Đại dịch COVID-19: Giải pháp nào cho sức khỏe tinh thần

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Tóm tắt: Đại dịch COVID-19 không chỉ tạo nên những gánh nặng cho hệ thống y tế và kinh tế, mà đã, đang và sẽ còn để lại những hậu quả lên sức khỏe tinh thần trên cả bình diện cộng đồng và cá nhân. Bài viết này trình bày một cái nhìn tổng quan về các giải pháp giúp giảm thiểu các tác động về tâm lý – xã hội của đại dịch với nỗ lực từ cả 2 phía: chính quyền và hệ thống y tế. Về phía chính quyền, việc cung cấp đầy đủ và minh bạch thông tin, đảm bảo an sinh xã hội là những nỗ lực cần thiết. Về phía hệ thống y tế, việc duy trì và mở rộng sự sẵn có của hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần (bao gồm việc triển khai thăm khám y tế từ xa) là các giải pháp hữu ích.

    Từ khóa: Sức khỏe tâm thần, Sức khỏe tinh thần, Đại dịch COVID-19, giải pháp, cộng đồng, y tế từ xa, quản lý xã hội, hệ thống y tế.

    Đằng sau con số tử vong trực tiếp do COVID-19 

    Điều đang được quan tâm nhiều nhất hiện nay trên các phương tiện truyền thông đại chúng có lẽ là số ca tử vong và tác động nặng nề của COVID-19 lên người nhiễm. Nhưng có lẽ đó chưa phải là toàn bộ bức tranh đầy đủ về tác động của đại dịch lên sức khỏe của cộng đồng. Mô hình 4 làn sóng do tiến sĩ Tseng (Đại học Atlanta, Hoa Kỳ) giới thiệu từ tháng 3/2020 dựa trên các quan sát từ các đại dịch trước đó, cho thấy ngoài vấn đề ở “tuyến đầu” chống dịch, chúng ta cần phải cẩn trọng với các hậu quả khác ẩn khuất ở “hậu phương” (hình 1) (1).

    Hình 1: Mô hình 4 làn sóng về tác động của COVID-19 lên sức khỏe cộng đồng (1).

    Bên cạnh làn sóng thứ nhất ảnh hưởng đến những bệnh nhân COVID-19 cần được cấp cứu và hồi sức tích cực, làn sóng thứ hai và thứ ba tác động đến người bệnh có vấn đề cấp cứu khác nhưng không được cứu chữa kịp thời hoặc người mắc bệnh mạn tính nhưng không được thăm khám đầy đủ do các nguồn lực đã được dành ưu tiên cho điều trị COVID-19. Điển hình, ở Bình Dương vừa qua có trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ đã tử vong sau khi qua 5 bệnh viện mà không được tiếp nhận cấp cứu (2). Các nghiên cứu ở các nước trải qua đại dịch cũng cho thấy tỉ lệ tử vong ngoại viện và tỉ lệ tử vong chung do các bệnh COVID-19 cũng tăng cao hơn đường trung bình của thời gian trước đại dịch (3, 4).

    Làn sóng thứ tư bắt đầu từ rất sớm trong đại dịch và sẽ còn kéo dài hơn ở giai đoạn hậu đại dịch, đó chính là làn sóng tác động về sức khỏe tinh thần. Thật vậy, một nghiên cứu trên 9 quốc gia cho thấy những con số đáng quan ngại về tình trạng sức khỏe tinh thần, khi có thể có đến 48,3% dân số có các triệu chứng trầm cảm, 50,9% có các triệu chứng lo âu sợ hãi, 53,8% trải nghiệm stress sau sang chấn và đến 81,9% trải nghiệm căng thẳng (5). Những nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm có phụ nữ, người dưới 40 tuổi, đã và đang có các rối loạn tâm thần hay các bệnh mạn tính khác, học sinh sinh viên, người thất nghiệp, hay người thường xuyên tiếp xúc với mạng xã hội và các tin tức liên quan đến Covid-19.

    Diễn tiến xấu đi của sức khỏe tinh thần trong đại dịch đã rõ ràng. Vậy liệu rằng có những giải pháp nào có thể được thực hiện để cải thiện tình hình? Chúng tôi sẽ tiếp cận câu hỏi trên theo hai bình diện: hệ thống quản lý xã hội và hệ thống y tế.

    Nhóm giải pháp hành động của hệ thống quản lý xã hội

    Những giải pháp đồng bộ, nhất quán, có cấu trúc của chính quyền, với sự hỗ trợ của cơ quan y tế quốc tế và cộng đồng khoa học có thể góp phần làm giảm những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch lên sức khỏe tinh thần của cộng đồng (6). Hai nhóm giải pháp chính có thể được cân nhắc áp dụng có liên quan đến vấn đề cung cấp thông tin truyền thông và đảm bảo an sinh xã hội.

    Đầu tiên, chính phủ cần cung cấp cho những người dân thông tin chính xác, minh bạch, được cập nhật mới nhất về tình hình của dịch bệnh và những quyết định liên quan trong công tác phòng, chống dịch. Việc thông tin rõ ràng và dễ tiếp cận sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề y tế, giúp họ cảm thấy an tâm và hợp tác với các quyết sách phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, sự quá tải thông tin và sự tràn lan của tin giả gây căng thẳng, sợ hãi, giận dữ và làm tăng nguy cơ của các rối loạn tâm thần (5). Các nghiên cứu chỉ ra rằng truyền thông rõ ràng và đầy đủ trong đại dịch góp phần ngăn chặn vấn nạn tin giả và sự quá tải thông tin, từ đó cải thiện sức khỏe tinh thần (7).

    Hình 2: Các nguồn tin chính thống để tham khảo các thông tin về COVID-19.

    Thứ hai, các vấn đề an sinh xã hội cần được đảm bảo vì đây là điều kiện tiên quyết để người dân ổn định về sức khỏe tinh thần (9). Nhà nước cần có các giải pháp đồng bộ để cung cấp đầy đủ và kịp thời lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và các mặt hàng thiết yếu khác. Người lao động mất việc, neo đơn không tự chăm sóc được sẽ cần được hỗ trợ về cả kinh tế và xã hội. Để thực hiện được điều này, nhà nước cần có cơ chế khuyến khích sự chung tay từ các nguồn lực cộng đồng. Trong thời gian qua, nhiều nhóm thiện nguyện cá nhân, tập thể đã hỗ trợ về nhu yếu phẩm, oxy, các phương tiện cấp cứu. Các nền tảng công nghệ đã có nhiều hành động hỗ trợ kết nối người cần và người có khả năng giúp đỡ, cũng như tham gia vào khâu hậu cần và vận chuyển hàng hóa.

    Nhóm giải pháp hành động của hệ thống y tế

    Các rối loạn tâm thần là bệnh lý mạn tính cần được thăm khám theo dõi định kỳ, trong một số trường hợp cũng là tình trạng cần xử trí cấp cứu. Việc đứt gãy “chuỗi cung ứng” khám chữa bệnh có thể khiến tình trạng sức khỏe tinh thần của bệnh nhân trở nên tệ hơn. Trong đại dịch, các vấn đề của bệnh nhân có rối loạn sức khỏe tâm thần bao gồm: không được phát hiện, không được thăm khám điều trị và tăng nguy cơ tự sát (10). Vì vậy, có 4 nhóm giải pháp được đề nghị nhằm tăng khả năng người dân có các vấn đề sức khỏe tinh thần được tiếp cận kịp thời với chăm sóc y tế:

    1. Duy trì các dịch vụ y tế cơ bản. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần sẵn có – gồm các bệnh viện và phòng khám chuyên khoa Tâm thần, các khoa /phòng Tâm thần/Tâm lý/Tâm thể tại các bệnh viện và phòng khám đa khoa – cần được tiếp tục hoạt động và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân. Người dân cần được cho phép lưu thông để đến thăm khám các vấn đề sức khỏe tinh thần như bất kỳ vấn đề sức khỏe thể chất nào khác.
    2. Thăm khám từ xa. Trong điều kiện dịch bệnh truyền nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp, hoạt động thăm khám trực tuyến là một lựa chọn an toàn. Phương án này đặc biệt hữu ích đối với các trường hợp bị hạn chế đi lại như đang ở trong khu cách ly, phong tỏa, gặp khó khăn trong việc di chuyển đến nơi thăm khám trực tiếp, hoặc không đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Cùng với sự phổ biến của email, điện thoại, các cuộc gọi video và các phần mềm họp trực tuyến, thăm khám từ xa đang dần trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết. Các nghiên cứu cho thấy rằng điều trị tâm lý – tâm thần từ xa đặc biệt có hiệu quả trên các vấn đề trầm cảm, lo âu và căng thẳng sau sang chấn (11). Trong đợt bùng phát dịch thứ tư tại Việt Nam, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần và các hội nhóm chuyên nghiệp đã thích ứng đủ nhanh trong việc triển khai tham vấn tâm lý và điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, việc tiếp cận thăm khám từ xa vẫn còn là một thách thức đối với những người lớn tuổi và những người không quen sử dụng công nghệ. Vì vậy, các cơ sở triển khai thăm khám từ xa cần dự trù trước tình huống và có nhân sự để hỗ trợ các bệnh nhân đặc biệt này. Đồng hành với thăm khám từ xa, mô hình kê đơn trực tuyến và giao thuốc tận nhà hoàn chỉnh một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe để giúp người tiếp cận được các thuốc chuyên khoa cần thiết.
    3. Nhận diện sớm và can thiệp khẩn các vấn đề sức khỏe tinh thần. Chiến lược tập huấn cho nhân viên y tế không phải chuyên khoa tâm thần, đặc biệt là các bác sĩ chăm sóc ban đầu, cách nhận diện và chẩn đoán các rối loạn tâm thần được triển khai tại Singapore và mang lại hiệu quả tích cực (8). Điều này sẽ giúp bệnh nhân được phát hiện và can thiệp điều trị sớm, từ đó giảm nguy cơ diễn tiến nặng hay tự sát. Bên cạnh đó, cần có các chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng (bao gồm người dân, giáo viên, người chăm sóc, người hỗ trợ cộng đồng) về các vấn đề sức khỏe tinh thần vì đó là những người thường xuyên tiếp xúc và có khả năng phát hiện các rối loạn tâm thần hay nguy cơ tự sát từ sớm. Các chương trình giáo dục cộng đồng này cũng giúp các cá nhân tự nhận biết khi nào mình đang không ổn, cần được thăm khám và hỗ trợ về sức khỏe tinh thần, từ đó chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ giai đoạn sớm.

    *Trong tình huống cần hỗ trợ khẩn cấp như đang có suy nghĩ hoặc hành vi liên quan đến tự sát, người dân có thể liên hệ với các kênh hỗ trợ đang được triển khai trong mùa dịch COVID-19.

    Hình 3: Các chương trình hỗ trợ khẩn cấp về tâm lý – xã hội.

    1. Giảm kỳ thị đối với các vấn đề sức khỏe tinh thần/các rối loạn tâm thần. Việc tồn tại các quan điểm kỳ thị về các rối loạn tâm thần sẽ góp phần ngăn cản người bệnh tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết, khiến họ mất đi cơ hội được can thiệp từ sớm, tăng nguy cơ tự sát và diễn tiến nặng của bệnh. Trên thực tế, chương trình bác sĩ hỗ trợ F0 tại nhà được Trường Đại học Y Dược TP.HCM triển khai tại quận 8 và quận 10 ghi nhận nhiều tình huống người dân là F0, có các biểu hiện khủng hoảng về tinh thần làm nặng hơn tình trạng bệnh thực thể. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trong số đó từ chối sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần vì cho rằng mình không “bị điên” và mình có thể tự cố gắng vượt qua được. Các chương trình giáo dục cộng đồng, bình thường hóa các khái niệm sức khỏe tinh thần và cung cấp các lý giải khoa học về các rối loạn tâm thần sẽ giúp ích trong việc tăng khả năng tiếp cận y tế của bệnh nhân – điều sẽ đặc biệt có ích trong mùa dịch.

    Lời kết

    Đại dịch COVID-19 tác động lên sức khỏe cộng đồng trên nhiều phương diện, trong đó sức khỏe tinh thần là vấn đề cần được để tâm đến vì những tác động rõ ràng và nặng nề của nó. Để cải thiện được sức khỏe tinh thần của cộng đồng, chúng ta cần những giải pháp đồng bộ trên diện rộng từ phía người làm chính sách vận hành xã hội cũng như sự vận hành của hệ thống y tế.

    Thông qua các tài liệu tham khảo từ các đợt dịch trước và tình hình dịch ở nhiều nơi trên thế giới, bài viết này đã gợi ý các nhóm giải pháp có thể được tiến hành. Tuy nhiên, vẫn còn một thực tế rằng chúng ta còn thiếu nhiều dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu của Việt Nam đễ dẫn đường cho chính sách và giải pháp cũng cần thiết trong giai đoạn sắp tới. Chúng tôi hy vọng rằng những từ khóa và nội dung được gợi mở ở trên có thể hữu ích cho quý độc giả trong tiến trình tìm kiếm thông tin và các giải pháp trong giai đoạn đại dịch này.

    Tài liệu tham khảo

    1. Victor Tseng (2021), https://twitter.com/vectorsting/status/1244671755781898241?lang=vi, truy cập ngày 29.8.2021
    2. Báo tuổi trẻ (2021), https://tuoitre.vn/vu-tu-vong-sau-khi-5-co-so-y-te-khong-cap-cuu-giam-doc-so-y-te-binh-duong-noi-gi-20210815161051749.htm, truy cập ngày 29.8.2021
    3. Bodilsen J, Nielsen P B, Søgaard M, Dalager-Pedersen M, Speiser L O Z, Yndigegn T et al. Hospital admission and mortality rates for non-covid diseases in Denmark during covid-19 pandemic: nationwide population based cohort study BMJ 2021; 373 :n1135 doi:10.1136/bmj.n1135
    4. Santi L, Golinelli D, Tampieri A, Farina G, Greco M, Rosa S, et al. (2021) Non-COVID-19 patients in times of pandemic: Emergency department visits, hospitalizations and cause-specific mortality in Northern Italy. PLoS ONE 16(3): e0248995. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0248995
    5. Xiong J, Lipsitz O, Nasri F, Lui LMW, Gill H, Phan L, Chen-Li D, Iacobucci M, Ho R, Majeed A, McIntyre RS. Impact of COVID-19 pandemic on mental health in the general population: A systematic review. J Affect Disord. 2020 Dec 1;277:55-64. doi: 10.1016/j.jad.2020.08.001. Epub 2020 Aug 8. PMID: 32799105; PMCID: PMC7413844.
    6. Dong, L., & Bouey, J. (2020). Public Mental Health Crisis during COVID-19 Pandemic, China. Emerging infectious diseases, 26(7), 1616–1618. https://doi.org/10.3201/eid2607.200407
    7. Li, S., Wang, Y., Xue, J., Zhao, N., & Zhu, T. (2020). The Impact of COVID-19 Epidemic Declaration on Psychological Consequences: A Study on Active Weibo Users. International journal of environmental research and public health, 17(6), 2032. https://doi.org/10.3390/ijerph17062032
    8. Ho, C. S., Chee, C. Y., & Ho, R. C. (2020). Mental Health Strategies to Combat the Psychological Impact of Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) Beyond Paranoia and Panic. Annals of the Academy of Medicine, Singapore, 49(3), 155–160.
    9. Gunnell, D., Appleby, L., Arensman, E., Hawton, K., John, A., Kapur, N., Khan, M., O’Connor, R. C., Pirkis, J., & COVID-19 Suicide Prevention Research Collaboration (2020). Suicide risk and prevention during the COVID-19 pandemic. The lancet. Psychiatry, 7(6), 468–471. https://doi.org/10.1016/S2215-0366(20)30171-1
    10. Sher, L. (2020). Individuals with untreated psychiatric disorders and suicide in the COVID-19 era. Brazilian Journal of Psychiatry, (AHEAD).
    11. Smith AC, Thomas E, Snoswell CL, Haydon H, Mehrotra A, Clemensen J, et al. . Telehealth for global emergencies: implications for coronavirus disease 2019 (COVID-19). J Telemed Telecare. (2020) 26:309–13. 10.1177/1357633X20916567

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây