Một số khó khăn tâm lý của bệnh nhân nhiễm COVID-19 và hướng hỗ trợ

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    TÓM TẮT

    Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, gây ảnh hưởng sâu rộng, toàn diện đến kinh tế – xã hội. Tại Việt Nam với chiều hướng gia tăng mạnh số ca nhiễm COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, kể từ tháng 5/2021, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, các mối quan hệ xã hội, sức khỏe và đời sống tinh thần của người dân. Bằng việc tổng hợp các tư liệu và số liệu thống kê, bài viết phân tích một số khó khăn tâm lý của bệnh nhân nhiễm COVID-19 có thể sẽ đối diện. Từ đó, gợi mở một số hướng hỗ trợ nhằm khắc phục, giảm thiểu nguy cơ gặp khó khăn tâm lý cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

    Từ khóa: COVID-19, khó khăn tâm lý, hỗ trợ.

    1. Đặt vấn đề

    Đại dịch COVID-19 là bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó trên phạm vi toàn cầu. Khởi nguồn từ cuối năm 2019 với ca nhiễm đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), đến nay đại dịch đã bùng phát ở 244 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi ngày, thế giới có thêm hàng trăm nghìn ca mắc mới, hàng nghìn ca tử vong và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo thống kê của Tổ chức Y tế giới (WHO), đến ngày 19/8/2021, trên toàn cầu đã ghi nhận khoảng 209.201.939 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có khoảng 4.390.467 trường hợp tử vong (WHO, 2021). Cùng thời điểm trên tại Việt Nam, số ca nhiễm khoảng 312.611 người và số ca tử vong khoảng 7.150 người (Bộ Y tế, 2021). Nhiều quốc gia hiện đang đương đầu với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới, nguy hiểm hơn và khả năng lây lan nhanh chóng.

    Trong hoàn cảnh sống có không ít những biến động, thách thức do sự phức tạp của dịch bệnh mang lại đã tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần (SKTT) của con người. Theo nghiên cứu của tác giả Keerthika Mathialagan và các cộng sự cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tâm thần, bao gồm tỷ lệ mắc trầm cảm, rối loạn lo âu, lạm dụng ma túy và tự sát. Rối loạn khí sắc và lo âu đã tăng 3 lần trong năm 2020, đặc biệt ở người trong độ tuổi từ 18 đến 29, so với năm 2019 (Châu Chí Đạt, 2021). Như vậy đại dịch COVID-19 như là một nhân tố thúc đẩy các rối nhiễu diễn ra nhanh hơn và trầm trọng hơn.

    Đối với các bệnh nhân đã và đang nhiễm COVID-19, ngoài những tổn hại về sức khỏe thể chất với các triệu chứng điển hình của bệnh, họ cũng là đối tượng cần quan tâm hơn cả về SKTT. Silvia S.Martins, phó giáo sư dịch tễ học của trường y tế công cộng Mailman (Đại học Columbia, thành phố New York) phát biểu trên tạp chí y khoa Medscape Medical News rằng các nhà lâm sàng nên lưu ý những bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 thường có các triệu chứng về tâm thần. Bà Martins nói: “Nên tầm soát lo âu, rối loạn stress sau sang chấn và trầm cảm trên tất cả bệnh nhân hồi phục sau nhiễm COVID-19, giới thiệu họ đến các dịch vụ, bao gồm cả liệu pháp tâm lý và thuốc, nếu cần”. Bà và đồng nghiệp công bố các triệu chứng này chiếm tỷ lệ rất cao trên những bệnh nhân từng mắc bệnh (Nguyễn Thị Hồng Nhung, 2021).

    Nghiên cứu “Thực trạng SKTT và một số yếu tố liên quan trong bối cảnh dịch COVID-19 của học sinh trung học phổ thông (THPT) tại Hà Nội năm 2020” đã mô tả thực trạng SKTT và một số yếu tố liên quan. Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh có vấn đề về SKTT tại hai trường THPT Kim Liên và THPT Đông Anh lần lượt là 6,8% và 17,3%. Tác giả cũng chỉ ra rằng, những học sinh mà gia đình có tình trạng kinh tế suy giảm trong thời gian dịch bệnh có nguy cơ gặp vấn đề về SKTT chung cao hơn gấp 2,65 lần so với những học sinh có tình trạng kinh tế gia đình không thay đổi (Đặng Thị Thương & cộng sự, 2020). Kết quả của nghiên cứu này cho thấy, đại dịch COVID-19 không chỉ gây ra những tác động về kinh tế, xã hội mà SKTT trong đại dịch cũng là một vấn đề đáng lo ngại.

    Theo bác sĩ Cao Tiến Đức – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103: “COVID-19 là một sang chấn nghiêm trọng, tác động đến tâm lý con người khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn”. Trong nghiên cứu của ông và cộng sự tại khu cách ly, các đối tượng cách ly, người dân trong cộng đồng bị phong tỏa… cho thấy, họ có phản ứng tâm lý rất mạnh. Người già, phụ nữ, trẻ em, người có trình độ học vấn thấp là những đối tượng dễ bị tác động tâm lý, do đó dễ mắc các rối loạn về tâm thần (Ngọc Anh, 2021)

    Các bài viết tiếp cận về SKTT trong đại dịch COVID-19 đã có trước đây cho thấy những con số, cái nhìn tổng quát về tác động của đại dịch này đến đời sống tinh thần của con người. Cho nên, việc nghiên cứu tiếp theo về các vấn đề cụ thể và tìm hướng giải quyết, hỗ trợ là rất quan trọng. Tìm hiểu vấn đề “Một số khó khăn tâm lý của bệnh nhân nhiễm COVID-19 và hướng hỗ trợ” là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn trong việc chăm sóc SKTT các bệnh nhân trong bối cảnh đại dịch.

    2. Giải quyết vấn đề

    2.1. Khái quát về khó khăn tâm lý (KKTL)

    Từ “khó khăn” trong từ điển tiếng Việt có nghĩa là sự trở ngại, làm mất nhiều công sức hoặc thiếu thốn. Còn theo Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê: “khó khăn là khó, có nhiều trở ngại hoặc thiếu thốn (nói khái quát)” (Hoàng Phê (chủ biên), 1994).

    Dựa trên nguồn gốc xuất phát, các yếu tố chủ quan có thể chia làm 2 loại: yếu tố sinh học và yếu tố tâm lý. Những khó khăn do yếu tố tâm lý tạo nên gọi là những KKTL. Trong quá trình nghiên cứu, ta có thể tìm thấy một thuật ngữ có nghĩa tương đương với “KKTL” là “hàng rào tâm lý”. V.Ph.Galugin cho rằng: hàng rào tâm lý là chướng ngại có tính chất tâm lý, nó cản trở quá trình thích ứng của cá nhân đối với các yếu tố mới của ngoại cảnh, do các đặc điểm của hoàn cảnh và đặc điểm cá nhân tạo nên (Nhan Thị Lạc An, 2010).

    KKTL là tổ hợp các thuộc tính, các trạng thái, các đặc điểm nhân cách không phù hợp với đối tượng hoạt động, làm cho quá trình hoạt động gặp khó khăn, làm cho chủ thể không phát huy được khả năng của mình, dẫn đến kết quả hoạt động bị hạn chế (Nguyễn Xuân Thức, Đào Thị Lan Hương, 2007).

    Từ các nghiên cứu về thuật ngữ “KKTL” cho thấy, KKTL xuất hiện khi cá nhân thể hiện tính thụ động, lúng túng trong việc thích ứng với các yếu tố mới của ngoại cảnh, do năng lực trí tuệ, tình cảm, ý chí của họ không phù hợp với đối tượng hoạt động (Nhan Thị Lạc An, 2010). Vì vậy, sự xuất hiện đột ngột và bùng lên nhanh chóng của đại dịch COVID-19 cùng với những khuyến nghị về giãn cách xã hội, đóng cửa trường học và các doanh nghiệp để ngăn chặn sự lây nhiễm virus đã gây thách thức cho con người trong việc thiết lập các thói quen hằng ngày, dẫn đến nguy cơ gặp KKTL ở phần nhiều người dân, đặc biệt là những bệnh nhân đã và đang mắc bệnh COVID-19.

    2.2. Nguy cơ gặp một số KKTL điển hình của bệnh nhân nhiễm COVID-19

    Một nghiên cứu đã chứng tỏ những người mắc COVID-19 mức độ nhẹ gặp phải các triệu chứng tâm thần không liên quan đến chẩn đoán tâm thần trước đó. Các kết quả trên gần 900 bệnh nhân cho thấy, hai tháng sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, 26% trong số đó bị trầm cảm, 22% bị lo âu và 17% có các triệu chứng stress sau sang chấn (Nguyễn Thị Hồng Nhung, 2021). Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, các bệnh nhân COVID-19 phải trải qua thời gian dài chiến đấu với bệnh tật trong hoàn cảnh lo sợ, hoang mang, không người thân bên cạnh và cả những ánh nhìn kỳ thị, tin tức thiếu chính xác về dịch bệnh. Những tác nhân này đã cộng hưởng với nhau, tạo nên nguy cơ gặp một số KKTL ở bệnh nhân COVID-19 như: trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn stress sau sang chấn…

    2.2.1. Trầm cảm

    Theo định nghĩa của WHO, “Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung” (Học viện Quân y, 2007)

    Một số yếu tố nguy cơ gây khởi phát trầm cảm bao gồm: sự cô đơn, stress, thất nghiệp, đổ vỡ hôn nhân, thói quen sử dụng chất kích thích, có vấn đề về sức khỏe hoặc bệnh lý đau mạn tính… Như vậy, đối với bệnh nhân mắc COVID-19 khi phải cách ly tại các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến… có thể sẽ rơi vào trạng thái cô đơn, thiếu kết nối với người thân, cùng với góc nhìn tương lai ảm đạm bi quan về những tin tức tiêu cực về số ca nhiễm và số ca mất vì COVID-19 liên tục gia tăng sẽ dễ làm cho họ cảm thấy nản lòng về tương lai và điều đáng ngại nhất là sự mất đi những suy nghĩ lạc quan, niềm tin tích cực trong chính nhận thức của họ. Con người sống được là họ cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa, có tương lai. Nhưng với người trầm cảm, họ cảm nhận tương lai họ là một màu xám, nhiều tuyệt vọng và bi quan.

    Không phải người nhiễm COVID-19 nào cũng sẽ mắc phải trầm cảm. Nhưng với hoàn cảnh đầy biến động và phức tạp của tình hình dịch bệnh, sẽ có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải trầm cảm đối với bệnh nhân cách ly do COVID-19. Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện E cho biết, COVID-19 không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra những rối loạn tâm thần, nhưng là một trong những yếu tố thêm vào để khởi phát một rối loạn tâm thần như: lo âu, trầm cảm, stress và các rối loạn giấc ngủ. Đồng thời, trong thời gian qua tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị gia tăng thuộc các nhóm đối tượng đến từ các vùng dịch tễ; phát bệnh tại các khu cách ly tập trung; có tiền sử bệnh tâm thần; người đi lang thang… (Lam Ngọc, 2021).

    2.2.2. Rối loạn lo âu

    Rối loạn lo âu là sự sợ hãi quá mức, không có nguyên nhân, do chủ quan của người bệnh và không thể giải thích được do một bệnh tâm thần khác hoặc do một bệnh cơ thể. Rối loạn lo âu là rối loạn mà bệnh nhân không thể kiểm soát được, biểu hiện vững chắc, mạn tính và khuếch tán dưới dạng kịch phát. Bệnh nhân có rối loạn lo âu, đặc biệt là cơn hoảng sợ, thường kèm theo các rối loạn chức năng xã hội và có nguy cơ lạm dụng thuốc cao hơn người bình thường (Học viện Quân y, 2007).

    Nghiên cứu “Anxiety, depression, traumatic stress and COVID-19-related anxiety in the UK general population during the COVID-19 pandemic” đã đánh giá mức độ lo âu và trầm cảm trong dân số ở giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. Tỷ lệ lo âu (21,63%) và trầm cảm (22,12%) được tìm thấy trong nghiên cứu này dường như cao hơn so với những báo cáo trước đây. Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng lưu ý rằng, những so sánh này nên được xử lý một cách thận trọng vì tình trạng của COVID-19 như một tác nhân gây lo âu, căng thẳng không rõ ràng (Keerthika Mathialagan và cộng sự, 2021).

    Đối với những bệnh nhân nhiễm COVID-19, sự cô đơn, lo lắng, sợ sệt, mất ngủ… ở họ sẽ tăng lên rõ rệt do tình hình sức khỏe bản thân bị ảnh hưởng. Cô đơn với bệnh tật, không có người thân bên cạnh sẽ khiến bệnh nhân có phần hạn chế hơn trong việc chống chọi với căng thẳng. Bên cạnh đó, các bệnh nhân cũng phải chịu tác động trực tiếp về tài chính, ở họ gia tăng lo ngại về nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập… Việc trở nên sợ hãi quá mức do nhiều nguyên nhân cộng hưởng, đôi khi không kiểm soát được, sẽ khiến nguy cơ rối loạn lo âu ngày một cao hơn ở các bệnh nhân nhiễm COVID-19.

    2.2.3. Rối loạn Stress sau sang chấn (PTSD)

    Đương đầu với một vài điều đơn lẻ có thể dễ dàng, nhưng đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19, khi tất cả vấn đề trong đại dịch kết hợp lại, họ sẽ cảm thấy choáng ngợp, nguy cơ khủng hoảng tinh thần là rất cao.

    Theo các nhà tâm lý học Phạm Minh Hạc, Trần Trọng Thủy, Nguyễn Quang Uẩn: Stress là những cảm xúc nảy sinh trong những tình huống nguy hiểm, hẫng hụt hay trong những tình huống phải chịu đựng những nặng nhọc về thể chất và tinh thần hoặc trong những điều kiện phải quyết định hành động nhanh chóng và trọng yếu (Đặng Phương Kiệt, 2004).

    Ở các bệnh nhân COVID-19, họ có nguy cơ gặp stress nặng và sốc vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt đời sống. Trước hết, họ bị đe dọa tính mạng, nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 trở nặng, phải can thiệp ECMO, từng giây từng phút phải giành giật sự sống nhờ vào máy thở. Thậm chí COVID-19 còn để lại di chứng cho bệnh nhân dù khỏi bệnh. Một nghiên cứu của Bệnh viện Princess Margaret ở Hong Kong với 12 trường hợp đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 cho thấy, có 3 người không thể đi bộ nhanh do bị khó thở, nghiên cứu này dự đoán một số bệnh nhân có thể giảm 20 – 30% chức năng phổi (Khánh Ngân, 2020).

    Các bệnh nhân nhiễm COVID-19 gặp phải tình trạng kiệt quệ và căng thẳng do phải ở trong không gian phòng bệnh hoặc khu cách ly quá lâu, khiến cho những nỗi sợ, lo lắng của họ leo thang nhanh hơn. Trong và sau khi nhiễm bệnh, các bệnh nhân COVID-19 khi đã chịu những sang chấn tâm lý trong quá trình chiến đấu với dịch bệnh, đương đầu với những biến động lớn trong cuộc sống sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng Stress sau sang chấn (PTSD).

    Stress sau sang chấn (PTSD) hay còn gọi là rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Đây là một tình trạng nghiêm trọng có thể phát triển sau khi một người đã từng trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện sang chấn nghiêm trọng hoặc kinh hoàng, trong đó tổn thương thể chất nghiêm trọng xảy ra hoặc bị đe dọa tính mạng. Theo tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-V: PTSD là một rối loạn tâm thần có thể phát triển sau khi một người tiếp xúc với một sự kiện đau buồn hoặc các mối đe dọa khác đối với cuộc sống. Các triệu chứng có thể bao gồm suy nghĩcảm xúc hoặc giấc mơ rối loạn liên quan đến các sự kiện, đau khổ về tinh thần hoặc thể chất trước các dấu hiệu liên quan đến chấn thương, cố gắng tránh các tín hiệu liên quan đến chấn thương, thay đổi cách một người suy nghĩ và cảm thấy và gia tăng phản ứng chiến hay chạy (American Psychiatric Association, 2013).

    Bệnh nhân đang điều trị COVID-19 một khi trở nặng và có dấu hiệu nghiêm trọng về bệnh lý thì chính họ là người phải chứng kiến và chịu đựng một sự tổn thương thể chất nghiêm trọng, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng. Chính điều này gây ra nỗi sợ hãi, bất lực hoặc kinh hoàng được xem là những hậu quả kéo dài đối với họ.

    Tuy chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể về thực trạng người bị rối loạn Stress sau sang chấn do nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, nhưng các chuyên gia cũng nhận định đây là vấn đề đáng quan tâm. Theo bác sĩ Cao Tiến Đức, COVID-19 là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người, khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn tress sau sang chấn. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân, không chỉ đối với người già, người trưởng thành mà đối với trẻ em và vị thành niên, nguy cơ rối loạn tâm thần cũng rất cao (Ngọc Anh,2021).

    2.2. Hướng hỗ trợ các khó khăn tâm lý đối với các bệnh nhân nhiễm COVID-19

    Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra nhiều xáo trộn cho đời sống con người trên toàn cầu. Nhiều người, đặc biệt là các bệnh nhân COVID-19 đã bị tổn thương nặng nề về tinh thần và tâm lý với các nguy cơ liên quan đến trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn stress sau sang chấn… Vì vậy, cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội và quan trọng hơn cả là sự nỗ lực của từng cá nhân để tất cả đều có thể vượt qua những khó khăn về SKTT trong cuộc chiến với đại dịch này.

    Về công tác truyền thông của các cơ quan thông tấn, báo chí… cần luôn đảm bảo nguồn tin chính thống, chính xác, nhanh chóng và hữu ích để kịp thời trấn an tinh thần người dân, nhất là đối với những bệnh nhân nhiễm COVID-19. Cung cấp những kiến thức cơ bản về cách phòng ngừa dịch bệnh để người dân giảm bớt tâm lý hoang mang do thiếu kiến thức và các vấn nạn tin giả. Khuyến khích người dân thường xuyên cập nhật và theo dõi các chỉ đạo phòng tránh dịch. Sáng tạo các ấn phẩm truyền thông cô đọng, bổ ích, là phương tiện nhanh nhất để tiếp cận công chúng. Điển hình như thành công của ca khúc “Ghen Cô Vy” do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đặt hàng với lời bài hát vừa sinh động, dễ nhớ nhưng cũng mang thông tin chính xác, vừa vui nhộn nhưng cũng sát với thông tin muốn truyền tải.

    Các dự án hỗ trợ tư vấn và tham vấn tâm lý qua hình thức điện thoại, trực tuyến cần được thành lập, phát triển nhiều hơn, tiếp cận dễ dàng hơn đến với các bệnh nhân nhiễm COVID, người đang cách ly tại các trung tâm cách ly. Vì thông qua các dự án, người bệnh sẽ có thể được kết nối với các bác sĩ, chuyên gia tâm lý và chuyên gia giáo dục để được hỗ trợ tư vấn về các vấn đề liên quan đến SKTT cho đối tượng là trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn đã và có nguy cơ gặp phải những khó khăn tâm lý. Người bệnh nếu có nhu cầu sẽ đăng ký thông qua mạng hoặc qua điện thoại, thông tin của người bệnh sẽ được bảo mật. Có thể kể đến dự án “Tư vấn và Chăm sóc tinh thần Psycare” do Khoa Tâm lý học,  Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM triển khai, phối hợp các chuyên gia tại Trung tâm Tư vấn tâm lý và đào tạo Ý Tưởng Việt. Kênh liên lạc chính thông qua số điện thoại hotline 0944131337 và trang panpage với đường dẫn “https://www.facebook.com/psycarevietnam”, dự án “Chăm sóc SKTT trong đại dịch”, đường dây nóng BlueBlue 19009204 (nhánh số 3) hoạt động 24/7 nhằm tư vấn, hỗ trợ tâm lý miễn phí cho thanh thiếu niên ở Việt Nam trong mùa dịch …

    Ngoài ra, cần phải có các biện pháp tuyên truyền, cung cấp kiến thức, các bài tập rèn luyện kỹ năng tâm lý cơ bản để người bệnh có thể chủ động trang bị cho mình những kỹ năng thích nghi hay ứng phó với nguy cơ căng thẳng, rối loạn lo âu, trầm cảm như:

    – Kết nối với người khác: Việc trò chuyện với những người thân, người mình tin tưởng có thể giúp ích cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Các bệnh nhân nên giữ liên lạc thường xuyên với những người thân thiết, kể cho họ nghe cảm xúc cũng như những điều làm mình lo lắng.

    – Kể cả trong và sau khi nhiễm bệnh, bệnh nhân nhiễm COVID-19 nói riêng và tất cả mọi người cần giữ cho mình một lối sống lành mạnh. Chúng ta cần phải sinh hoạt điều độ, đúng giờ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đầy đủ, tập thể dục đều đặn, phân bổ thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, dành thời gian riêng cho sở thích của bản thân… Đặc biệt, không nên dùng rượu bia và chất gây nghiện để xoa dịu nỗi sợ hãi, lo lắng và cảm giác bị cô lập khỏi xã hội.

    – Liên hệ giúp đỡ khi cần: Đừng ngần ngại tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia nếu các bệnh nhân thật sự cần đến họ. Nhân viên y tế địa phương là những người nên tìm đến đầu tiên, các đường dây trợ giúp cũng có thể là nguồn hỗ trợ không nhỏ.

    Đại dịch COVID-19 tạo ra một cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, được xem như là một sang chấn khiến cho các rối nhiễu diễn ra nhanh chóng và trầm trọng hơn.

    Sự xuất hiện đột ngột và bùng lên nhanh chóng của đại dịch COVID-19 cùng với những khuyến nghị về giãn cách xã hội, đóng cửa trường học và các doanh nghiệp để ngăn chặn đường lây virus đã gây thách thức cho con người trong việc thiết lập các thói quen hằng ngày, dẫn đến nguy cơ gặp KKTL ở phần nhiều dân số. Nhiễm bệnh, tiếp nhận điều trị, cách ly xã hội, mang nỗi lo sợ sẽ tử vong cùng với việc đối mặt với ánh nhìn kỳ thị của cộng đồng đã khiến cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 có nguy cơ gặp phải stress, rối loạn lo âu, trầm cảm… cao hơn.

    Cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội và quan trọng hơn cả là sự nỗ lực của từng cá nhân để tất cả đều có thể vượt qua những khó khăn về SKTT trong cuộc chiến với đại dịch này. Một số hướng hỗ trợ các bệnh nhân nhiễm COVID-19 bao gồm: Chính phủ tăng cường các thông tin chính thống, kịp thời, dễ dàng tiếp cận với người dân; phát triển các dự án chăm sóc SKTT trong đại dịch qua hình thức điện thoại, trực tuyến; các biện pháp tuyên truyền, cung cấp kiến thức để người bệnh có thể chủ động trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản khi ứng phó với căng thẳng…

    Vấn đề SKTT là một điều không thể xem nhẹ và lướt qua, nó cần sự quan tâm song song trong quá trình điều trị và chiến đấu với dịch bệnh. Vì vậy chăm sóc SKTT và giúp bệnh nhân COVID phòng ngừa và vượt qua các KKTL bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo khoa học và nhân văn là điều cấp thiết trong giai đoạn mùa dịch này.

     

     

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây