COVID-19 – Những điều cần biết

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Nội dung bài viết:

    Đại dịch COVID-19 hiện vẫn đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu với nhiều quan ngại về sự xuất hiện và lan nhanh của các biến chủng. Trong đó, biến chủng Delta (B.1.617.2) đã xuất hiện ở hơn 120 vùng quốc gia và lãnh thổ, bao gồm Việt Nam và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá có nguy cơ trở thành biến chủng “thống trị” toàn cầu (1). Ngoài ra, nhiều trường hợp có kết quả dương tính ngay cả khi đã được tiêm vaccine đầy đủ, dẫn đến những lo lắng xoay quanh kế hoạch tiêm chủng và tính hiệu quả của vaccine trong việc ngăn chặn lây nhiễm và hình thành các ca nhiễm đột phá (breakthrough cases: ca nhiễm sau khi đã tiêm đủ liều vaccine, xem thêm tại https://www.cdc.gov/). Đối diện với tình hình trên, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về thời điểm đại dịch kết thúc cũng như kết cục của “trận chiến” để có thể quay lại nhịp sống thường nhật.

    Biến chủng Delta nguy hiểm như thế nào?

    Biến chủng Delta đã được biết đến là biến chủng có mức độ lây nhiễm cao nhất với tốc độ lây lan nhanh gấp 2 lần so với chủng virus đầu tiên. Ở Mỹ, biến chủng này đang chiếm hơn 80% số ca mắc bệnh COVID-19 và là nguyên nhân chính gây nên sự bùng phát dịch (2). Tại Việt Nam, biến chủng Delta đang chiếm phần lớn các ca nhiễm ở nhiều tỉnh, thành, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh trong đợt dịch thứ tư hiện nay (xem thêm tại https://moh.gov.vn/).

    Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc, biến chủng Delta phát triển nhanh hơn và có tải lượng virus trong đường hô hấp nhiều hơn gấp 1,000 lần so với chủng virus ban đầu. Bên cạnh đó, khả năng nhiễm bệnh và có kết quả dương tính sau khi tiếp xúc với biến chủng này diễn ra nhanh hơn trong 4 ngày, so với 6 ngày ở chủng đầu tiên (2).

    Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, qua kết quả nghiên cứu, việc phát hiện và cách ly sớm trong vòng 14 ngày ngay sau khi tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, việc tiêm chủng đầy đủ cũng là một biện pháp hiệu quả nhằm giảm nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng, giảm số ca nhập viện và tử vong (2).

    Liệu vaccine COVID-19 có đang bảo vệ chúng ta khỏi việc lây nhiễm?

    Nhiều nghiên cứu cho thấy các loại vaccine hiện nay đang hoạt động tốt đối với biến chủng Delta, điển hình là việc tiêm đủ 2 liều Pfizer có hiệu quả lên tới 96% trong việc ngăn chặn các ca nhập viện dựa trên báo cáo tại Anh (3). Vaccine còn giúp giảm đáng kể các ca nghiêm trọng dẫn đến nhập viện và tử vong, ngoại trừ một số trường hợp do ảnh hưởng của bệnh nền hay ghép tạng (4). Ngoài ra, kết quả mới trên tạp chí The New England Journal of Medicine cho rằng tải lượng virus trung bình ở người được tiêm chủng một phần hoặc đủ liều Pfizer hay Moderna ít hơn khoảng 40% so với người không tiêm khi cơ thể bị nhiễm bất kỳ loại biến chủng nào, dẫn đến khả năng lây nhiễm và triệu chứng ít hơn rất nhiều (5).

    Biến chủng Delta có phải là nguyên nhân gây nên các ca nhiễm đột phá không?

    Cho đến nay vẫn chưa có dữ liệu chính xác về số ca nhiễm đột phá bởi chủng Delta và có nhiều tranh luận xoay quanh thuật ngữ này. Theo TS. Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục vaccine ở Bệnh viện Nhi khoa ở Philadelphia, ca nhiễm đột phá chỉ được tính khi người mắc bệnh phải nhập viện và tử vong do virus dù đã được tiêm đủ liều vaccine. Đối với phần lớn các ca không có hoặc xuất hiện triệu chứng nhẹ giống như cảm lạnh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã ngừng việc kiểm tra và ghi nhận. Đó là vì những ca không triệu chứng nhưng có kết quả dương tính có khả năng là “virus chết ở đường mũi” do cơ chế của hệ miễn dịch, theo GS. Monica Gandhi ở Đại học California (4).

    Những đối tượng đã từng nhiễm COVID-19 có cần tiêm vaccine hay không?

    Những đối tượng này vẫn cần được tiêm vaccine.

    Hiện vẫn chưa có nhiều dữ liệu về thời gian tồn tại và hiệu quả bảo vệ của miễn dịch tự nhiên đối với các biến chủng khác nhau khi bị nhiễm COVID-19. Trong khi đó, các loại vaccine hiện có như Pfizer, Moderna hay Johnson & Johnson đã được chứng minh có hiệu quả lâm sàng tốt đối với tất cả các biến chủng.

    Theo GS. Charlotte Baker, Đại học Virginia Tech, dù khá hiếm, nhưng vẫn có trường hợp tái nhiễm với COVID-19 xảy ra và các bệnh nhân này thường có triệu chứng nặng hơn ở lần nhiễm thứ hai (6).

    Liệu tỷ lệ tiêm chủng cao có thể đưa đất nước thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm?

    Tỷ lệ tiêm chủng cao có thể bảo vệ người dân khỏi triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19. Tuy nhiên, với tình hình sản xuất giới hạn và phân phối vaccine không đồng đều hiện nay, phần lớn người dân đang sinh sống trong các khu vực chưa được tiêm chủng. Ngay cả khi những con số thống kê chung cho toàn quốc thể hiện những chuyển biến tích cực, số lượng ca nhiễm hay tử vong còn đáng lo ngại ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp (7).

    Tại sao việc đeo khẩu trang là cần thiết với tất cả mọi người, bất kể đã được tiêm chủng hay chưa?

    Việc đeo khẩu trang đã được chứng minh có khả năng ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng. Đối với những đối tượng đã được tiêm chủng, họ được bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện và tử vong khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy phần lớn dân số vẫn chưa được tiêm vaccine, bao gồm trẻ em dưới 12 tuổi không thuộc đối tượng tiêm phòng. Do đó, việc không đeo khẩu trang có thể dẫn đến lây truyền dịch bệnh cho những nhóm người này, đặc biệt ở trường học. Vì vậy, theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) ngày 18/7/2021, học sinh từ hai tuổi trở lên và tất cả nhân viên nên đeo khẩu trang dù đã được tiêm chủng hay chưa khi trường học đón học sinh quay trở lại. Ngoài ra, bên cạnh COVID-19, đeo khẩu trang còn là một biện pháp đơn giản để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác (8).

    Tại sao chúng ta có tâm lý do dự khi tiêm vaccine (vaccine hesitancy)?

    Theo Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược của WHO (SAGE) về tiêm chủng, “do dự tiêm vaccine” là hiện tượng các đối tượng trì hoãn hoặc từ chối dịch vụ tiêm sẵn có dù tính an toàn của vaccine đã được chứng nhận (9).

    Đối với việc tiêm vaccine COVID-19 hiện nay, nhiều người vẫn chưa sẵn sàng chủ yếu do thiếu niềm tin về tính an toàn. Điều này có thể xuất phát từ nguồn thông tin không chính xác gây hoang mang như nguy cơ gây đông máu ở vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, tỷ lệ đông máu thực tế là rất thấp và phần lớn các trường hợp sau khi tiêm nếu được theo dõi cẩn thận (10).

    Hậu quả của “do dự tiêm vaccine” mang lại là gì?

    Đối với từng cá nhân, bỏ qua cơ hội tiêm chủng dẫn đến nguy cơ nhập viện và tử vong cao hơn. Trong tình hình biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm khó lường, tất cả người dân đều có khả năng nhiễm bệnh rất cao.

    Đối với cộng đồng, miễn dịch cộng đồng chỉ có thể đạt được khi khoảng 80-85% người dân được tiêm chủng. Vì vậy, phần lớn người dân không tiêm chủng sẽ ngăn cản những nỗ lực chống dịch đạt được kết quả (11).

    Làm thế nào để nhận biết khi nào dịch bệnh kết thúc?

    Hiện tại, vẫn chưa có một chỉ số chính xác nào có thể khẳng định thời điểm dịch bệnh kết thúc. Đối với một đại dịch được tuyên bố là “tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế”, WHO sẽ công bố đại dịch chấm dứt khi khả năng lây lan của virus nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, theo chuyên gia dịch tễ học Ali Mokdad của Đại học Washington, SARS-CoV-2 có thể tiếp tục biến đổi trong tương lai, gây khó khăn trong việc kiểm soát sự lây lan (7).

    Cái kết của đại dịch COVID-19 sẽ như thế nào?

    Theo Lynn Goldman – Trưởng khoa Y tế Cộng đồng tại Đại học George Washington, có hai viễn cảnh có thể diễn ra:

    Một là, virus có thể vượt qua hàng rào bảo vệ của vaccine, nghĩa là chúng ta phải thực hiện tiêm chủng cho tất cả người dân lại từ đầu. Những nhà sản xuất thuốc đang nghiên cứu thực hiện mũi vaccine tăng cường trong trường hợp cần thiết.

    Hai là, những loại vaccine hiện tại vẫn duy trì hiệu quả cao. Khi đó, các nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản và Đài Loan sẽ cơ bản loại trừ dịch bệnh trong vòng vài tháng tới, trong khi nỗ lực tiêm chủng vẫn sẽ tiếp tục ở các nơi khác trên thế giới (7).

    Tài liệu tham khảo

    1. Kirby J, Jones I. Delta Covid variant becoming globally dominant – WHO official [Internet]. Independent.ie. 2021 [cited 03 August 2021]. Available from: https://www.independent.ie/world-news/coronavirus/delta-covid-variant-becoming-globally-dominant-who-official-40556335.html
    2. Doucleff M. Why The Delta Variant Is Hyper-Contagious: A New Study Sheds Light [Internet]. National Public Radio (NPR). 2021 [cited 03 August 2021]. Available from: https://www.npr.org/sections/goatsandsoda/2021/07/08/1013794996/why-the-Delta-variant-is-so-contagious-a-new-study-sheds-light
    3. Vaccines highly effective against hospitalisation from Delta variant [Internet]. Public Health England. 2021 [cited 03 August 2021]. Available from: https://www.gov.uk/government/news/vaccines-highly-effective-against-hospitalisation-from-delta-variant
    4. Simmons-Duffin S, Stein R. What The Latest Science Shows About Breakthrough Cases [Internet]. National Public Radio (NPR). 2021 [cited 03 August 2021]. Available from: https://www.npr.org/sections/health-shots/2021/07/21/1018872469/worried-about-breakthrough-covid-cases-heres-what-to-know
    5. Thompson M, Burgess J, Naleway A, Tyner H, Yoon S, Meece J et al. Prevention and Attenuation of Covid-19 with the BNT162b2 and mRNA-1273 Vaccines. New England Journal of Medicine. 2021;385(4):320-329.
    6. Eldred S. Coronavirus FAQ: I Had COVID. Should I Get The Vaccine? [Internet]. National Public Radio (NPR). 2021 [cited 03 August 2021]. Available from: https://www.npr.org/sections/goatsandsoda/2021/05/21/998639795/coronavirus-faq-i-had-covid-should-i-get-the-vaccine
    7. Wamsley L. How We’ll Know When The COVID-19 Crisis Is Over [Internet]. National Public Radio (NPR). 2021 [cited 03 August 2021]. Available from: https://www.npr.org/2021/07/10/1014374383/covid-19-coronavirus-pandemic-when-its-over
    8. Lombardo C. Everyone Should Wear A Mask In Schools, Vaccinated Or Not, U.S. Pediatricians Say [Internet]. National Public Radio (NPR). 2021 [cited 03 August 2021]. Available from: https://www.npr.org/2021/07/20/1018380783/everyone-should-wear-a-mask-in-schools-vaccinated-or-not-u-s-pediatricians-say
    9. MacDonald N. Vaccine hesitancy: Definition, scope and determinants. Vaccine. 2015;33(34):4161-4164.
    10. Shymanska L. Vaccine hesitancy and false alarms [Internet]. British Science Association. 2021 [cited 03 August 2021]. Available from: https://www.britishscienceassociation.org/blog/vaccine-hesitancy?fbclid=
    11. Berman D, Waymer J. Medical community says hesitancy about COVID-19 vaccine means end of the pandemic is nowhere in sight [Internet]. Florida Today. 2021 [cited 03 August 2021]. Available from: https://eu.floridatoday.com/story/news/local/2021/07/27/medical-community-covid-19-vaccine-hesitancy-extending-pandemic/8090324002/

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây