Chiến lược chống dịch sử dụng mô hình Phô-mai Thụy Sỹ cho Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam sau ngày 30/9/2021

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Hội chứng suy hô hấp cấp tính nghiêm trọng do virus SARS-CoV-2, có tên gọi chính thức là COVID-19, được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019 và ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam vào ngày 24/01/2020. Do sự lây lan nhanh chóng của virus trên toàn cầu, vào ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization-WHO) đã tuyên bố gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu [1]. Đến nay, số ca nhiễm COVID-19 lên tới hơn 219.000.000 và tử vong hơn 4.500.000 ca; trong đó, Việt Nam ghi nhận có hơn 500.000 ca nhiễm và hơn 12.000 ca tử vong (được cập nhật vào ngày 05/9/2021) [2, 3]. Sự xuất hiện của biến thể Delta với hệ số lây lan R ước tính 6 – 8 tức một F0 có thể lây lan cho trung bình 6 đến 8 người thay vì 2 người như chủng ban đầu đã làm đảo lộn mọi kế hoạch mở cửa nền kinh tế của các nước trên thế giới.

    Kể từ khi đợt dịch thứ 4 (từ 27/4/2021) bùng phát đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) trải qua bốn đợt giãn cách ở các cấp độ khác nhau, đều với mục tiêu kiểm soát cho bằng được dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, TP.HCM và Chính phủ cũng nhận thấy rằng không thể thực hiện giãn cách, phong toả hay “ngăn sông cấm chợ” giữa các tỉnh/thành mãi được vì nó sẽ làm đứt gãy chuỗi sản xuất, nhất là chuỗi cung ứng toàn cầu đến mức không thể phục hồi được. Vậy nếu mở cửa nền kinh tế từ ngày 30/9 thì TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung cần thực hiện chiến lược nào để vừa đảm bảo hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong mà vẫn đảm bảo sự phục hồi của nền kinh tế?

    Một mô hình hiện nay được rất nhiều nước đề cập trong việc chống đại dịch COVID-19 là mô hình “Phô-mai Thuỵ Sĩ” (Hình 1) trong đó kết hợp các biện pháp/lớp liên quan tới cá nhân và tới cộng đồng. Không có một lớp nào là hoàn hảo, mỗi lớp đều có lỗ hổng và khi các lỗ thẳng hàng, nguy cơ mắc sẽ tăng lên. Khi kết hợp nhiều lớp để che đi lỗ hổng của từng lớp, như giữ khoảng cách và ở nhà khi bệnh, cộng với khẩu trang, cộng với rửa tay, cộng với hạn chế sờ lên mặt, cộng với hạn chế tiếp xúc nơi công cộng, cộng với kiểm tra và truy tìm người mắc, cộng với cách ly người nhiễm khỏi cộng đồng, cộng với hệ thống thông gió, cộng với thông tin từ chính phủ sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ tổng thể. Và tiêm phòng sẽ tạo thêm một lớp bảo vệ cuối cùng. Điều này tương tự như việc chúng ta đeo cùng lúc nhiều khẩu trang hoặc đeo khẩu trang kết hợp với mặt nạ chắn giọt bắn để tăng độ an toàn thay vì chỉ đeo một khẩu trang.

    Hình 1: Mô hình “Phô-mai Thuỵ Sĩ” trong phòng chống COVID-19 với tập hợp các lớp bảo vệ cá nhân và bảo vệ cộng đồng [4]

    Một trong những nước thành công trong việc áp dụng mô hình “phô-mai Thụy Sỹ” là New Zealand [5]. Trong đó, theo chiều từ “lớp phô-mai” đầu tiên đến “lớp phô-mai” cuối cùng, các lớp phía sau sẽ có ít lỗ hơn, tức được kiểm soát nghiêm ngặt hơn những lớp phía trước. Những lớp đầu tiên trong mô hình “phô-mai Thụy Sỹ” được New Zealand xây dựng bao gồm kiểm soát biên giới, giữ khoảng cách, rửa tay, khử khuẩn. Tiếp theo đó, “khối phô-mai” này được gia cố bằng những lớp ít lỗ phía sau bao gồm cách ly, kiểm soát di chuyển, truy vết, xét nghiệm. Tính đến ngày 13/10/2021, số ca nhiễm của New Zealand chưa đến 5.000 và số ca tử vong chỉ vỏn vẹn hai chữ số (28 ca). Mặc dù mô hình này được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tuy nhiên New Zealand là nước vận dụng thành công nhất vì các biện pháp bảo vệ của nước này được thực hiện đồng loạt trên toàn quốc. Điều này cho thấy việc thực hiện các biện pháp một cách đồng bộ sẽ góp phần giảm thiểu và thu nhỏ các lỗ ở từng “lớp phô-mai” giúp mô hình “phô-mai Thụy Sỹ” phát huy tối đa hiệu quả và những hành vi thiếu ý thức của những cá nhân thiếu trách nhiệm trong cộng đồng có thể làm hỏng bất cứ lớp nào trong “khối phô-mai”. Vấn đề thiếu ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng của nhiều cá nhân cũng là một trong những nguyên nhân làm dịch bệnh ở TP.HCM trở nên phức tạp hơn trong thời gian trước.

    Trong “khối phô-mai”, các lớp bảo vệ cá nhân là những lớp đầu tiên, cũng là những lớp quan trọng nhất vì khi và chỉ khi mỗi cá nhân được an toàn thì xã hội mới an toàn. Do đó, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đóng góp rất nhiều vào sự vững chắc của những “lớp phô-mai” đầu tiên này. Đơn cử là lớp bảo vệ khẩu trang, một nghiên cứu xem xét việc giảm sự lây truyền thứ cấp của SARS-CoV-2 trong các hộ gia đình ở Bắc Kinh chỉ ra rằng việc đeo khẩu trang có hiệu quả đến 79% trong việc ngăn ngừa lây truyền bệnh nếu tất cả thành viên trong gia đình đều đeo khẩu trang trước khi các triệu chứng xảy ra, bất kể đó là khẩu trang N95, khẩu trang phẫu thuật dùng một lần hay khẩu trang vải thông thường [6]. Khẩu trang được đeo mọi lúc, chỉ trừ những lúc ăn uống và khi ngủ. Đồng thời, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng việc khử khuẩn hằng ngày trong hộ gia đình bằng các chất khử khuẩn có chứa clo hoặc cồn ethanol có hiệu quả đến 77% trong việc ngăn ngừa lây truyền bệnh. Khi mỗi cá nhân có ý thức tuân thủ, việc đeo khẩu trang kết hợp khử khuẩn thường xuyên thật sự có hiệu quả cao trong việc giảm lây truyền bệnh, không chỉ là với tác nhân SARS-CoV-2, mà còn có thể hiệu quả cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Mặt khác, phép ẩn dụ “lớp phô-mai” rất phù hợp với thực tế, khi những lỗ hổng ở mỗi lát cắt có thể thay đổi về số lượng, kích thước và vị trí, tùy thuộc vào cách ứng xử của mỗi cá nhân hoặc cộng đồng. Ví dụ, khẩu trang đã được chứng minh có khả năng ngăn ngừa hiệu quả việc lây truyền bệnh nhưng khi và chỉ khi nó được sử dụng đúng cách: đeo vừa vặn, che cả mũi và miệng, đủ dày để có thể cản được các giọt bắn. Đồng thời, khẩu trang sau khi sử dụng phải được vứt bỏ đúng cách, vệ sinh tay sau mỗi lần chạm vào khẩu trang vì đây chính là nơi mang mầm bệnh. Nếu không tuân thủ đúng các quy tắc an toàn, sẽ khiến các lỗ hổng trên “lớp phô-mai” to hơn và “lớp phô-mai” sẽ dần mất đi tác dụng bảo vệ mong muốn [4]. Và đó mới chỉ là ví dụ của một lớp.

    Một khi có phô-mai thì ắt hẳn sẽ có chuột. Con chuột “thông tin sai lệch” có thể gặm thủng bất kỳ lớp nào trong số đó. Những người không chắc chắn về một biện pháp nào đó có thể bị lung lay bởi tin đồn từ những người tự tin tuyên bố rằng một lớp cụ thể nào đó không hiệu quả. Cụ thể, những thông tin không chính thống và không có căn cứ khoa học được lan truyền từ một bộ phận những người “phản đối vaccine” đã gây ra sự do dự tham gia tiêm chủng trong cộng đồng, làm suy yếu tiến độ phân bổ và tiêm chủng vaccine, gây ra mối đe dọa hàng đầu cho sức khỏe toàn cầu trước đại dịch. Thông thường, những người tung tin đồn này không phải là một chuyên gia về chủ đề họ tuyên bố. Cần hướng dẫn người dân tìm đến các chuyên gia – thường là các cơ quan y tế cộng đồng ở địa phương hoặc Tổ chức Y tế Thế giới để tìm thấy thông tin đáng tin cậy. Điều này càng khẳng định rõ vai trò của chính phủ trong việc ban hành những thông tin hướng dẫn chính xác và kịp thời, như những “chiếc bẫy chuột” hiệu quả, giúp loại bỏ những con chuột “thông tin sai lệch” và bảo vệ thành quả là “khối phô-mai”.

    Một biện pháp có thể không tuyệt đối để loại bỏ rủi ro cho chúng ta và những người xung quanh. Nhưng cần nhớ rằng tất cả chúng ta đều là thành viên của một xã hội và nếu mỗi người chúng ta làm đúng và đủ trách nhiệm của mình, chúng ta có thể giữ cho nhau an toàn hơn, điều này cũng giúp cộng đồng an toàn hơn. Nếu tất cả chúng ta cùng tuân thủ tốt các biện pháp an toàn thì chúng ta sẽ giúp bản thân nói riêng và xã hội nói chung giảm số ca tử vong vì COVID-19.

    Hiện nay, TP.HCM đã cơ bản xây dựng các lớp bảo vệ trong mô hình “phô-mai Thụy Sỹ” bao gồm thông điệp “5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế), giãn cách xã hội, kiểm soát đi lại, cách ly, truy vết và tiêm chủng. Theo đó, để dần mở cửa nền kinh tế, TP.HCM không thể ngay lập tức rút bớt các biện pháp/lớp bảo vệ này mà thay vào đó chỉ nới lỏng tới mức cho phép, tức có thể sử dụng các lớp có “lỗ hổng” lớn hơn thay vì bỏ luôn lớp đó. Bên cạnh đó, thứ tự thay thế nên bắt đầu từ những lớp phía sau, tức những lớp có mức kiên cố cao dần đến những lớp liền trước có mức kiên cố thấp hơn. Chẳng hạn, TP.HCM có thể nới lỏng việc kiểm soát đi lại ở thời điểm hiện tại nhưng quy định đeo khẩu trang khi ra ngoài vẫn phải được tuân thủ chặt chẽ, người dân khi tham gia lưu thông phải nghiêm túc khai báo đầy đủ và trung thực lịch trình di chuyển qua các ứng dụng được cấp phép và xuất trình các giấy tờ cần thiết. Điều này không chỉ giúp cơ quan quản lý có thể dễ dàng kiểm soát và truy vết khi cần, mà còn giúp đảm bảo an toàn cho mỗi người dân khi từng bước quay lại cuộc sống trước giãn cách. Đặc biệt, ở lớp bảo vệ cuối cùng TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tối thiểu một mũi cho tất cả người dân trên 18 tuổi và xem xét mở rộng độ tuổi xuống 12 tuổi, đồng thời đảm bảo mũi thứ hai cho những người tuyến đầu trong hệ thống y tế (y bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhân viên các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khoẻ…), người lớn tuổi, người có bệnh nền, nhân lực trực tiếp vận hành chuỗi sản xuất, nhất là chuỗi cung ứng toàn cầu,… Theo số liệu báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính từ đợt tiêm chủng đầu tiên (8/3/2021) cho đến ngày 28/9/2021, toàn thành phố đã vượt mốc tiêm 10 triệu liều vaccine COVID-19, có 13/21 địa phương tiêm phủ 100% mũi 1 cho người trên 18 tuổi, các quận huyện còn lại cũng đạt tỷ lệ hơn 90%. Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân TP.HCM, đến ngày 30/9/2021, thành phố sẽ hoàn thành 100% tiêm vaccine mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên, đồng thời tiêm nhắc mũi 2 cho những người tiêm mũi 1 đã đủ thời gian. Đây được xem là một nỗ lực lớn của thành phố trong việc tìm kiếm nguồn vaccine cũng như là thành quả của chiến dịch tiêm chủng “thần tốc” trong thời gian qua [7].

    Ngoài ra, để hạn chế và kiểm soát tập trung đông người ở các nơi công cộng thì cần có một số biện pháp/lớp phòng ngừa bổ sung như chỉ cho phép sử dụng tối đa 30 – 50% số chỗ ngồi; khuyến khích các hoạt động diễn ra ngoài trời; mở tối đa cửa thông gió trên các phương tiện công cộng [8]; sử dụng hệ thống đèn UV-C (222nm) kèm cảm biến chuyển động để chiếu UV-C khử khuẩn khi không có người hoặc một ngày một lần, nhất là ở nhà trẻ, trường học, bệnh viện, nhà ga, sân bay [9]; sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện người mắc COVID-19 thay cho hệ thống giám sát nhiệt độ, nhất là ở bệnh viện, nhà ga, sân bay do nhiều người nhiễm hay tái nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng điển hình [10, 11].

    Hình 2: Chó nghiệp vụ phát hiện người mắc COVID-19 thay cho hệ thống giám sát nhiệt độ [10, 11].

    Những biện pháp này hoàn toàn không mới nhưng cần được kết hợp đồng thời chứ không tuần tự và ở quy mô lớn, thậm chí ở quy mô quốc gia chứ không đơn thuần ở một tỉnh/thành nào. Hiện nay, nguồn nhân lực và vật lực về y tế của quốc gia đang được điều động để hỗ trợ cho TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Như vậy, nếu không kiểm soát tốt dịch ở các tỉnh/thành còn lại thì khi có dịch trên diện rộng thì các nơi này sẽ thiếu hụt nhân lực và vật lực cho hệ thống y tế địa phương. Dựa trên “bài học” từ TP.HCM, các tỉnh/thành cần học tập có điều chỉnh các biện pháp để sẵn sàng đối phó khi dịch lan rộng như đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng theo mức độ ưu tiên, chuẩn bị sẵn hệ thống giường chăm sóc đặc biệt, nguồn cung cấp oxy, gói thuốc cho F0 điều trị tại nhà, đào tạo cấp tốc đội ngũ lấy mẫu-xét nghiệm,… càng sớm càng tốt theo tiêu chí thừa còn hơn thiếu.

    Ở cấp độ quốc gia, Chính phủ cần quán triệt tư tưởng cho mọi người dân rằng “không ai an toàn cho tới khi cả nước an toàn” [12]. Vậy nên, hãy chung tay chuẩn bị các biện pháp/lớp bảo vệ ở quy mô quốc gia để con virus này “chạy lờ, mắc đó” thì khi đó chúng ta mới hy vọng chiến thắng được dịch và chung sống có kiểm soát với virus được.

    Tài liệu tham khảo:

    [1]      W. H. Organization. WHO Director-General’s opening remarks at the media briefing on COVID-19 (2020).

    [2]      W. H. Organization. COVID-19 in Vietnam (2021).

    [3]      COVID-19 CORONAVIRUS PANDEMIC (2021).

    [4]      https://www.nytimes.com/2020/12/05/health/coronavirus-swiss-cheese-infection-mackay.html

    [5]      https://www.auckland.ac.nz/en/news/2020/10/22/covid-19-and-the-swiss-cheese-system.html

    [6]      Wang Y, Tian H, Zhang L, et alReduction of secondary transmission of SARS-CoV-2 in households by face mask use, disinfection and social distancing: a cohort study in Beijing, ChinaBMJ Global Health 2020;5:e002794.

    [7]      https://www.sggp.org.vn/tphcm-vuot-moc-tiem-10-trieu-lieu-vaccine-covid19-thanh-qua-cua-chien-dich-tiem-chung-than-toc-765103.html

    [8]      Naohide Shinohara, Jun Sakaguchi, Hoon Kim, Naoki Kagi, Koichi Tatsu, Hiroyuki Mano, Yuichi Iwasaki, Wataru Naito Survey of air exchange rates and evaluation of airborne infection risk of COVID-19 on commuter trains. Environment International. 157, 106774 (2021).

    [9]      Olcay A, Albayrak SB, Aktürk IF, Akbülbül MC, Yolay O, İkitimur H, Bayer MC. A new Far-UVC based method for germ free hospitals and travel: Initus-V. MedRxiv (2021).

    [10]      Angeletti, S, Travaglino, F, Spoto, S, et al. COVID-19 sniffer dog experimental training: Which protocol and which implications for reliable sidentification? J Med Virol. 93: 5924-5930 (2021).

    [11]    Grandjean D, Sarkis R, Lecoq-Julien C, Benard A, Roger V, Levesque E, Bernes-Luciani E, Maestracci B, Morvan P, Gully E, Berceau-Falancourt D, Haufstater P, Herin G, Cabrera J, Muzzin Q, Gallet C, Bacqué H, Broc JM, Thomas L, Lichaa A, Moujaes G, Saliba M, Kuhn A, Galey M, Berthail B, Lapeyre L, Capelli A, Renault S, Bachir K, Kovinger A, Comas E, Stainmesse A, Etienne E, Voeltzel S, Mansouri S, Berceau-Falancourt M, Dami A, Charlet L, Ruau E, Issa M, Grenet C, Billy C, Tourtier JP, Desquilbet L. Can the detection dog alert on COVID-19 positive persons by sniffing axillary sweat samples? A proof-of-concept study. PLoS One.15,12 (2020)

    [12]      https://www.theguardian.com/world/2021/jan/31/jeremy-farrar-until-we-are-all-safe-no-one-is-safe-covid-is-a-global-problem

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây