“Siêu biến thể” Omicron và chiến lược phòng vệ trong tình hình mới

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Tóm tắt

    Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về sự hình thành, biến đổi và phát triển các biến chủng SARS-CoV-2 đang đe dọa các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của hàng loạt quốc gia trên thế giới. Sở hữu 32/50 đột biến ở protein gai, siêu biến thể mới Omicron đang lan rộng và khiến cả thế giới lo lắng trong khi cuộc chiến dai dẳng với COVID-19 chưa có hồi kết. Mục đích của bài viết nhằm hệ thống lại đặc điểm các biến thể lo ngại của SARS-CoV-2, đặc biệt các giả thuyết về tiềm năng siêu lây nhiễm, nguyên nhân xuất hiện, cũng như những chiến lược phòng ngừa, điều trị trước biến chủng mới Omicron cũng được thảo luận. 

    Giới thiệu

    Bệnh coronavirus 2019 (COVID-19), gây ra bởi vi rút SARS-CoV-2, đã được WHO tuyên bố là đại dịch vào ngày 11/3/2020 [1]. Gần hai năm kể từ khi cơn ác mộng COVID-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán – Trung Quốc, chúng ta liên tiếp phải đối mặt với sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 mới. Sự khác biệt ở các biến thể so với chủng hoang dại thường thể hiện ở các khía cạnh: tính dễ lây (khả năng truyền bệnh), độc lực (khả năng gây bệnh), sự nhạy cảm với thuốc điều trị/vắc xin phòng ngừa (khả năng chịu đựng). Một số biến thể nhất định được nêu tên dưới đây là những biến thể được biết đến, quan tâm, lo lắng nhiều hơn các biến thể khác vì chúng gây ra hậu quả lớn dựa trên khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và phương pháp điều trị. Đặc biệt gần đây, cái tên Omicron, biến thể mới B.1.1.529, lần đầu được phát hiện qua thu thập mẫu xét nghiệm tại Nam Phi và được WHO chính thức ghi nhận và phân loại là “biến thể đáng lo ngại”.  Mặc dù hiện chưa có các bằng chứng khoa học cụ thể để khẳng định biến thể Omicron có nguy hiểm hơn so với các biến chủng trước đó hay không nhưng các cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cao hơn các thể cũ đến 500% đã được nêu ra. Cho đến nay ít nhất 23 quốc gia vùng lãnh thổ đã báo cáo các trường hợp ghi nhận nhiễm “siêu biến thể” này. Trước bối cảnh diễn biến đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, bài viết nhằm mô tả đặc điểm chính của các biến thể lo ngại của SARS-CoV-2, đặc biệt các giả thuyết về tiềm năng siêu lây nhiễm, nguyên nhân xuất hiện, cũng như những chiến lược phòng ngừa, điều trị trước biến chủng mới Omicron cũng được thảo luận.

    Các biến thể SARS-CoV-2

    Với khả năng dễ lây nhiễm và tồn tại lâu dài trong không khí thì việc ghi nhận ngày càng nhiều đột biến mới ở vi rút SARS-CoV-2 không phải là điều bất thường. Các đột biến phát sinh khi vi rút nhân lên sau khi lây nhiễm sang vật chủ là người. Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, chúng tiếp tục tạo ra các bản sao của vi rút để lây nhiễm sang nhiều tế bào hơn và cuối cùng là những người khác. Khi vật chất di truyền của vi rút được nhân lên nhanh chóng, các lỗi ngẫu nhiên trong DNA của chúng có thể xảy ra trong quá trình sao chép; chúng được gọi là đột biến. Bên cạnh một số đột biến có thể gây hại đến sự tồn tại của vi rút thì một số lại có thể tạo ra loại “virus mới” – hiện tượng này được gọi là một biến thể – có thể làm vi rút tăng độc lực, dễ lây nhiễm hơn. Tùy vào mức độ nguy hại của các chủng đột biến, WHO phân loại và đề nghị theo dõi gồm biến thể đáng lo ngại (variant of concern, VOC) và biến thể cần quan tâm (variant of interest, VOI) [2]. Cho đến nay, có đến 5 biến thể VOC của SARS-CoV-2 được báo cáo và bước đầu chứng minh là có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như trình bày ở Bảng 1. Trong đó, tất cả 5 biến thể VOC đều làm tăng khả năng lây nhiễm so với chủng gốc [2]. Trong đó, biến thể Delta có nguốn gốc từ Ấn Độ được cho là có khả năng lây nhiễm nhanh (gấp 1,5-2 lần so với biến thể Alpha có nguồn gốc từ Anh) [3] và khả năng tránh miễn dịch cao nhất (cùng với biến thể Beta) [4]. Đặc biệt, vào ngày 26/11/2021, WHO đã chỉ định chủng vi rút, được gọi là B.1.1.529, là một biến thể cần quan tâm và đặt tên là Omicron phát hiện đầu tiên tại Nam Phi. Mặc dù các thông tin khoa học về sự lây nhiễm và độc lực nguy hiểm của biến chủng mới này chưa được làm sáng tỏ nhưng biến chủng Omicron đã có mặt tại 5 châu lục với hơn 18 quốc gia [5].

    Bảng 1. Phân loại các biến thể SARS-CoV-2 [2]

    STT Biến thể Báo cáo đầu tiên Khả năng lây nhiễm Khả năng thoát (tránh) miễn dịch
    Huyết thanh của người khỏi  bệnh và vắc xin 4 thuốc

    kháng thể đơn

    dòng bamlanivimab, etesevimab, casirivimab và imdevimab

    Kết luận
    1 Alpha (B.1.1.7)

     

    Anh

    9/2020

    Khả năng sao chép cao hơn 43-90% so với chủng ban đầu Tác dụng sinh miễn dịch  bảo vệ cơ thể vẫn cao Tác dụng của 4 thuốc đều bị giảm Trung bình
    2 Beta (B.1.351)

     

    Nam Phi 5/2020 B.1.351 có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với các biến thể đã lưu hành trước đây ở Nam Phi Tác dụng sinh miễn dịch  bảo vệ cơ thể giảm mạnh Tác dụng của 2 thuốc (bamlanivimab và etesevimab)  giảm 215 lần và 2 thuốc còn lại  tác dụng vẫn giữ nguyên Cao
    3 Gamma (P.1) Brazil 11/2020 Truyền tải nhiều hơn 1,7 – 2,4 lần so với dạng ban đầu Tác dụng sinh miễn dịch  bảo vệ cơ thể bị giảm Tác dụng của 2 thuốc (bamlanivimab và etesevimab)  giảm hơn 46 lần và 2 thuốc casirivimab và imdevimab vẫn không đổi Trung bình
    4 Delta (B.1.617.2)

     

    Ấn Độ 10/2020 Sự gia tăng số lượng sinh sản hiệu quả so với biến thể Alpha (B.1.1.7) được ước tính là 55% Tác dụng sinh miễn dịch  bảo vệ cơ thể giảm Thuốc bamlanivimab mất hoạt tính bảo vệ, 3 thuốc còn lại giữ nguyên Cao
    5 Omicron (B.1.1.529) Nam Phi 11/2021 Nghi ngờ về khả năng lây nhiễm cao hơn Delta Có gợi ý về việc ảnh hưởng, cần các nghiên cứu tiếp theo Cần các nghiên cứu thêm Chưa có kết luận cụ thể

     

    Tại sao chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến biến chủng Omicron?

    Chúng ta đã chứng kiến và đang phải chống chọi với sự siêu lây nhiễm của biến thể Delta lần đầu tiên được xác định ở bang Maharashtra vào cuối năm 2020 và lan rộng khắp Ấn Độ, vượt qua các biến chủng trước đó như B.1.617. 1 (Kappa) và B.1.1.7 (Alpha). Dựa vào các mô hình dự đoán cho thấy các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới là do biến thể Delta chiếm khoảng 70% Châu Âu, khoảng 90% ở Châu Mỹ và Châu Á [6]. Các bằng chứng cho thấy biến thể Delta làm tăng khả năng lây truyền (tải lượng vi rút cao hơn và thời gian ủ bệnh dường như ngắn hơn), so với các chủng SARS-CoV-2 trước đó. Tải lượng vi rút ở các trường hợp nhiễm COVID-19 do biến thể Delta gây ra cao hơn và bệnh nhân có biểu hiện tổn thương phổi nghiêm trọng hơn so với các trường hợp nhiễm Alpha hoặc không phải VOC.

    So sánh với biến chủng nhiễm Delta đang phổ biến hiện nay, biến thể Omicron (B.1.1.529) đang gây lo ngại vì có chứa đến 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến được phát hiện tại protein gai (S), đặc biệt 15 đột biến tại vùng RBD (receptor binding domain – liên kết thụ thể), khu vực đặc biệt cho phép vi rút bám vào thụ thể tế bào (chủng Delta chỉ có 2 đột biến ở RBD) và vị trí furin có thể làm tăng khả năng lây lan (Hình 1) [2]. Trong vô số các đột biến mới trong hình, có thể thấy Omicron có 3 đột biến cũ của biến thể Nam Phi (Beta) là biến thể được ghi nhận rất đề kháng với kháng thể trung hoà [7]. Đặc biệt, giống như biến thể Delta, Omicron cũng mang một đột biến được gọi là D614G, có vẻ như giúp vi rút dễ dàng bám vào các tế bào và xúc tiến quá trình lây nhiễm nhanh hơn. Gai protein là bộ phận mà vi rút SARS-CoV-2 sử dụng để bám và xâm nhập vào tế bào thụ thể của cơ thể người. Do đó, nhiều đột biến tại vùng này có thể làm thay đổi khả năng lây nhiễm hay thay đổi tính chất gây bệnh hoặc né tránh các đáp ứng miễn dịch do tiêm chủng (vắc xin) hay mắc bệnh trước đó (người từng bị nhiễm trước đó), dẫn đến nguy cơ tăng khả năng đề kháng với các thuốc có tác dụng trong điều trị là điều cần điều tra.

    Mặc dù còn quá sớm để khẳng định rằng biến thể Omicron có nguy hiểm hơn so với các biến chủng trước đó hay không nhưng các cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cao hơn các thể cũ đến 500% đã được nêu ra. Cho đến nay ít nhất 23 quốc gia đã báo cáo các trường hợp ghi nhận nhiễm biến thể Omicron [8]. Tuy nhiên, các thông tin về sự lây nhiễm của biến chủng mới này như thời điểm lây nhiễm, thời gian có nguy cơ lây nhiễm ở trên cả người chưa, hay đã tiêm chủng hoặc từng mắc COVID-19 chưa được làm sáng tỏ. Thực tế cho thấy, biến thể Omicron đã tăng mức độ lây nhiễm, lây lan cho các trường hợp đã từng nhiễm bệnh COVID-19 gây tái nhiễm. Lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn của biến thể Omicron, nhiều nước trên thế giới đồng loạt áp dụng lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi cũng như tạm dừng nhập cảnh cho khách quốc tế nhằm hạn chế nguy cơ lây lan của Omicron.

    Hình 1. Omicron có nhiều đột biến trên protein gai gấp nhiều nhiều lần so với biến thể Delta, làm dấy lên lo ngại về việc liệu nó có thể tránh các loại vắc xin hiện có dễ dàng hơn hay không.

    Hiện chưa có báo cáo về các trường hợp tử vong do biến thể Omicron nhưng các triệu chứng lâm sàng điển hình tương tự ở người chẩn đoán bệnh COVID-19 cũng được mô tả như mệt mỏi toàn thân trong một hoặc hai ngày, đau đầu và có thể đau nhức toàn thân nhưng không bị mất khứu giác hoặc vị giác và không có sự sụt giảm nghiêm trọng về nồng độ oxy máu và không có hoặc rất hiếm bệnh nhân có diễn tiến lâm sàng nặng nề, có thể điều trị và chăm sóc tại nhà cho những bệnh nhân này. Theo WHO, các xét nghiệm PCR tiêu chuẩn vẫn được sử dụng để phát hiện những trường hợp nghi nhiễm biến thể Omicron, tuy nhiên đối với các xét nghiệm kháng nguyên nhanh, phát hiện các protein, phát hiện kháng thể thì cần các nghiên cứu, đánh giá xem còn đủ độ nhạy, đặc hiệu và chuyên biệt để phát hiện biến thể Omicron hay không. Do đó, việc tăng cường giám sát, triển khai phân tích trình tự gen để hiểu rõ hơn về những trường nghi nhiễm SARS-CoV-2 là hết sức cần thiết để báo cáo các trường hợp, ổ dịch, khu vực liên quan đến nhiễm Omicron cho WHO.

    Giả thuyết về sự xuất hiện biến thể mới

    Dễ nhận thấy WHO đã đặt tên các biển thể theo chữ cái Hy lạp hoặc ký tự Toán học thì theo Bảng 1 các loại biến thể có khả năng lây lan và khả năng thoát khỏi miễn dịch cao như Beta hoặc Omicron đều được ghi nhận đầu tiên tại Nam Phi. Các quốc gia thuộc khu vực này cũng là nơi có nhiều người mắc bệnh suy giảm miễn dịch nhất thế giới. Trước đó, các vi rút SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Châu Phi như biến chủng Delta được tìm thấy ở Nam Phi, Eta ở Nigeria và gần đây nhất là C.1.2 cũng từ Nam Phi. Một trong những nguyên nhân khiến Châu Phi phải đối mặt với tình hình bệnh dịch cao hơn so với phần còn lại của thế giới do tình trạng nghèo đói khiến hàng triệu người ở châu lục này ít có khả năng chống chọi với các bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, vi rút SARS-CoV-2 tồn tại trong vật chủ càng lâu, nó càng có khả năng đột biến. Trong khi tỷ lệ tiêm chủng cao hơn có thể làm giảm sự lây lan của dịch bệnh và trong hầu hết trường hợp, có thể ngăn các ca bệnh tiến triển nghiêm trọng và kéo dài. Điều này sẽ hạn chế nguy cơ hình thành đột biến mới. Hiện chỉ có chưa đến 17% của hơn 1,2 tỷ dân Châu Phi được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine COVID-19, so với mốc 40% mà WHO đặt mục tiêu trước đó. Bên cạnh việc thiếu, yếu về nhân lực, dịch vụ và hệ thống trang thiết bị, sự bất bình đẳng đáng lo ngại và sự chậm trễ nghiêm trọng phân phối vắc xin đến các khu vực có nguy cơ cao như châu Phi đã khiến các quốc gia nơi đây như Nam Phi, Botswana, Zimbabwe và Eswatini… thành nơi sinh sôi, xuất hiện các biến chủng mới như Omicron. Do đó, để tránh việc lây lan cũng như xuất hiện thêm nhiều biến thể ở các quốc gia khác nhau, cần có nhiều chương trình sáng kiến chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX kịp thời và sự hành động của các nước lớn nhằm chia sẻ và tăng tỷ lệ tiêm chủng đến các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, chung tay khống chế đại dịch toàn cầu này.

    Các chiến lược phòng vệ trong tình hình mới

    Mặc dù cho đến nay nước ta chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 liên quan đến biến thể Omicron nhưng các chỉ đạo và theo dõi của cơ quan chức năng trong việc thiết lập các kế hoạch ứng phó với biến chủng mới là vô cùng cấp thiết. Thứ nhất, tăng cường giám sát và xét nghiệm nhập cảnh, các khu cách ly và trong cộng đồng. Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên. Bên cạnh chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn cụ thể, cần tăng cường giám sát, điều tra dịch tễ nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19 mới, đặc biệt chủ động thực hiện giải trình tự các ca nghi nhiễm mới, kịp thời khoanh vùng, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm “siêu biến thể”. Thứ hai, như đã nói ở trên, cách quan trọng để ngăn chặn những biến thể hình thành trong tương lai là đạt miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng diện rộng. Khi mức độ lan truyền của vi rút giảm xuống, khả năng xảy ra đột biến và hình thành biến thể mới kháng vắc xin sẽ giảm [4]. Bên cạnh việc tăng cường ngoại giao vắc xin từ các nước chưa có nhu cầu, việc thúc đẩy công nghệ sản xuất vắc xin trong nước, duyệt khẩn cấp các vắc xin đã có dữ liệu về độ an toàn là những chiến lược mà Chính phủ và cơ quan y tế đang nỗ lực. Song song với việc tìm nguồn cung ứng vắc xin, việc đồng bộ chiến lược triển khai và đẩy nhanh công tác tiêm chủng đại trà, ưu tiên các đối tượng nguy cơ cao và đảm bảo tiêm chủng an toàn theo phương châm “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất” như là kim chỉ nam trong cuộc chiến này. Thứ ba, tăng cường hệ thống y tế, chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi tình huống ca bệnh tăng cao, trong đó có ca bệnh mang biến chủng Omicron. Điều này thể hiện rõ ở các đợt dịch trước, với các biện pháp rõ ràng như điều trị phân tầng để chăm sóc toàn diện các bệnh nhân COVID-19, ban hành “hướng dẫn điều trị F0 tại nhà”, “hướng dẫn xử lý F0 tại cơ sở sản xuất” nhằm giảm gánh nặng cho hệ thống y tế. Cuối cùng, đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch như khuyến cáo người dân tuân thủ thông điệp 5K để thực hiện phòng chống dịch: giữ khoảng cách, đeo khẩu trang đúng cách, không tụ tập đông người, khử khuẩn ở nhà và nơi làm việc, khai báo y tế trung thực chuẩn xác khi có dấu hiệu bệnh. Bên cạnh việc công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gene các ca bệnh COVID-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới.

    Cùng với các chiến lược phòng vệ từ xa, vắc xin là công cụ quan trọng hàng đầu giúp kiểm soát đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các vắc xin hiện nay, kể cả Pfizer và Moderna vẫn có thể kiềm hãm biến thể Delta, đặc biệt giảm khả năng tử vong và tiến triển bệnh nặng nhưng khả năng rất cao là hiệu quả của vắc xin với chủng Omicron sẽ bị giảm vì các đột biến tại vị trí protein gai, đặc biệt là vùng RBD quá nhiều và vùng RBD chính là các vị trí mà vaccine được thiết kế ban đầu hướng tới. Thế nên, bất chấp những điều không chắc chắn, vẫn hợp lý khi giả định rằng các loại vắc xin hiện có vẫn là biện pháp bảo vệ chống lại tiến triển nặng và tử vong của các bệnh nhân nhiễm biến thể [2] Như giả thuyết về việc xuất hiện biến thể mới sau khi nhiễm ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, thế nên, chúng ta càng cần bảo vệ người cao tuổi, người bị bệnh nền và suy giảm miễn dịch tốt hơn, đó cũng là bảo vệ cho xã hội nói chung. Cách đơn giản nhất là hãy ưu tiên vắc xin có tính an toàn và hiệu quả cho các đối tượng trên. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất vắc xin đang bắt đầu phát triển việc nghiên cứu, đánh giá hiệu quả vắc xin cũ và sản xuất vắc xin cho biến chủng mới, nhưng đó là một quy trình tốn thời gian, cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm để chắc chắn về hiệu quả và an toàn của vắc xin trên biến chủng mới [5].

    Các báo cáo gần đây cho thấy hiệu quả của việc tiêm chủng vắc xin giảm dần theo thời gian, đặc biệt là ở người từ 65 tuổi trở lên và hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm hay bệnh nhẹ kèm triệu chứng cũng giảm, do đó việc nhanh chóng triển khai tiêm chủng liều bổ sung và tăng cường là nhu cầu cấp thiết [9]. Nhà sản xuất vắc xin Pfizer (Mỹ) đã đưa ra dữ liệu cho thấy tiêm liều vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech thứ 3 giúp tăng mức bảo vệ trước biến thể Delta gấp 5 lần ở người 18-55 tuổi sau khi được tiêm nhắc lại [10]. Trong khi đó, ở người 65 – 85 tuổi, mức độ kháng thể sau khi tiêm liều vắc xin thứ 3 tăng gấp 11 lần so với sau khi tiêm liều thứ 2 [11]. Theo một nghiên cứu mới được công bố trên trang web Medrxiv.org, khả năng miễn dịch trước vi rút SARS-CoV-2 sẽ tăng lên đáng kể nếu như tiêm mũi thứ 3 vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinovac (Trung Quốc) cách mũi thứ 2 từ 6 tháng trở lên [12]. Nghiên cứu trên cũng phù hợp với các nghiên cứu gần đây đối với vắc xin ngừa COVID-19 do hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) điều chế. Vào tháng 6/2021, các nhà nghiên cứu Anh đã công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng trên tình nguyện viên cho thấy tiêm liều thứ 3 vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford có thể giúp tăng nồng độ kháng thể trong cơ thể tình nguyện viên [13]. Đây được xem là dấu hiệu tích cực cho thấy liều thứ 3 vắc xin AstraZeneca sẽ mang lại mức bảo vệ đáng kể nếu hiệu quả của hai liều đầu tiên giảm dần theo thời gian. Trước sự suy giảm kháng thể theo thời gian và sự xuất hiện của các biến thể mới, hiện nay có nhiều nước đã và đang tiến hành triển khai tiêm mũi 3 cho các đối tượng trên 18 tuổi như Canada, Mỹ, Brazil, Anh, các nước Châu Âu, và nhiều nước ở Châu Á bao gồm Việt Nam [14].

    Từ khi việc khan hiếm vắc xin và sự thiếu hụt nguồn cung xảy ra thì việc triển khai tiêm trộn các loại vắc xin với tính hiệu quả và an toàn tương đương đang là chiến lược của nhiều quốc gia. Thực ra, khái niệm tiêm trộn vắc xin không phải là điều gì mới, trước đây đã được sử dụng cho nhiều bệnh như cúm, Ebola. Điều này nhằm mục đích tăng hiệu quả bảo vệ và hợp lý hóa việc sử dụng các loại vắc xin hiện có. Trộn hai loại vắc xin khác nhau cũng có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài so với phác đồ vắc xin đơn lẻ. Một nghiên cứu tổng hợp cho thấy khả năng sinh miễn dịch mạnh mẽ và khả năng sinh phản ứng sau tiêm có thể chấp nhận được khi sử dụng mũi 1 là Astrazaneca và mũi 2 là Corminaty (Pfizer) ở những người tham gia nghiên cứu. Một lợi ích bổ sung của khả năng miễn dịch tế bào T mạnh hơn cũng được quan sát thấy. Tiêm trộn là một chiến lược hợp lý và khả thi để chống lại COVID-19, nhất là ở Việt Nam, khi nguồn cung vắc xin còn hạn chế và dễ biến động. Cần các nghiên cứu sâu hơn được đảm bảo để xác nhận các lợi ích và xác định sự kết hợp, liều lượng và khoảng thời gian giữa hai liều để mang lại hiệu quả bảo vệ tốt nhất [15].

    Các chiến lược điều trị

    Chiến lược điều trị tại nhà gồm 3 túi thuốc điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng và có thời gian trước nhập viện giúp giảm gánh nặng lên các trung tâm y tế. Gói thuốc A: thuốc thông dụng gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng (bao gồm Paracetamol 500mg và các loại vitamin, dùng trong 7 ngày). Gói thuốc B: thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt (tình trạng khó thở, hụt hơi, đo SpO2 dưới 95%, gồm Dexamethasone 0.5mg /Methylpresnisolone 16mg /Prednisolone 5mg và Rivaroxaban 10 mg/ Apixaban 2,5 mg, dùng nhiều nhất 5 ngày kèm chỉ định bác sĩ khi tư vấn). Gói thuốc C: thuốc kháng vi rút sử dụng theo Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế (Molnupiravir viên 200mg/ 400mg, uống nhiều nhất 5 ngày) [16].

    Về các thuốc y học cổ truyền sử dụng phòng ngừa và giảm nhẹ COVID-19, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều chế phẩm có nguồn gốc thực vật có tiềm năng đáng ngạc nhiên trong việc giảm thiểu vi rút nhờ vào hoạt chất sinh học có trong mình. Một nghiên cứu tổng hợp chỉ ra việc sử dụng Colchicine ở giai đoạn mới nhiễm hoặc kết hợp với corticosteroid như một liệu pháp kết hợp giúp giảm nguy cơ nhập viện và cấp cứu ở bệnh nhân COVID-19 nặng [17]. Bên cạnh đó, có 3 loại thuốc thảo dược Trung Quốc (Lianhua Qingwen, Toujie Quwen và Shufeng Jiedu) đều cho kết quả tốt trên việc điều trị và giảm thiểu tiến triển bệnh nặng trên bệnh nhân tham gia thử nghiệm [17]. Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã nhận ra tiềm năng của việc này, đã cấp phép duyệt cho phép thử nghiệm lâm sàng thuốc Vipdervir, một thuốc nguồn gốc hoàn toàn từ dược liệu tại Việt Nam. Thuốc được đánh giá có khả năng ngăn cản sự bám dính của vi rút với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của vi rút vào trong tế bào chủ đã cho kết quả tốt trên thử nghiệm lâm sàng trên động vật và cần thêm thời gian để xem xét hiệu quả và an toàn trên bệnh nhân mắc COVID-19 để đưa vào sử dụng trong thời gian dịch bệnh đặc biệt này. [18]

    Chiến lược cuối cùng là điều trị các ca bệnh nghiêm trọng. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân có những phác đồ điều trị khác nhau đang được áp dụng như Remdesivir dùng cho trường hợp có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ trung bình và Molnupiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ. Hiện nay, corticosteroid và thuốc chẹn thụ thể IL6 (Tocilizumab) vẫn có hiệu quả để hỗ trợ bệnh nhân bị COVID-19 nặng kể cả nhiễm các siêu biến chủng. Hội đồng chuyên gia của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ ngày 30/11/2021 đã thông qua khuyến nghị sử dụng thuốc điều trị COVID-19 của hãng dược phẩm Merck (Mỹ) dành cho các bệnh nhân cao tuổi hoặc có lý do dịch tễ dẫn tới nguy cơ bệnh trở nặng [18] và sẽ xem xét thêm hiệu quả trên biến thể Omicron để đưa ra kết luận sớm nhất.

    Kết luận

    Trong khi chờ đợi có thêm thông tin về Omicron, chúng ta nên có cách tiếp cận thận trọng và thực hiện các hạn chế thích hợp để kiểm soát sự lây lan của biến thể này. Một khi các thông tin khoa học về biến thể này được am hiểu đầy đủ, chúng ta “bình thản” hướng tới sống chung với Omicron, như những chiến lược chúng ta đang áp dụng với Delta nói riêng cũng như với COVID-19 nói chung.

    DANH MỤC VIẾT TẮT

    COVID-19: Coronavirus disease 2019
    SARS-CoV-2: Severe acute respiratory syndrome coronavirus 2
    WHO: World Health Organization

    RBD: receptor binding domain

    COVAX: COVID-19 Vaccines Global Access

    FDA: US Food and Drug Administration

    HIV/AIDS: human immunodeficiency virus infection / acquired immunodeficiency syndrome

    SpO2: Saturation of peripheral oxygen 

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Vo VG, Bagyinszky E, Park YS, Hulme J, An SSA. SARS-CoV-2 (COVID-19): Beginning to Understand a New Virus. Adv Exp Med Biol. 2021;1321:3-19.
    2. https://www.who.int/en/activities/tracking-SARS-CoV-2-variants/
    3. Neil M Ferguson, MRC Centre for Global Infectious Disease Analaysis, I.C.L. B.1.617.2 transmission in England: risk factors and transmission advantage. PrePrint 2021.
    4. Davis, A.C.; Logan, N.; Tyson, G.; Orton, R.; Harvey, W.; Perkins, J.; Genomics, T.C.-; Consortium, U.K.C.; Thomas, P. Reduced neutralisation of the Delta (B.1.617.2) SARS-CoV-2 variant of concern following vaccination. medRxiv 2021.
    5. https://www.who.int/news/item/28-11-2021-update-on-omicron
    6. https://www.statista.com/statistics/1245971/number-delta-variant-worldwide-by-country/
    7. https://www.who.int/news/item/26-11-2021-classification-of-omicron-(b.1.1.529)-sars-cov-2-variant-of-concern?fbclid=IwAR3QzoHoBzWDhJIqfJdUNBihHXsjEyIGquvvbl8Sd4OS3 p-2m9FGkR5yvGU
    8. https://www.aa.com.tr/en/health/at-least-23-countries-have-reported-cases-of-omicron-variant-who-chief/2436165)
    9. CDC VN. Các mũi tiêm nhắc vắc-xin COVID-19. 2021.
    10. https://www.nbcnews.com/health/health-news/third-pfizer-dose-covid-19-vaccine-maker-studying-booster-shots-n1258775
    11. https://abc7chicago.com/pfizer-booster-shot-3rd-dose-covid-vaccine-vaccines-coronavirus/10914062/
    12. https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.09.02.21261735v1
    13. https://www.nytimes.com/2021/06/28/world/astrazeneca-vaccine-booster-shot.html
    14. https://www.washingtonpost.com/world/2021/11/12/coronavirus-vaccine-boosters-global/
    15. Chiu NC, Chi H, Tu YK, Huang YN, Tai YL, Weng SL, et al. To mix or not to mix? A rapid systematic review of heterologous prime-boost covid-19 vaccination. Expert Rev Vaccines. 2021;20(10):1211-20
    16. https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/tai-lieu-truyen-thong/huong-dan-goi-cham-soc-suc-khoe-tai-nha-cho-nguoi-f0-phien-ban-15- 060c25a4d4bdb3f9fd6d80f93d96f9c .html
    17. Alam S, Sarker M, Afrin S, Richi F, Zhao C, Zhou J et al. Traditional Herbal Medicines, Bioactive Metabolites, and Plant Products Against COVID-19: Update on Clinical Trials and Mechanism of Actions. Frontiers in Pharmacology. 2021;12.
    18. http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Nghien-cuu-thuoc-uc-che-SARSCoV2-tu-thao-duoc/441834.vgp
    19. FDA Briefing Document Antimicrobial Drugs Advisory Committee Meeting November 30, 2021. 2021.

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây