Xin lỗi ba mẹ, nhưng đó là cách sống của con!

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Đôi mắt Nguyễn Công Minh, chàng sinh viên năm cuối ngành Dược (Khoa Y ĐHQG-HCM) thoáng chút trầm ngâm nhưng ẩn chứa đằng sau cảm xúc xáo trộn ấy là chút gì đó rất tự hào khi nói về hành trình hơn 30 ngày sát cánh cùng bạn bè, thầy cô chống dịch Covid-19.

    Xuất phát điểm khác biệt

    Từ khi đại dịch bùng phát tại TP.HCM, cũng như nhiều sinh viên trường bạn, Công Minh cùng các thầy cô, bạn bè tại Khoa Y đã hăng hái đăng ký tham gia ngay khi khoa phát động chiến dịch hỗ trợ thành phố. Mỗi người một cảm xúc, mỗi người một hoàn cảnh, thế nhưng có lẽ Công Minh có một khởi điểm hơi khác so các bạn của mình.

    Mong ước trở thành một bác sĩ chữa bệnh cứu người nhưng vì một số lý do mà Minh rẽ hướng sang học ngành Dược. Và trong khi các bạn của mình khá suôn sẻ khi xin phép gia đình để tham gia tuyến đầu chống dịch thì nỗi lo lắng tột độ của cha mẹ khiến Minh buộc phải giấu gia đình đang ở quê nhà. Minh âm thầm chịu đựng cuộc chiến đang giằng xé trong thâm tâm lại vừa phải đối mặt với cuộc chiến đúng nghĩa – đối đầu với giặc Covid-19 vô hình. Thế nhưng đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội, là dấu ấn trong sự nghiệp của Minh.

    Hành trình của những trái tim ngành y

    Trước đây, khi dịch chưa bùng phát, những sinh viên như Minh đi học từ thứ 2 đến thứ 6 nhưng khi bước vào chiến dịch, mọi định nghĩa về thời gian đều không còn. Minh phải dậy sớm mỗi ngày, tự kiểm tra, sắp xếp dụng cụ rồi theo xe đến nơi làm việc đến tối mịt. Mỗi ngày làm việc của Minh đều bắt đầu lúc 6 giờ sáng, với công việc chính là lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng. Điểm lấy mẫu có khi là đoạn phong tỏa, vùng cách ly, có khi là khu công nghiệp, nhà xưởng, khu chung cư tại địa bàn TP. Thủ Đức với vài chục ngàn mẫu mỗi ngày. Hành trang của Minh là đồng đội, là lời dặn dò của chỉ huy trưởng, là đồ “tác chiến” gồm kính chống giọt bắn, găng tay, đồ bảo hộ, dụng cụ lấy mẫu, giấy tờ, sổ sách,…

    Minh tâm sự: “Tham gia vào guồng quay này, trong đầu em không có khái niệm thời gian là gì nữa. Vì có khi em đi từ sáng sớm đến 6 giờ sáng hôm sau em mới về tới nhà. Hôm nào sớm thì cũng quá nửa đêm. Mặc đồ bảo hộ cả ngày kín mít thật sự rất nóng, tới mức chừng 5 phút thôi là quần áo ướt sũng và để đảm bảo nguyên tắc an toàn, chúng em không dám sử dụng cả quạt máy vì sợ phát tán các giọt bắn. Cố gắng chịu đựng thì cũng quen thôi. Cứ nghĩ đến những người bệnh bị nhiễm Covid-19 họ cũng mệt mỏi, khó chịu, nhiều gia đình khốn cùng, kiệt quệ thì một chút khó khăn của mình có đáng là bao. Thậm chí em càng thêm trân trọng khoảng thời gian này vì đã cho em có cảm giác như một nhân viên y tế thực thụ”.

    Theo lời kể của Minh, sinh viên Khoa Y ĐHQG-HCM đều mong muốn được xông pha đến tuyến đầu chống dịch, ai cũng khát khao cống hiến sức lực của bản thân, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều bạn năm cuối sắp phải nộp đề tài tốt nghiệp vẫn nhiệt tình đăng ký. Bên cạnh đội hình lấy mẫu, các bạn của Minh trong đội hình sinh viên tình nguyện Khoa Y ngày đêm hỗ trợ thành phố các công tác khác như: tiêm phòng vaccine, trực chốt kiểm soát Chợ đầu mối Tam Bình, nhập liệu quản lý ca bệnh tại KTX ĐHQG-HCM,…

    “Lần đầu tiên nghe nhiệm vụ, em rất lo vì không biết mình có làm tốt được không nhưng sau khi được thầy cô tập huấn kỹ càng, được các bạn ngành Y hướng dẫn tận tình cộng thêm sự cố gắng, bây giờ những công việc này em thực hiện khá thuần thục từ việc mặc và cởi đồ bảo hộ ra sao cho an toàn, hướng dẫn người dân thả lỏng cơ mặt, đút tăm bông sao cho tránh chạm các vách ngăn để họ không cảm giác đau”, Minh chia sẻ.

    Ngôi nhà thứ hai

    Ở Sài Gòn để đi học, Minh ở trọ cùng nhiều người bạn khác. Nhưng từ ngày tham gia chống dịch, Minh dọn hẳn lên Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức để sinh hoạt vì lo sợ rủi ro lây nhiễm cho những người xung quanh.

    Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, Minh sẽ tốt nghiệp. Sau một ngày làm việc vất vả, khi mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ là lúc Minh mở laptop, viết luận văn. Mệt, vất vả, thiếu ngủ,… nhưng trái tim của Minh luôn tràn đầy nhuệ khí. Minh kể, có nhiều điều mà cậu đã học được bên ngoài thực địa, có những cảm xúc khi mà ở trong cuộc mới cảm nhận rõ và trân quý hơn những việc đã làm.

    Minh nói: “Lấy mẫu xuyên trưa, hay nửa đêm tập hợp đội hình đi lấy mẫu là bình thường. Chúng em cứ như lực lượng cơ động, điện thoại reo là xách đồ chạy ngay. Thật sự mệt thì rất mệt, thế nhưng bù lại, chúng em lại có niềm vui làm động lực đó là sự quan tâm chăm lo của ban chỉ huy, sự yêu thương của người dân, có cô chú còn cho tụi em nước, sữa, cà phê, hỏi han, chỉ bấy nhiêu đó thôi tụi em cũng cảm thấy ấm lòng. Nếu hỏi tụi em đi chống dịch có sợ không. Đúng là sợ chứ! Sợ mình không đủ kỹ năng, sợ mình trở thành nguồn lây, sợ gia đình lo lắng. Nhưng trên hết, chúng em là những nhân viên y tế tương lai, không mình thì ai?”

    Điều ý nghĩa nhất!

    Sinh nhật Minh năm nay trùng vào đợt chống dịch. Ngày đặc biệt này, cậu phải đi lấy mẫu trên khắp địa bàn TP.Thủ Đức. Cuối ngày, trở về trung tâm, các anh chị đã chuẩn bị sẵn bánh kem, nến khiến Minh vô cùng xúc động. Trên trang cá nhân, Minh đã chia sẻ cảm xúc vỡ òa này. Giờ đây, Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức đã trở thành mái nhà thứ hai. Và những việc Minh làm không chỉ cho bản thân Minh nữa mà đó chính là sứ mệnh của người đã trót gánh trên vai cái nghiệp cứu người.

    “Con biết, ba mẹ nào mà không thương con, mà không lo lắng cho con mình. Nhưng mơ ước từ nhỏ của con là có thể cứu người. Hiện tại điều con có thể khiến ba mẹ tự hào là “cách sống” của con. Biết bao người dân, bao y bác sĩ đã và đang quên mình để đem lại sự bình yên cho mọi người. Là một cán bộ y tế tương lai, tham gia tình nguyện chống dịch là việc con đã quyết định, là con đường con đang đi! Con sẽ tuân thủ mọi biện pháp an toàn khi làm nhiệm vụ! Ba mẹ yên tâm nhé! Đây là món quà mà con muốn dành tặng cho ba mẹ nhân ngày ba mẹ sinh con ra đời!”, Công Minh trải lòng.

    Giấu gia đình tham gia chống dịch, nhưng những “lời thú tội ngọt ngào” của Minh với ba mẹ chắc chắn sẽ khiến những bậc sinh thành không khỏi hãnh diện và tin tưởng bởi con trai mình đã trưởng thành và sẵn sàng để trở thành những cán bộ y tế tương lai.

    Công Minh (nón vàng) đang hỗ trợ nhập liệu.

    Công Minh và các tình nguyện viên phân loại mẫu sau khi hoàn tất công tác lấy mẫu tại Khu chế xuất Linh Trung.

     

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây