Vaccine COVID-19 và tâm lý do dự của người dân trên thế giới khi tiêm chủng

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Đặt vấn đề

    Sự bùng phát nghiêm trọng với tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh hô hấp cấp tính do chủng coronavirus mới (CoV) gây ra vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc đã khiến cả thế giới phải lâm vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho bệnh lý này là bệnh coronavirus 2019 (viết tắt là COVID-19) và tuyên bố đây là một đại dịch toàn cầu vào ngày 30/01/2020. Căn bệnh này đã lây lan sang hơn 200 quốc gia với hơn 202 triệu ca mắc, hơn 4,2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới (tính đến ngày 8/7/2021 theo Worldometer) và những con số này đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Cuộc sống bình thường đã bị gián đoạn do các đợt phong tỏa, cách ly, các chỉ thị đề ra nhằm để đối phó với đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống y tế và nền kinh tế toàn cầu. Coronavirus đại diện cho một mối đe dọa liên tục cũng như trong tương lai đối với sức khỏe con người vì khả năng phát tán ở diện rộng, tỷ lệ lây lan rất cao với tiềm năng tái tổ hợp bộ gen, đa dạng di truyền và có sự tương tác cao với người và động vật. Hội nghị lần thứ 75 về sức khoẻ thế giới được tổ chức vào tháng 5/2020 đã ban hành một nghị quyết công nhận vai trò của tiêm chủng vaccine mở rộng như là một mục tiêu của y tế cộng đồng toàn cầu, nhằm phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Thế giới tính đến nay đã có 125 loại vaccine đang được phát triển và trong số đó đã có 18 loại vaccine ngăn ngừa COVID-19 được công nhận bởi ít nhất một quốc gia hay một vùng lãnh thổ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự lo ngại về tính an toàn của các vaccine chính là một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự do dự trong cộng đồng, khiến tỷ lệ tiêm chủng không đạt như yêu cầu. Chính điều này đang dần trở thành một trở ngại trong tiến trình chống lại đại dịch.

    Tình hình phát triển, thử nghiệm vaccine trên thế giới

    Vì COVID-19 là một cuộc khủng hoảng đang diễn ra với quy mô toàn cầu nên cuộc thảo luận về vaccine cũng mang tính toàn cầu. Đại dịch đã cho thấy đây là vấn đề chung của thế giới, không phải của riêng bất kỳ quốc gia nào, do đó tiêm chủng đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Nếu một quốc gia không thể đạt một mức độ tiêm chủng nhất định cho dân số của mình thì quốc gia đó có nguy cơ lây nhiễm và đột biến virus cao; do đó, đất nước khó có thể trở lại vai trò của mình trong nền kinh tế toàn cầu và cần có sự hợp tác toàn cầu để đánh bại căn bệnh này một cách triệt để. Vì vậy, các tác động kinh tế của đại dịch và sự phát triển của vaccine là những vấn đề nổi cộm hiện nay.

    Sự tập trung của nghiên cứu phát triển vaccine ở các châu lục không giống nhau có thể do liên quan đến năng lực nghiên cứu khoa học, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ nhiễm và số ca tử vong do COVID-19 gây ra ở các quốc gia. Trong số tất cả 428 thử nghiệm lâm sàng trên thế giới, 162 thử nghiệm lâm sàng và 82 sản phẩm vaccine đã được nghiên cứu hoặc phát triển ở châu Á, chiếm một tỷ lệ lớn (38% và 44%) của tất cả các thử nghiệm và sản phẩm. Các châu lục có nhiều thử nghiệm và sản phẩm đứng thứ hai và thứ ba là châu Âu và Bắc Mỹ, với 103 (24%) và 87 (20%) đang thử nghiệm và 53 (29%) và 58 (31%) đang phát triển vaccine. Đáng chú ý là nền tảng công nghệ được sử dụng trên vaccine COVID-19 rất phong phú và có thể được phân thành 11 loại. Trong số tất cả các thử nghiệm vaccine, nền tảng công nghệ phổ biến nhất (theo thứ tự tần số giảm dần) là vaccine protein tiểu đơn vị (Protein subunit – PS), vaccine mRNA, vaccine vectơ virus dạng không sao chép (Viral vector non-replicating – VVNR), vaccine virus bất hoạt (Inactivated virus – IV), vaccine DNA, vaccine hạt giống virus (Virus-like particle – VLP), vaccine vectơ virus dạng sao chép (Viral vector replicating – VVR), vaccine vectơ virus dạng sao chép kết hợp với tế bào trình diện kháng nguyên (Viral vector replicating combined with antigen presenting cell – VVR+APC), vaccine virus sống giảm độc lực (Live attenuated virus – LAV), vaccine tế bào tua (Dendritic cell vaccine – DCV) và vaccine dựa trên tế bào T (T cell-based vaccine – TCV). Một số vaccine COVID-19 được phê duyệt trên thế giới được trình bày tóm tắt trong Bảng 1.

    Bảng 1. Tổng quan về vaccine COVID-19 trên toàn thế giới
    * Vaccine có dấu hoa thị được phê duyệt có điều kiện ở Trung Quốc và những vaccine khác chỉ được chấp thuận cho phép sử dụng khẩn cấp.

    Theo quan điểm của quy trình nghiên cứu và phát triển, các loại vaccine bao gồm vaccine dựa trên tế bào T, vaccine virus sống giảm độc lực, vaccine tế bào tua và vaccine vectơ virus dạng sao chép kết hợp với tế bào trình diện kháng nguyên, vẫn còn trong giai đoạn đầu, ít sản phẩm được thiết kế cho từng loại và chưa có sản phẩm nào được xác nhận là có đủ độ an toàn cho đến nay. Mặc dù không có hiệu quả được xác nhận rõ ràng, vaccine vectơ virus dạng sao chép, vaccine hạt giống virus và vaccine DNA có nhiều sản phẩm hơn và một phần của các sản phẩm liên quan đã bước vào giai đoạn xác nhận hiệu quả. Thật đáng mừng là đã có hai vaccine mRNA, hai vaccine protein tiểu đơn vị, bốn vaccine vectơ virus dạng không sao chép và bảy vaccine virus bất hoạt được phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Trong số đó, Gam-COVID-Vac Lyo (Sputnik V) là vaccine đầu tiên được phê duyệt trong khi BNT162b2 (Pfizer), hiện được 84 quốc gia ủy quyền, là vaccine được cấp phép rộng rãi nhất. Trong số các sản phẩm mới nhất được phê duyệt, có vaccine vectơ virus dạng không sao chép với một liều sử dụng và một vaccine protein tiểu đơn vị với ba liều sử dụng. Đối với các vaccine chưa được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp phần lớn đều chưa có đầy đủ các minh chứng về tính an toàn và hiệu quả. Tính an toàn và hiệu quả của ba loại vaccine virus bất hoạt (Cronavac, QAZCOVID-IN và KCONVAC), hai vaccine vectơ virus dạng không sao chép (Ad5-nCoV và Ad26.COV2.S) và hai vaccine protein tiểu đơn vị (EpiVacCorona và ZF2001) vẫn chưa được xác nhận trên các thử nghiệm. Nhìn chung, so với tiêu chí thành công thống kê và mục tiêu hiệu quả 50% được đặt ra cho thử nghiệm vaccine có đối chứng với giả dược của FDA, hiệu quả của bảy loại vaccine với các thử nghiệm được báo cáo đều có thể chấp nhận được, nằm trong khoảng từ 51% đến 95%. Ngoài ra, các tác dụng phụ nghiêm trọng và cần có sự hỗ trợ của y tế của các loại vaccine này xảy ra ở mức độ thấp (dưới 0,5%).

    Trong năm qua, đã có những bước đột phá lớn trong cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch bệnh. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh chóng đã làm dấy lên những lo ngại tiềm tàng của công chúng về tính an toàn và hiệu quả của các loại vaccine đang được phát triển và sử dụng. Mặc dù các bằng chứng khẳng định hiệu quả đã được tìm thấy trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III nhưng cần chú ý hơn đến việc thu thập dữ liệu thực tế để xác định tính an toàn và hiệu quả lâu dài của các sản phẩm vaccine này. Cho đến nay, chỉ có vaccine BNT162b2 có dữ liệu thực tế đánh giá hiệu quả trong cơ sở tiêm chủng đại trà trên toàn quốc ở Israel.

    Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng điểm cuối chính (the primary endpoint) của các thử nghiệm nghiên cứu và phát triển các loại vaccine là không nhất quán, mặc dù các thử nghiệm đều dựa trên hướng dẫn quy định từ FDA. Điểm cuối chính là kết quả chính được đo vào cuối một nghiên cứu để xem liệu một phương pháp điều trị nhất định có hiệu quả hay không (ví dụ: số ca tử vong hoặc sự khác biệt về khả năng sống sót giữa nhóm điều trị và nhóm chứng) và là mục tiêu trong các thử nghiệm nghiên cứu lâm sàng. Nó trả lời cho câu hỏi quan trọng nhất trong các thử nghiệm. Điểm cuối chính chia thành 3 nhóm: nhóm đánh giá dựa trên tỷ lệ thành công; nhóm đánh giá dựa trên tỷ lệ thất bại (ví dụ đối với nghiên cứu vaccine là kết quả dương tính, biểu hiện triệu chứng bệnh và tử vong,…); nhóm đánh giá dựa trên các mục đo lường (ví dụ như các tác dụng phụ, hiệu quả của vaccine, độ an toàn,…). Một ví dụ làm rõ hơn quan điểm về tính không nhất quán của điểm cuối chính dựa trên tỷ lệ thất bại trong các thử nghiệm vaccine là trường hợp có kết quả dương tính trong xét nghiệm COVID-19 của vaccine Gam-COVID-Vac Lyo và BNT162b2 (bao gồm cả trường hợp người bị nhiễm có triệu chứng, người bị nhiễm không triệu chứng), trong khi đối với AZD-1222 (Astra Zeneca), mRNA-1273 và COVAXIN là trường hợp biểu hiện 1 hoặc 2 triệu chứng đặc trưng của bệnh. Điều này cho thấy, sự thành công cơ bản của vaccine là khả năng tăng cường miễn dịch của cơ thể đối với virus Sar-Cov2 trên bất kỳ đối tượng nào nhằm giảm tỷ lệ mắc phải, tỷ lệ bệnh nặng cũng như tỷ lệ tử vong.

    Chính vì vậy, một loại vaccine lý tưởng sẽ bao gồm 3 yếu tố quan trọng là độ an toàn, độ hiệu quả và chi phí hợp lý. Trong đó, nó phải có khả năng đáp ứng miễn dịch tốt, có thể tạo ra kháng thể trung hòa kéo dài và có độ ổn định nhiệt cao, để có tính khả thi trong việc bảo quản và vận chuyển toàn cầu. Theo các báo cáo gần đây, vaccine protein tiểu đơn vị tạo ra hiệu quả kháng thể trung hòa cao hơn và khả năng bảo vệ hoàn thiện hơn so với vaccine dựa trên axit nucleic bao gồm DNA hoặc mRNA. Những lợi thế tiềm năng của vaccine mRNA bao gồm khả năng bắt chước sự lây nhiễm tự nhiên để kích thích phản ứng miễn dịch mạnh hơn cũng như khả năng kết hợp nhiều mRNA vào một vaccine duy nhất. Một ưu điểm của vaccine dựa trên công nghệ nucleic acid bao gồm DNA hoặc mRNA là các vaccine này có thể có hiệu quả ngay cả trên chủng virus đột biến, điều này giải thích tại sao đây là một trong những vaccine COVID-19 đầu tiên được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, vaccine mRNA cũng có những vấn đề riêng như: mặc dù chúng đã được phê duyệt và đã qua sử dụng, vaccine dựa trên mRNA tương đối khó bảo quản và phân phối vì nó đòi hỏi phải được bảo quản ở nhiệt độ thấp, điều này không thể dễ dàng thực hiện được với ngân sách hạn chế.

    Tình hình phát triển và thử nghiệm vaccine ở Việt Nam

    Tính đến ngày 21/9/2021, có 5 loại vaccine phòng COVID-19 đang được nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam, trong đó 2 loại vaccine do chính Việt Nam nghiên cứu phát triển (Nano Covax và Covivac), 2 loại vaccine khác được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài (Vaccine VBC-COV19-154 và Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein) và 1 loại được gia công đóng ống tại Việt Nam (Vaccine COVID-19 Sputnik V).

    Nano Covax

    Nano Covax do các nhà khoa học của Công ty Nanogen và Học viện Quân y nghiên cứu, phát triển với 2 liều sử dụng cách nhau 28 ngày. Vaccine Nano Covax là loại vaccine tiểu đơn vị (sử dụng protein gai tái tổ hợp của SARS-CoV-2 kết hợp với tá dược là các hạt nhôm) được sản xuất dựa trên công nghệ tái tổ hợp, tức là sử dụng những kháng nguyên – protein gai của nCoV để kích thích tạo đáp ứng miễn dịch phù hợp.  Hiện tại, Nano Covax đã thử nghiệm giai đoạn 3 và được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xác nhận đạt yêu cầu về tính an toàn và tính sinh miễn dịch. Với những kết quả khả quan về hiệu quả, hy vọng Nano Covax sẽ hoàn tất nghiên cứu về tính sinh miễn dịch trên các biến chủng mới, để được cấp giấy phép lưu hành và có thể cung ứng cho cộng đồng cho thời gian sắp tới.

    Vaccine COVIVAC

    Vaccine COVIVAC cũng dựa trên protein S tái tổ hợp của virus SARS-CoV-2 biểu hiện trên bề mặt virus Newscastle bất hoạt. Công nghệ vaccine COVIVAC là viral vector, được sản xuất trên trứng gà có phôi, độ tinh khiết đạt 99%. Dự án nghiên cứu thử nghiệm vaccine COVIVAC của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5/2020, trên cơ sở hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế sản xuất. Trong đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị nhận thử nghiệm, Trường Đại học Y Hà Nội là đơn vị triển khai thử nghiệm. Vào ngày 3/8/2021, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia chứng nhận vaccine COVIVAC an toàn và có tính sinh miễn dịch, đủ điều kiện để chuyển sang giai đoạn 2.

    Vaccine Sputnik V

    Vào ngày 21/7/2021, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) thông báo Việt Nam đã sản xuất lô vaccine COVID-19 Sputnik-V thử nghiệm đầu tiên do Nga nghiên cứu phát triển. Cụ thể công ty công ty đối tác VABIOTECH bên phía Việt Nam đảm nhận gia công vaccine COVID-19 Sputnik V. Công ty VABIOTECH sẽ bắt đầu phụ trách gia công, đóng ống, đóng gói bao bì vaccine Sputnik V. Tất cả các mẫu xác nhận đầu tiên được lấy từ lô sản xuất thử nghiệm sẽ được chuyển đến Trung tâm Gamaleya (Nga) để kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, vaccine thành phẩm sẽ do Nga quyết định xem có được giữ lại Việt Nam một phần hay chuyển toàn bộ về quốc gia này để họ phân phối.

    Vaccine VBC-COV19-154

    Arcturus Therapeutics (Mỹ) là đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine phòng COVID-19 theo công nghệ mRNA. Theo thoả thuận Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền và Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vaccine phòng COVID-19 có tên VBC-COV19-154. VBC-COV19-154 được phát triển theo công nghệ tân tiến nhất hiện nay là saRNA (self-amplifying mRNA – mRNA tự nhân bản). Đây là công nghệ mới, cho phép sử dụng liều vaccine thấp hơn, trong khi kích thích miễn dịch kéo dài hơn. Công nghệ vaccine mRNA thích hợp để đáp ứng nhanh với các biến thể nCoV nhờ đặc tính hóa học, vật lý của mRNA vẫn giữ nguyên, ngay cả với những thay đổi trình tự nhỏ cần thiết để phù hợp với các đột biến của virus. Nhờ vậy, việc phát triển vaccine mRNA cho hiệu quả phòng ngừa biến thể nCoV nhanh chóng và đơn giản, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma,… Đặc biệt, VBC-COV19-154 có dạng đông khô, vận chuyển thuận tiện ở nhiệt độ từ 2 – 8 oC, mang đến ưu thế vượt trội về khả năng phổ cập và tối ưu chi phí. Theo lộ trình, VinBioCare sẽ phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế Việt Nam đưa vaccine VCB-COV19-154 vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam trên quy mô 20.000 người. Tháng 12/2021, VinBioCare dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Y tế xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện để sử dụng VCB-COV19-154 tại Việt Nam. Dự kiến, lô vaccine đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào đầu năm 2022.

    Vaccine tái tổ hợp Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein

    Công ty Nhật Bản Shionogi đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 với hai công ty của Việt Nam là công ty MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Công nghệ chuyển giao là công nghệ sản xuất vaccine tái tổ hợp (Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein). Dự kiến đến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất mọi hoạt động và đưa vaccine ra thị trường.

    Vaccine phòng COVID-19 được phê duyệt có điều kiện tại Việt Nam

    Đến thời điểm ngày 17/9/2021, tại Việt Nam đã có 8 loại vaccine phòng COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Các loại vaccine được phê duyệt sử dụng gồm: AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V), Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, vaccine Spikevax (Tên khác là Moderna), vaccine Janssen, vaccine Hayat-Vax và vaccine Abdala. Trong đó, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM tổng hợp, vaccine AstraZeneca hiện đang có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, vaccine Gam-COVID-Vac, Vero Cell, Comirnaty, Spikevax đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Việt Nam chưa tiếp nhận vaccine Janssen nhưng Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với loại vaccine này vào 15/7/2021 và sử dụng 1 liều duy nhất. Đối với hai loại vaccine còn lại là vaccine vaccine Hayat và vaccine Abdala, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện 2 loại vaccine này cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên liều tiêm đang chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn.

    Tình hình và lý do không sẵn sàng tiêm vaccine COVID-19 của người dân

    Như đã trình bày trước đó, nếu một quốc gia không thể đạt được một mức độ tiêm chủng nhất định cho dân số của mình, thì quốc gia đó có nguy cơ lây nhiễm và đột biến virus cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ với nền kinh tế của quốc gia đó mà còn ảnh hưởng chung đến nền kinh tế thế giới. Trong một nghiên cứu vào tháng 4/2020 trên 7.664 người đến từ bảy quốc gia châu Âu (Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh), 18,9% người cho biết rằng họ ‘không chắc chắn’ về việc tiêm phòng vaccine COVID-19, trong khi có thêm 7,2% cho biết rằng họ không muốn tiêm chủng. Xác định, hiểu và giải quyết việc chấp nhận vaccine (nghĩa là từ việc chấp nhận thụ động đến việc chấp nhận chủ động theo nhu cầu) và việc do dự, không chấp nhận vaccine (tức là việc không chắc chắn và việc hoàn toàn chống lại sử dụng vaccine) là một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo tiến trình đẩy lùi đại dịch. “Sự do dự tiêm chủng” có thể hiểu là sự miễn cưỡng của một số cá nhân trong việc tiếp nhận các loại vaccine có sẵn và đã được kiểm chứng an toàn; vốn là một vấn đề nhận được sự quan tâm từ lâu trước khi đại dịch COVID-19 hoành hành. Sự do dự diễn ra từ 5 yếu tố mang tính cá nhân, hay còn được gọi là “mô hình 5C” (được đúc kết từ những nghiên cứu tại các quốc gia phát triển), bao gồm: sự tin cậy (Confidence), sự hài lòng (Complacency), sự tiện lợi (Convenience or Constraints), sự đánh giá về rủi ro (Risk Calculation) và sự trách nhiệm với cộng đồng (Collective Responsibility). Để tăng tỷ lệ tiếp nhận cũng như tỷ lệ tiêm chủng (đặc biệt với đại dịch COVID-19), cần phải yêu cầu hiểu rõ liệu mọi người có sẵn sàng tiêm chủng, lý do tại sao họ sẵn sàng hoặc không muốn làm như vậy, cộng với việc nắm bắt được nguồn thông tin mà người dân sẽ tin tưởng khi đưa ra quyết định. Trong một bài báo trên tạp chí Nature của Solis Arce và cộng sự, một cuộc khảo sát lớn, kéo dài từ tháng 6/2020 đến tháng 01/2021 và qua 15 cuộc nghiên cứu tại các châu lục trên khắp thế giới (châu Phi, châu Mỹ Latinh, Nam Á), cũng như tại Hoa Kỳ và Liên bang Nga. Các tác giả tìm ra được rằng tỷ lệ tiếp nhận vaccine trung bình tại các nước LMIC trong các châu lục trên là 80,3%, cao hơn khá nhiều so với các nước HIC như Hoa Kỳ (64,6%) và Liên Bang Nga (30,4%). Dữ liệu cho thấy rằng việc chấp nhận vaccine được giải thích chủ yếu là do sự quan tâm đến việc bảo vệ cá nhân trước đại dịch COVID-19, trong khi lo ngại về tác dụng phụ là lý do phổ biến nhất cho sự chần chừ.

    Một khảo sát khác được thực hiện bởi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật châu Phi phối hợp với trường Đại học Y học Nhiệt đới London trong một khoảng thời gian ngắn hơn (quý IV năm 2020) và tại 15 quốc gia châu Phi (Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Cộng hoà Congo, Ethiopia, Gabon, Kenya, Malawi, Morocco, Niger, Nigeria, Senegal, Nam Phi, Sudan, Tunisia và Uganda). Một lần nữa, người ta thấy rằng phần lớn người tham gia khảo sát ở châu Phi (79%) cho biết họ sẽ tiêm vaccine nếu loại vaccine đó được chứng minh an toàn và hiệu quả. Điều này có thể bắt nguồn từ việc hàng năm đất nước của họ phải đối mặt với hàng ngàn ca bệnh tử vong do những dịch bệnh đúng ra có thể phòng ngừa được bởi vaccine. Do đó, những người dân châu Phi sẽ có nhu cầu cao hơn, cũng như đánh giá cao hơn về các loại vaccine. Ngược lại, chính từ việc các quốc gia thu nhập cao gần như đã loại bỏ hoàn toàn một vài dịch bệnh nhờ vaccine, người dân ở các quốc gia này (kể cả một số y bác sĩ) hầu như chưa nhận thức được các hậu quả của các căn bệnh đáng sợ này. Điều này dẫn đến việc mọi người sẽ có tâm lý chủ quan, không nhận thức hết được những rủi ro tiềm ẩn cũng như là làm nhẹ đi trách nhiệm đối với cộng đồng khi đưa ra quyết định về việc từ chối tiêm chủng.

    Ở Việt Nam, nhờ vào công tác tuyên truyền và chiến dịch tiêm chủng mở rộng được nhà nước phát động từ ngày 10/7/2021 trên phạm vi toàn quốc. Tính đến nay, số liệu tiêm chủng vaccine ở Việt Nam khá khả quan. Theo số liệu tiêm chủng cập nhật đến ngày 1/10/2021, tổng số người đã tiêm là 33,5 triệu người (chiếm 34,8% trên tổng 96,5 triệu dân số) và số người tiêm đủ liều là 10,1 triệu người (chiếm 10,5% dân số). Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 của Việt Nam vẫn đang khá chậm và không đồng đều ở các địa phương. Với tốc độ tiêm chủng trung bình đạt 100.000 mũi/ngày, thì cần đến khoảng 20 tháng nữa mới có thể đạt được độ phủ vaccine 70% dân số cả nước. Phần lớn, người dân Việt Nam lo ngại về tác dụng phụ của vaccine, đặc biệt là các vaccine công nghệ mới sử dụng mRNA và DNA vì chưa được đánh giá toàn diện tác dụng phụ lâu dài. Chất lượng của vaccine do các nước sản xuất cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự do dự của người dân khi lựa chọn các vaccine khác nhau đang được sử dụng ở Việt Nam. Nếu những khó khăn khi triển khai tiêm vaccine COVID-19 không sớm được khắc phục, tiến độ tiêm chủng không được đẩy nhanh hơn, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ hoang phí vaccine COVID-19 vì vaccine có thời hạn sử dụng rất ngắn. Vì vậy, việc triển khai các kế hoạch nhằm đốc thúc tốc độ tiêm chủng đang trở nên cấp thiết đối với cộng đồng.

    Vai trò của phổ biến thông tin để khắc phục tâm lý do dự trong tiêm phòng

    Trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này, nhu cầu tìm kiếm thông tin tăng lên, đặc biệt là khi vaccine trở nên phổ biến hơn, mọi người cần thông tin hướng dẫn liên quan đến việc triển khai vaccine, nhận vaccine và sử dụng vaccine. Vì COVID-19 là một căn bệnh mới vẫn đang được nghiên cứu và các loại vaccine này cũng đã được cung cấp sau một thời gian ngắn nghiên cứu và phát triển, nên có rất nhiều điều không chắc chắn, nhiều nguồn thông tin mà công chúng phải đối mặt. Những điều không chắc chắn này đã khuyến khích mọi người tìm kiếm và chia sẻ thông tin về vaccine, chẳng hạn như các thông tin khoa học phía sau vaccine (đáp ứng miễn dịch và đột biến), các kỹ thuật được sử dụng và kết quả của các thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, một trong những thách thức đối với việc tiếp nhận thông tin đó là việc những thông tin khoa học chính thống thường khó tiếp cận với đại đa số độc giả đại chúng. Với việc điện thoại thông minh đã trở nên vô cùng phổ biến trên toàn thế giới, việc truy cập vào các nền tảng mạng xã hội đã trở nên một cách dễ dàng. Tuy đây là một bước tiến lớn trong việc truyền bá, tiếp nhận thông tin và là một yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định tiêm chủng nhưng việc này cũng tạo ra những thách thức không hề nhỏ vì có thể đưa đến các thông tin sai lệch. Điều này có nghĩa là thông tin người dân tiếp nhận trên các nền tảng mạng xã hội chưa chắc đã chính thống và đúng sự thật, thông tin có thể bị che giấu chưa kể đến việc bị thêm thắt, bóp méo dẫn đến tình trạng hoang mang và hiểu lầm.

    Nhìn chung, những nguyên do dẫn đến việc tiếp nhận hay do dự vaccine sẽ luôn rất phức tạp và khó để xác định chính xác, đặc biệt trong thời điểm mà các biến thể virus mới đang liên tục xuất hiện, cũng như sự xuất hiện của hàng loạt loại vaccine khác nhau từ cách thức chế tạo, nguồn gốc, quốc gia sản xuất,… Điều quan trọng là phải duy trì sự cân bằng trong việc truyền đạt những thông tin xác thực và truyền đạt nhận thức về các nguồn thông tin chưa chính thức. Các tạp chí khoa học quốc tế không nên hấp tấp, vội vàng trong khâu kiểm duyệt bài đăng, nhất là với những nghiên cứu then chốt trong các lĩnh vực liên quan đến vaccine, đặc biệt về tính an toàn và độ hiệu quả của vaccine. Các cơ quan chính phủ cần phải minh bạch trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng, minh bạch trong các khâu đưa ra quyết định. Tuy việc báo cáo những biến chuyển xấu của bệnh nhân sau khi tiêm là rất cần thiết cho việc theo dõi quá trình tiêm vaccine nhưng việc đăng tải những thông tin như vậy một cách tràn lan và ồ ạt sẽ khiến cho người dân càng trở nên do dự hơn trong việc tiêm chủng. Do đó, các phương tiện truyền thông đại chúng cần phải đưa tin một cách có trách nhiệm, rõ ràng, tránh việc thiên vị và đưa ý kiến cá nhân trong từng bài đăng. Sau cùng, đó là trách nhiệm chung của toàn thể cộng đồng về hành vi và lời nói trên các nền tảng mạng xã hội, tuyệt đối không lan truyền thông tin sai lệch khi chưa kiểm chứng và cần tránh những cách diễn đạt mập mờ dễ gây hiểu lầm vì tất cả những điều này sẽ càng gia tăng thêm tâm lý ngần ngại trong nhân dân đối với vaccine.

    Kết luận

    Tính đến ngày 1/10/2021, số liệu tiêm chủng vaccine ở Việt Nam và thế giới khá khả quan, nhưng chưa đạt được sự đồng bộ. Để đạt được tỷ lệ tiêm chủng lý tưởng 60-75%, việc phân bổ nguồn vaccine sao cho hợp lý vẫn còn là một thách thức lớn và đang rất cần một lời giải thích hợp, đây cũng là cơ hội tốt để tận dụng và giải quyết vấn đề liên quan đến “sự do dự tiêm chủng”. Các kết quả nghiên cứu trên đã cho thấy rằng việc ưu tiên vaccine cho các nước có thu nhập thấp hơn trung bình (LMICs), trong đó có Việt Nam, không chỉ hợp lý trên phương diện bình đẳng mà còn thúc đẩy được quá trình miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu trở nên nhanh hơn. Chiến đấu với đại dịch là trách nhiệm chung của toàn thế giới. Do đó, việc gia tăng những nghiên cứu về xu hướng tiếp nhận vaccine nên là một trong những ưu tiên hàng đầu. Kết quả từ những nghiên cứu đó sẽ mở rộng các chiến dịch truyền bá thông tin và khiến chúng trở nên thuyết phục hơn. Từ đó, niềm tin mới được tạo ra sẽ giúp tỷ lệ người dân muốn tiêm vaccine và tỷ lệ tiêm chủng thực sự sẽ gia tăng trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy miễn dịch cộng đồng và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trong tương lai.

    Tài liệu tham khảo

    [1] Begum, Jubeda, et al. “Challenges and prospects of COVID‐19 vaccine development based on the progress made in SARS and MERS vaccine development.” Transboundary and emerging diseases 68.3 (2021): 1111-1124.

    [2] Ghandi, M. “Can people spread the coronavirus if they don’t have symptoms? 5 questions answered about asymptomatic COVID-19.” The Conversation 23 (2020).

    [3] Huang, Hui-Yao, et al. “Landscape and progress of global COVID-19 vaccine development.” Human Vaccines & Immunotherapeutics (2021): 1-5.

    [4] Hui, David S., et al. “The continuing 2019-nCoV epidemic threat of novel coronaviruses to global health—The latest 2019 novel coronavirus outbreak in Wuhan, China.” International journal of infectious diseases 91 (2020): 264-266.

    [5] Machingaidze, Shingai, and Charles Shey Wiysonge. “Understanding COVID-19 vaccine hesitancy.” Nature Medicine (2021): 1-2.

    [6] Morse, Jared S., et al. “Learning from the past: possible urgent prevention and treatment options for severe acute respiratory infections caused by 2019‐nCoV.” Chembiochem 21.5 (2020): 730.

    [7] Mehrotra, Devan V., et al. “Clinical endpoints for evaluating efficacy in COVID-19 vaccine trials.” Annals of internal medicine 174.2 (2021): 221-228.

    [8] Murphy, Jamie, et al. “Psychological characteristics associated with COVID-19 vaccine hesitancy and resistance in Ireland and the United Kingdom.” Nature communications 12.1 (2021): 1-15.

    [9] Reese, Heather, et al. “Estimated incidence of coronavirus disease 2019 (COVID-19) illness and hospitalization—United States, February–September 2020.” Clinical Infectious Diseases 72.12 (2021): e1010-e1017.

     

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây