quả sẽ không chính xác.
    • Không vắt được hết dung dịch trong đầu tăm bông vào dung dịch đệm trong quá trình xử lý mẫu, làm cho kết quả bị sai lệch.
    • Đọc kết quả sớm hoặc trễ hơn thời gian đã được nhà sản xuất khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của sản phẩm test. Lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bộ kit, là nhỏ bao nhiêu giọt dung dịch đệm, (có loại nhỏ 3 giọt, có loại cần 5 giọt), sau đó chờ đúng thời gian theo chỉ dẫn của nhà sản xuất rồi đọc kết quả. Thông thường, đối với đa số những sản phẩm test nhanh trên thị trường, người dùng phải chờ ít nhất 15 phút.

    Ảnh minh họa: USAtoday

    Các quy định của Bộ y tế về đối tượng F0

    Ảnh minh họa: Pixapay 

    Dưới đây là định nghĩa về các đối tượng cụ thể theo điều chỉnh của Bộ Y tế:

    Ca bệnh xác định (F0):

    • Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR).
    • Là người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2.
    • Là người có biểu hiện lâm sàng nghĩ mắc COVID-19 (ca bệnh nghi ngờ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).
    • Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1 với virus SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).

    Người tiếp xúc gần (F1):

    • Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể…) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
    • Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.
    • Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
    • Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

    Thời điểm nào là tốt nhất để làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh?

    Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết, bạn nên thử nghiệm trong vòng từ 3 đến 5 ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm COVID-19.

    Nên cách ly và làm xét nghiệm COVID-19 nếu bạn phát hiện bản thân có bất kỳ triệu chứng nào, dù là nhẹ hoặc bạn đã được tiêm chủng đầy đủ. Các triệu chứng có thể bao gồm đau đầu, nghẹt mũi, ho khan, khó thở và có thể tương tự như cảm lạnh nhẹ, đặc biệt là ở những người đã được tiêm chủng ít nhất 2 mũi vaccine.

    Đừng xem thường bởi vì bạn vẫn có thể đã bị lây nhiễm ngay cả khi cơ thể bạn xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhất. Đối với những người không được tiêm chủng hoặc suy giảm miễn dịch, họ có thể bị mắc bệnh nặng hơn. Do đó, hãy tự cách ly nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào, kể cả khi bạn không thể nhanh chóng làm xét nghiệm COVID-19.

    Sau khi nhiễm COVID-19, khoảng thời gian nên dùng test kit để kiểm tra lại là khi nào?

    Trong trường hợp người bệnh đang dương tính với COVID-19, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bản thân qua các triệu chứng biểu hiện, họ có thể làm lại xét nghiệm nhanh sau khoảng từ 3 đến 5 ngày để theo dõi. Thông thường, người bệnh nên làm lại xét nghiệm nhanh sau khoảng 7 ngày kể từ ngày phát hiện dương tính hoặc khi thấy đã không còn các triệu chứng. Vì độ chính xác của xét nghiệm kháng nguyên nhanh chỉ dừng ở mức tương đối, do vậy người bệnh nên cách ly thêm 2 ngày trọn vẹn sau khi có kết quả âm tính hoặc dùng xét nghiệm PCR để cho ra kết quả chuẩn xác về nồng độ virus còn lại trong cơ thể.

    Ảnh: MEICON CO. LTD – TÀI LIỆU HỖ TRỢ KỸ THUẬT

    Ảnh: MEICON CO. LTD – TÀI LIỆU HỖ TRỢ KỸ THUẬT

    Hướng dẫn quy trình dùng test nhanh tại nhà: test nước bọt và test dịch tị hầu

    Test nước bọt

    Lưu ý:

    • Không ăn uống, sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, sử dụng các phương pháp vệ sinh vòm họng như đánh răng, nhai kẹo cao su, phun thuốc xịt họng ít nhất 30 phút trước khi lấy mẫu

    Quy trình:

    • Bước 1: Mở ống đựng nước bọt đã được cấp sẵn.
    • Bước 2: Di chuyển lưỡi qua lại bên trong miệng, để giúp nước bọt tích tụ lại trong khoang miệng
    • Bước 3: Để miệng vào đầu mở của ống và nhổ toàn bộ nước bọt ứ đọng trong miệng vào ống đựng mẫu
    • Bước 4: Lặp lại việc cuộn lưỡi trong miệng và tích tụ nước bọt cho đến khi thu được lượng nước bọt tối thiểu 2 mL theo vạch sẵn trên ống.
    • Bước 5: Nhỏ ống đựng mẫu nước bọt vào ống chiết xuất kháng nguyên, đậy nắp ống chiết xuất và lắc đều ống chiết xuất 10 lần.
    • Bước 6: Nhỏ 2-3 giọt dung dịch từ ống chiết xuất kháng nguyên vào khai thử và đợi trong vòng 15 phút để đọc kết quả.

    Test dịch tỵ hầu

     Lưu ý:

    • Trước hết, cần phải chọn mua đúng loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp phép, để có kết quả test chính xác.
    • Sử dụng sản phẩm ngay khi mở khay thử ra khỏi giấy bọc (Tất cả thành phần bộ sinh phẩm được khuyến cáo để ở nhiệt độ phòng từ 15 – 30 độ C trước khi xét nghiệm khoảng 30 phút)
    • Tuyệt đối không sử dụng sinh phẩm hết hạn và cần bảo quản sinh phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

    Quy trình:

    Bước 1: Trước khi lấy mẫu:

    • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và thực hiện vệ sinh, sát khuẩn tay cẩn thận.

    Bước 2: Chuẩn bị lấy mẫu:

    • Bóc khay thử ra khỏi túi và sử dụng sản phẩm càng nhanh càng tốt (trong vòng 1 giờ).

    Bước 3: Thu thập mẫu:

    • Người được lấy mẫu ngồi hoặc nằm yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy, đầu nghiêng về phía sau một góc 70 độ
    • Người thực hiện lấy mẫu cầm que vừa xoay vừa đẩy đưa nhẹ nhàng đầu bông vào trong lỗ mũi sâu một khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía (đẩy dọc sàn mũi tới khoang mũi hầu cho đến khi thấy có lực cản nhẹ)
    • Giữ que lấy mẫu tại chỗ, xoay que 3 lần và giữ yên từ 5 đến 10 giây để dịch thấm tối đa vào que test.
    • Từ từ xoay và nhẹ nhàng rút que lấy mẫu ra khỏi mũi người được lấy mẫu và cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.

    Bước 4: Tách chiết và xử lý mẫu:

    • Nhúng đầu que đã có mẫu vào ống chiết đã có sẵn 10 giọt (khoảng 300 µl) đệm chiết, xoay và miết đầu que vào thành và đáy của ống khoảng 10 lần.
    • Tối ưu việc thu dịch từ que bằng cách ngâm que trong 1 phút, bóp 2 thành ống ép vào đầu que, từ từ xoay que và ép đầu que khi rút.
    • Đậy chặt ống bằng nắp nhỏ giọt. Lắc mạnh qua lại theo chiều ngang 10 lần để trộn đều mẫu. Hạn chế không để đầu lọc của nắp nhỏ giọt bị dung dịch chạm tới trong quá trình lắc.

    Bước 5: Xét nghiệm và đọc kết quả:

    • Nhỏ 3 giọt (khoảng 100 µl) dung dịch mẫu chiết từ ống vào vị trí nhận mẫu của khay thử và bắt đầu đếm thời gian.
    • Thời gian đếm tùy thuộc vào hướng dẫn sử dụng của từng sản phẩm, thông thường 15 phút ở phổ biến các sản phẩm test. Không được đọc kết quả trước và sau thời gian quy định của từng sản phẩm.
    • Bước 6: Thu gom và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng:
    • Tất cả những sản phẩm test nhanh đã qua sử dụng đề phải được cho vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi và lại cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi.
    • Phân loại bằng cách dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” và đặt ở nơi cố định và riêng biệt với các loại rác thải sinh hoạt thông thường.
    • Thông báo cho đơn vị chức năng tại địa phương đến xử lý theo quy định đối với chất thải lây nhiễm.

    * Phiên giải kết quả:

    • Kết quả Dương Tính: Hiển thị cả vạch chứng C và vạch kết quả T.
    • Kết quả Âm tính: Chỉ xuất hiện vạch chứng C.
    • Kết quả không hợp lệ: Chỉ xuất hiện vạch kết quả T, cần thiết thực hiện lại xét nghiệm hoặc không xuất hiện vạch nào.

    Nhìn chung, để đảm bảo hiệu quả chính xác, tiết kiệm chi phí và tránh lãng phí test nhanh, bạn chỉ nên test sau khoảng 3-4 ngày sau khi phát hiện bản thân tiếp xúc người nhiễm bệnh, test lại sau 7 ngày kể từ lúc không may nhiễm bệnh. Trong trường hợp cả gia đình đều đang biểu hiện các triệu chứng bệnh hay đang theo dõi bệnh thì nên thực hiện test theo hình thức mẫu gộp cho cả nhà thay vì mỗi người một test để bảo vệ sức khỏe trước đại dịch covid-19.

    Tài liệu tham khảo:

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây