Tình trạng kỳ thị người từng nhiễm COVID-19 và từng thực hiện cách ly tập trung

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Từ khóa: Sự kỳ thị, COVID-19, Kỳ thị người từng nhiễm COVID-19, Kỳ thị người từng cách ly tập trung.

    Tóm tắt: Tình trạng kỳ thị người từng nhiễm COVID-19 và người từng cách ly tập trung đang tồn tại và trở thành một vấn đề khó giải quyết. Điều này khiến nhiều người tránh tìm đến sự chăm sóc y tế và thực hiện các hành vi giữ gìn sức khỏe, gây cản trở quá trình quản lý và làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bài viết tìm hiểu về những hành vi thể hiện sự kỳ thị, nguyên nhân lớn nhất gây nên và cách giải quyết tối ưu là nâng cao nhận thức cá nhân.

    ĐẶT VẤN ĐỀ

    “Em bị đả kích rất nhiều từ dư luận… đặc biệt từ xóm làng… Vì chúng em đi bê cỗ mà đưa dịch bệnh về cho làng xóm. Giờ em có giải thích như thế nào chắc cũng không thể được. Chắc khi khỏi bệnh về, em sẽ chỉ rúc ở trong nhà” – T chia sẻ với truyền thông. [1]

    “Tất cả mọi người, anh em xa lánh, thậm chí kỳ thị, nói rất nhiều điều khó nghe. Mọi người gọi điện trách móc rằng vô ý thức thế này thế kia. Chúng tôi không biết nói gì hơn là xin lỗi mọi người”, bà Yên chia sẻ. [1]

    Cảm thấy xấu hổ về bản thân và trải qua hành vi tự lên án hoặc sợ hãi dai dẳng khi tiếp xúc với người thân và bạn bè [2] là nỗi lòng của một số người không may nhiễm COVID-19. Họ bị hàng xóm, cư dân mạng, thậm chí người thân chỉ trích.

    Ngoài ra, những người bị nghi ngờ nhiễm COVID-19, hoàn thành cách ly và trở về từ nước ngoài cũng trải qua nhiều hình thức kỳ thị như cô lập xã ​​hội, định kiến và bị xúc phạm. [1] [3]

    Nhiều nghiên cứu cho thấy kỳ thị có thể dẫn đến một loạt các hậu quả như căng thẳng tâm lý, phân biệt đối xử, bạo lực và tệ nhất là tự tử. Nỗi sợ bị kỳ thị có thể khiến người có khả năng có COVID-19 do dự trong việc đi điều trị hoặc sàng lọc, xét nghiệm và cách ly. Điều này dẫn đến rào cản đối với việc kiểm soát và phòng ngừa COVID-19. [2] [4]


    Hình 1
    : Kỳ thị và phân biệt đối xử ai đó là nguy cơ cho tất cả mọi người [5]

    Như vậy, kỳ thị nói chung hay kỳ thị người từng nhiễm COVID-19 và người từng cách ly tập trung nói riêng đã trở thành một thách thức đối với sức khỏe cộng đồng, ngay cả sau khi các đợt bùng phát đã được kiểm soát. [2] [6]

    NHỮNG HÀNH VI THỂ HIỆN SỰ KỲ THỊ

    Kỳ thị là thái độ không tán thành hoặc tiêu cực đối với những người có đặc điểm hoặc bệnh tật nhất định giúp phân biệt những người này với các thành viên khác của xã hội [2]. Trong đại dịch COVID-19 ở nước ta, vấn đề kỳ thị sức khỏe được thể hiện khá rõ ràng. Cụ thể, nhiều người có thái độ và hành vi xa lánh với những người từng nhiễm COVID cũng như người thuộc diện sau cách ly tập trung. Có thể kể đến các hành vi như sau [7]:

    • Tránh né hoặc từ chối giao tiếp, tiếp xúc;
    • Từ chối cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở hoặc việc làm;
    • Các hành vi bạo hành thể xác;
    • Sử dụng từ ngữ mang tính kỳ thị.

    Bảng 1: Những điều NÊN và KHÔNG NÊN làm trong việc sử dụng ngôn từ khi nói về COVID-19 [8]

    YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ KỲ THỊ CỦA CÁ NHÂN

    Sợ hãi là phản ứng tự nhiên trước những điều chưa biết hay những điều đe dọa đến tính mạng để đảm bảo sự an toàn cho bản thân. Không may, virus Corona mang đến nỗi sợ liên quan tới cả hai vấn đề này.

    COVID-19 là căn bệnh mới, diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng và chúng ta chưa có biện pháp kiểm soát hoàn toàn nó. Hiện nay, vaccine là biện pháp hàng đầu trong phòng chống dịch nhưng vẫn chưa thực sự giải quyết hoàn toàn nguy cơ. Ngoài ra, biết được nguy cơ tử vong và thậm chí là trải nghiệm nỗi đau mất người thân góp phần củng cố nỗi sợ.

    Bên cạnh đó, nỗi sợ nhiễm COVID-19 thường trực đôi khi khiến chúng ta nghĩ rằng những người từng nhiễm bệnh và người từng cách ly tập trung là “nguồn lây nhiễm biết đi”. Đối với họ, kỳ thị là cách để tránh và tạo khoảng cách với cá nhân hay nhóm có nguy cơ “lây nhiễm” như một biện pháp tối ưu để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi nhiễm bệnh. [9]

    Những khó khăn và cảm xúc khó chịu mà COVID-19 mang lại không dễ dàng chấp nhận dẫn đến chúng ta sợ hãi và thậm chí là tức giận. Việc bày tỏ cảm xúc ấy lên một số đối tượng cụ thể sẽ dễ dàng hơn là đối với virus. Cách này giúp họ tạm thời trấn an. Điều này tương tự trường hợp khi một đứa trẻ té ngã, người lớn có xu hướng trách móc hoặc đánh đập đồ vật làm trẻ ngã. Trẻ sẽ dễ chấp nhận điều đó là lỗi của đồ vật (thực thể, có thể nhìn thấy) hơn là thừa nhận sự bất cẩn của bản thân (không có thực thể, không thể nhìn thấy).

    Tuy nhiên, việc lạm dụng biện pháp này sẽ không tốt. Như tình huống trên, đứa trẻ cần biết sự bất cẩn mới là nguyên nhân thực sự. Cũng như vậy, chúng ta cần hiểu kỳ thị chỉ là cách tạm thời, nỗi sợ hãi và sự nguy hiểm của COVID-19 mới là nguyên nhân.

    Để giảm ảnh hưởng của nỗi sợ hãi, bạn cần thường xuyên quan tâm và chăm sóc sức khỏe tinh thần như thực hành thư giãn, luyện tập thể dục, giữ chế độ ăn uống lành mạnh và quan trọng nhất là đối mặt với nỗi sợ của mình.

    NÂNG CAO NHẬN THỨC CÁ NHÂN ĐỂ TRÁNH SỰ KỲ THỊ

    Nỗi sợ truyền nhiễm là cơ chế bẩm sinh để bảo vệ bạn khỏi sự lây lan và tránh nguy cơ tử vong. Nhưng những suy nghĩ, phán đoán chưa đúng về COVID-19 lại khiến bạn trở nên hoang mang, lo lắng. Đây chính là một trong những lý do gây nên sự kỳ thị.

    Do vậy, để “sợ cho đúng”, “sợ cho hợp lý” trong tình hình hiện nay, ta cần:

    1. Cập nhập kiến thức về con đường lây nhiễm, điều trị, khả năng tái nhiễm bệnh

    Hiện nay, khi đại dịch đã bước sang năm thứ 2, lượng thông tin về lây nhiễm, điều trị, khả năng tái nhiễm bệnh cũng dần đầy đủ và đúng đắn hơn. Do đó, việc trang bị cho bản thân những kiến thức đúng về COVID-19 sẽ góp phần giảm nhẹ nỗi sợ hãi về những hậu quả mà dịch bệnh đem lại.

    Dưới đây là một số nhận thức đúng và chưa đúng về mức độ truyền nhiễm mà mọi người có thể lưu ý:

    Bảng 2: Nhận thức ĐÚNG và CHƯA ĐÚNG về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 [10] [11] [5]

    1. Lựa chọn thông tin để tiếp thu, tránh phát tán thông tin sai lệch gây nên sự kỳ thị

    Nhu cầu thông tin trong giai đoạn dịch bệnh là vô cùng lớn. Mọi người mong muốn có thật nhiều thông tin về COVID-19 [12]. Nắm được nhu cầu này, nhiều trang mạng xã hội, trang báo đã “truy sát” danh tính của những người bị bệnh. Thậm chí có những cá nhân còn tung tin thất thiệt, nhiều trường hợp bệnh nhân bị cộng đồng mạng săn lùng, suy diễn, công kích để thu hút sự quan tâm của mọi người [1]. Điều này ảnh hưởng đến quyền riêng tư và ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe của họ [1] [12]

    Bạn có thể lựa chọn tiếp thu những thông tin chính thống để tránh gây hoang mang dẫn tới các hành vi kỳ thị. Một số nguồn thông tin giúp tìm hiểu đúng tình hình dịch bệnh mà bạn có thể tham khảo:

    • Các trang web chính phủ có đuôi gov.vn;
    • Các kênh truyền thông đại chúng phổ biến, đáng tin cậy như TV, báo chính thống…;
    • Các trang web, thông tin chính thức từ Bộ Y tế, WHO, UNICEF.

    Bên cạnh việc chọn lựa nguồn thông tin tiếp thu, bạn cũng cần tránh phát tán các thông tin sai lệch, đặc biệt là trên mạng xã hội. Trước khi tham gia bình luận, chia sẻ một thông tin về dịch bệnh, bạn cần kiểm chứng chúng trên các trang chính thức để tránh việc lan tỏa các tin đồn dẫn đến tâm lý kỳ thị. Với những thông tin chưa được kiểm chứng, dù nhìn qua thì nó có vẻ đúng, bạn cũng không nên vội chia sẻ ngay mà nên chờ đợi để có thông tin chính xác. [13]

    1. Hiểu được rằng mỗi người trong chúng ta đều có vai trò trong việc ngăn chặn sự kỳ thị

    Kỳ thị trong đại dịch COVID-19 không phải là vấn đề của riêng ai. Vì vậy, mỗi người đều có trách nhiệm ngăn chặn sự kỳ thị theo cách riêng của mình. Dưới đây là một số mẹo mà bạn có thể tham khảo [8]:

    • Chia sẻ sự thật và các thông tin chính xác về bệnh dịch;
    • Bài trừ những chuyện hoang đường và định kiến;
    • Cẩn trọng khi sử dụng ngôn từ;
    • Chia sẻ những bài viết hay câu chuyện đầy cảm thông và giàu tính nhân văn về trải nghiệm và cuộc chiến với bệnh dịch của các cá nhân hoặc tập thể bị ảnh hưởng bởi COVID-19;
    • Tham gia các chiến dịch truyền thông đấu tranh với vấn đề kỳ thị xã hội.

    TẠM KẾT

    Kỳ thị không đáng trách vì nó là bản năng để bảo vệ chúng ta tránh nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, nó sẽ trở nên quá mức khi đối tượng không chỉ là bệnh mà trở thành tất cả, đặc biệt là người đã hồi phục sau bệnh hay người trở về từ khu cách ly. Sự kỳ thị làm tổn thương họ bằng cách tạo thêm sự sợ hãi hoặc gia tăng cảm giác có lỗi. Điều này khiến họ phải chịu thêm đau khổ dù đã thoát khỏi sự dày vò của bệnh tật.

    Nếu người thân quen của bạn sợ cách ly và chữa bệnh, bạn có thể giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cũng giống như sức khỏe thể chất, họ cũng cần chăm sóc sức khỏe tinh thần và bất kỳ hình thức bất công nào cũng chỉ cản trở sự hồi phục. Họ cần được bình tĩnh, cần được hỗ trợ. Một vài lời tích cực lúc này có thể làm nên điều kỳ diệu.

    Mỗi người trong chúng ta đều có vai trò trong việc ngăn chặn kỳ thị. Hãy nhớ rằng, virus là kẻ thù chứ không phải người mắc phải nó. Chỉ khi bạn hành động một cách có trách nhiệm, chúng ta mới có thể đánh bại virus.


    Hình 2:
    Duy trì sự kết nối giữa người được chẩn đoán mắc COVID-19 với những người thân yêu của họ có thể giúp bảo vệ sức khỏe tinh thần cho họ [14]

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    [1] B. T. Sự, “Tâm lý kỳ thị bệnh nhân COVID-19 kìm hãm hiệu quả phòng dịch,” VTV NEWS, 16 May 2021. [Online]. Available: https://vtv.vn/xa-hoi/tam-ly-ky-thi-benh-nhan-covid-19-kim-ham-hieu-qua-phong-dich-20210516173224801.htm.
    [2] Yuan Yuan, Yan-Jie Zhao, Qing-E Zhang, Ling Zhang, Teris Cheung, Todd Jackson, Guo-Qing Jiang, and Yu-Tao Xiang, “COVID-19-related stigma and its sociodemographic correlates: a comparative study,” PMC, 7 May 2021. [Online]. Available: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8103123/.
    [3] Dickson Adom, Jephtar Adu Mensah, “The Psychological Distress and Mental Health Disorders from COVID-19 Stigmatization in Ghana,” SSRN, 13 May 2020. [Online]. Available: https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3599756.
    [4] Md. Nazmul Huda , Rubana Islam, Mohammed Owais Qureshi, Sunitha Pillai, Syeda Zakia Hossain, “Rumour and social stigma as barriers to the prevention of coronavirus disease (COVID-19): What solutions to consider?,” Global Biosecurity, 15 Sep 2020. [Online]. Available: https://jglobalbiosecurity.com/articles/10.31646/gbio.78/.
    [5] WHO, “Loại bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong xã hội,” WHO, 8 Sep 2020. [Online]. Available: https://www.who.int/vietnam/vi/emergencies/covid-19-in-vietnam/information/social-stigma.
    [6] Anh Kim Dang, MD, MPH; Xuan Thi Thanh Le, MD, PhD; Huong Thi Le, MD, PhD; Bach Xuan Tran, PhD; Toan Thi Thanh Do, MD, PhD; Hanh Thi Bich Phan, MD, MSc; Thao Thanh Nguyen, MD, MSc; Quan Thi Pham, MD, MSc, Nhung Thi Kim Ta, MD, Quynh Thi Nguyen, MD; , “Evidence of COVID-19 Impacts on Occupations During the First Vietnamese National Lockdown,” NCBI, 3 Sep 2020. [Online]. Available: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7473180/.
    [7] CDC, “Reducing Stigma,” CDC, 22 July 2021. [Online]. Available: https://www.cdc.gov/mentalhealth/stress-coping/reduce-stigma/index.html.
    [8] IFRC, UNICEF, WHO, “WHO,” 15 Mar 2020. [Online]. Available: https://www.who.int/publications/m/item/a-guide-to-preventing-and-addressing-social-stigma-associated-with-covid-19.
    [9] Divya Bhanot, Tushar Singh, Sunil K. Verma, and Shivantika Sharad, “Stigma and Discrimination During COVID-19 Pandemic,” NCBI, 12 Jan 2021. [Online]. Available: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7874150/.
    [10] B. Y. Tế, “Nguy cơ lây lan virus của trường hợp tái nhiễm COVID-19 ở Hà Nội ra sao?,” Bộ Y Tế, 7 Sep 2021. [Online]. Available: https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/sang-7-9-so-y-te-ha-noi-cong-bo-truong-hop-ong-n-t-p-53-tuoi-o-phuong-nghia-o-cau-giay-mac-covid-19-.
    [11] CDC, “Tổng Quan về Xét Nghiệm COVID-19,” CDC, 2 Aug 2021. [Online]. Available: https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/symptoms-testing/testing.html.
    [12] Huong Thi Le, Diep Ngoc Nguyen, Ahmed Sam Beydoun, Xuan Thi Thanh Le, Thao Thanh Nguyen, Quan Thi Pham, Nhung Thi Kim Ta, Quynh Thi Nguyen, Anh Ngoc Nguyen, Men Thi Hoang, Linh Gia Vu, Bach Xuan Tran, Carl A. Latkin, Cyrus S.H. Ho, Roger C.M. Ho , “Demand for Health Information on COVID-19 among Vietnamese,” MDPI, 18 Jun 2020. [Online]. Available: https://www.mdpi.com/1660-4601/17/12/4377.
    [13] UNICEF, “COVID-19 & stigma: How to prevent and address social stigma in your community,” UNICEF, [Online]. Available: https://www.unicef.org/sudan/covid-19-stigma-how-prevent-and-address-social-stigma-your-community.
    [14] WHO, “COVID-19 và sức khỏe tâm thần,” WHO, [Online]. Available: https://www.who.int/vietnam/vi/emergencies/covid-19-in-vietnam/information/mental-health.

     

     

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây