Các yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng sau khi tiêm chủng AZD1222 ở người Việt Nam trưởng thành trong nửa đầu năm 2021

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    1. GIỚI THIỆU CHUNG

    COVID-19, hội chứng viêm đường hô hấp cấp hiện đang là đại dịch toàn cầu do vi-rút SARS-CoV-2 gây ra. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization- WHO), tính đến tháng 7/2021, thế giới có hơn 180 triệu trường hợp mắc và gần bốn triệu trường hợp tử vong do COVID-19 [1] .

    Tiêm phòng hiện là cách hiệu quả nhất để kiểm soát và giảm thiểu đại dịch. Tính đến tháng 7 năm 2021, 8 vắc-xin COVID-19 bao gồm Comirnaty (BNT162b2) (Pfizer-BioNTech), AZD1222 (AstraZeneca-Oxford), Ad26.COV2.5 (Janssen), mRNA-1273 (Moderna), vắc-xin SARS-CoV-2 (Sinopharm) và vắc-xin COVID-19 (Sinovac) được WHO cấp phép để sử dụng trên người [2].

    Hơn 3 tỷ liều vắc-xin đã được sử dụng trên toàn cầu, khoảng 24% dân số thế giới được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19. Tại Việt Nam, vắc-xin COVID-19 bắt đầu được triển khai từ đầu tháng 3 năm 2021 và gần bốn triệu liều, trong đó chủ yếu là AZD1222 (AZ), đã được tiêm cho khoảng 3,5% dân số [3]. AZD1222, được phát triển bởi đại học Oxford và AstraZeneca, bao gồm vectơ adenoviral của tinh tinh không sao chép ChAdOx1 mang gen mã hóa cho protein gai (spike protein) của SARS-CoV-2 [4].

    AZD1222 được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia và phản ứng phụ sau tiêm của nó đã được báo cáo đối với người dân của một số nước như Anh [5], Nam Phi [4] và Hàn Quốc [6]. Hầu hết các phản ứng sau tiêm của AZD1222 không nghiêm trọng, mặc dù có một số trường hợp rất hiếm xuất hiện các cục máu đông có thể có liên quan đến AZD1222, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng [7,8].

    Nghiên cứu này nhằm đánh giá phản ứng sau khi tiêm vắc-xin AZD1222 ở người Việt Nam thông qua các yếu tố như đặc điểm nhân khẩu học, tiền sử bệnh và các hành động sau tiêm chủng. Hiện nay, vẫn còn những tin đồn thất thiệt về phản ứng phụ của vắc-xin COVID-19. Điều này tạo ra tâm lý e ngại đối với vắc-xin, cản trở chương trình tiêm chủng hàng loạt đang diễn ra. Do đó, việc hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể khi tiêm vắc-xin sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp nhận vắc-xin của công chúng.

    1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

    Tháng 7 năm 2021, một cuộc khảo sát trực tuyến được thiết lập hướng đến những người Việt Nam đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19. Tất cả các phản hồi đã được lọc bằng Microsoft Excel (phiên bản 16.5.1) để chọn những người tham gia là người Việt Nam trưởng thành (> 18 tuổi) và được tiêm ít nhất một liều AZD1222. Tác động của 9 yếu tố liên quan bao gồm: giới tính, tuổi tác, số liều AZD1222, chất kích thích sử dụng, mức độ vận động sau tiêm chủng, chỉ số khối cơ thể (BMI), tiền sử dị ứng, tình trạng bệnh nền và thói quen sinh hoạt đã được điều tra sử dụng thống kê mô tả và kiểm định giả thuyết.

    • KẾT QUẢ
    1. Đặc điểm nhân khẩu học của những người tham gia

    Trong tổng số 1.166 câu trả lời, có 1.028 câu trả lời đủ tiêu chuẩn từ người Việt Nam trưởng thành (> 18 tuổi), đã được tiêm ít nhất một liều AZD1222. Dữ liệu tổng quát được mô tả trong Bảng 1.

    Bảng 1. Đặc điểm nhân khẩu học của người tham gia khảo sát

    Mục Số người trả lời

    (%)

    Mục Số người trả lời

    (%)

    TỔNG CỘNG 1028 (100) Nhóm tuổi
    Giới tính 18 đến 30 324 (31.5)
    Nữ 654 (63.6) 31 đến 45 546 (53.1)
    Nam 374 (36.4) 46 đến 60 146 (14.2)
    Tiền sử bệnh nền, dị ứng Trên 60 12 (1.2)
    Không có bệnh nền 729 (70.9) Số liều ADZ1222
    Có tiền sử dị ứng 211 (20.5) 1 liều 899 (87.5)
    Thiếu máu 34 (3.3) 2 liều 129 (12.5)
    Bệnh tự miễn 5 (0.5) Thói quen sinh hoạt
    Tiểu đường 16 (1.6) Không có thói quen nào 283 (27.5)
    Máu nhiễm mỡ 66 (6.4) Hút thuốc lá 54 (5.3)
    Gan nhiễm mỡ 83 (8.1) Uống rượu, bia 86 (8.4)
    Tăng huyết áp 66 (6.4) Tập luyện thể thao 329 (32.0)
    Giảm huyết áp 58 (5.6) Thức khuya 509 (49.5)
    Bệnh tim mạch 2 (0.2) Uống cà phê 6 (0.6)
    Suy tim, thấp tim 4 (0.4) Tiêu thụ chất kích thích sau tiêm chủng
    Huyết áp thấp 3 (0.3) Không sử dụng 827 (80.4)
    Bệnh tuyến giáp 5 (0.5) Thuốc lá 46 (4.5)
    Bệnh dạ dày 5 (0.5) Rượu, bia 30 (2.9)
    Bệnh xương khớp 4 (0.4) Trà 38 (3.7)
    Bệnh về thần kinh 6 (0.6) Cà phê 144 (14.0)
    Các bệnh viêm nhiễm khác 20 (1.9) Mức độ vận động sau tiêm chủng
    Mang thai 3 (0.3) Nghỉ ngơi hoàn toàn 239 (23.2)
    Cho con bú 9 (0.9) Hoạt động nhẹ nhàng 409 (39.8)
    Trong thời kỳ kinh nguyệt 25 (2.4) Lao động bình thường 374 (36.4)
    Lao động gắng sức 6 (0.6)


    2. Mức độ phổ biến của các phản ứng sau tiêm

    Sau khi được tiêm ngừa, chỉ có 40/1.028 (3,9%) người cho biết họ không có bất kỳ triệu chứng nào. Hầu hết những người tham gia (96,1%) có một số phản ứng cơ thể (Hình 1). Tỷ lệ ca nặng phải nhập viện/chăm sóc y tế thấp, chỉ 13/1.028 (1,3%). Đa số người tham gia (> 95%) đánh giá phản ứng cơ thể của họ ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và không có trường hợp nào báo cáo là bị sốc phản vệ.

    Các triệu chứng phổ biến nhất là sốt vừa (69,4%), đau cơ (68,6%), sau đó là mệt mỏi/buồn ngủ (62,5%), đau ê ẩm toàn thân (59,4%), nhức đầu (58,5%), đau, sưng tại vị trí tiêm (58,3%) và ớn lạnh (45,7%) (Hình 1). Ngoài ra, một số triệu chứng khác được ghi nhận như tăng cảm giác thèm ăn, khát nước, đau răng, sưng hạch bạch huyết ở cổ và nách, ngứa, nổi mề đay và viêm kết mạc.

    Hình 1. Tỷ lệ xuất hiện của các phản ứng sau tiêm ở những người tham gia khảo sát.

    1. Tác động của một số yếu tố cá nhân đến các phản ứng sau tiêm
    • Giới tính

    Hầu hết các triệu chứng (22/24) xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Sự khác biệt đáng kể ở các triệu chứng như đau nhức (nhức đầu, chóng mặt, đau nhức cơ thể), mệt mỏi, bầm tím/xuất huyết dưới da và các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa (buồn nôn/nôn ói, mất vị giác và đau bụng) (Hình 2).

    Hình 2. Ảnh hưởng của giới tính đến các phản ứng sau tiêm. * Thể hiện sự ảnh hưởng đáng kể của giới tính đến một triệu chứng nhất định (p<0.05).

    • Độ tuổi

    Thống kê cho thấy độ tuổi càng cao thì sự xuất hiện các phản ứng phụ càng giảm đối với hầu hết các triệu chứng. Tỷ lệ xuất hiện phản ứng phụ cao nhất ở độ tuổi 18-30, đến 31-45, sau đó là 46-60 và cuối cùng tỷ lệ thấp nhất ở độ tuổi trên 60 (Hình 3). Tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng sau tiêm dường như giảm rõ rệt sau 30 tuổi. Ảnh hưởng đáng kể của độ tuổi đến sự xuất hiện các phản ứng phụ được quan sát ở các triệu chứng sốt, tim đập nhanh/hồi hộp, nhức đầu, đau ê ẩm toàn thân, ngất xỉu, khó thở và đau họng (Hình 3).

    Hình 3. Ảnh hưởng của độ tuổi đến các phản ứng sau tiêm. * Thể hiện sự ảnh hưởng đáng kể của độ tuổi đến một triệu chứng nhất định (p<0.05).

    • Số liều vắc-xin được tiêm

    Tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng sau tiêm của người đã được tiêm 2 liều AZD1222 thấp hơn so với người được tiêm 1 liều, ngoại trừ đau cơ (Hình 4). Sự khác biệt rõ rệt giữa hai nhóm này được thấy trong các triệu chứng sốt vừa, nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, ớn lạnh, đổ mồ hôi trộm và ho. Những người tham gia được tiêm đủ hai liều cũng đánh giá sau liều thứ hai mức độ nghiêm trọng của phản ứng phụ giảm hơn nhiều so với liều đầu tiên.

    Hình 4. Ảnh hưởng của số liều AZD1222 đến các phản ứng sau tiêm. * Thể hiện sự ảnh hưởng đáng kể của số liều vắc-xin đến một triệu chứng nhất định (p<0.05).

    • Các hoạt động sau tiêm chủng

    Mặc dù có nhiều người không sử dụng chất kích thích sau khi tiêm chủng, nhưng tỷ lệ xuất hiện một số triệu chứng của họ cao hơn những người sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu, trà hoặc cà phê. Sự khác biệt đáng kể chỉ được quan sát ở hai triệu chứng chóng mặt và đau, sưng tại vị trí tiêm.

    Mức độ làm việc sau tiêm chủng cũng ảnh hưởng đến phản ứng sau tiêm của những người tham gia. Hầu hết các trường hợp, nhóm người làm việc nhẹ nhàng hoặc bình thường có các triệu chứng ít hơn đáng kể. Tất cả những người làm việc gắng sức đều cho biết họ bị chóng mặt, đau ê ẩm toàn thân, đau cơ.

    • Các yếu tố khác

    Chỉ số BMI dường như không ảnh hưởng đáng kể đến các phản ứng sau tiêm ở những người tham gia ngoại trừ triệu chứng bầm tím/xuất huyết dưới da và chóng mặt. Đối với nhóm người thiếu cân hoặc béo phì triệu chứng bầm tím/xuất huyết dưới da xảy ra phổ biến hơn ở các nhóm khảo sát khác, trong khi đó, triệu chứng chóng mặt ít xảy ra hơn ở các nhóm này.

    Bên cạnh đó, tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng ở những người có tiền sử dị ứng cao hơn so với người không dị ứng, tuy nhiên không đáng kể. Những người có tiền sử dị ứng có khả năng bị bầm tím/xuất huyết dưới da, mệt mỏi/buồn ngủ, đau, sưng tại vị trí tiêm và ớn lạnh nhiều hơn so với những người không có tiền sử dị ứng.

    Đối với những người có các bệnh nền cơ bản cũng xuất hiện các triệu chứng sau tiêm nhiều hơn những người không có bệnh nền. Có thể thấy được sự khác biệt đáng kể ở các triệu chứng đau ê ẩm toàn thân, đau họng, đau bụng và tiêu chảy giữa những người có và không có bệnh nền.

    Đối với tác động của yếu tố thói quen sinh hoạt đối với các phản ứng phụ cho thấy, cả thói quen tốt (tập thể dục) hay xấu (hút thuốc, uống rượu và thức khuya) đều không cho thấy ảnh hưởng đáng kể đến tần xuất xuất hiện triệu chứng của những người tham gia.

    1. THẢO LUẬN

    Nhìn chung, các phản ứng phụ phổ biến nhất là sốt, đau cơ, sau đó là mệt mỏi/buồn ngủ, đau mình, nhức đầu, đau sưng tại vị trí tiêm, ớn lạnh, chóng mặt, đổ mồ hôi trộm và tim đập nhanh/hồi hộp. Điều này tương đồng với các kết quả nghiên cứu về phản ứng sau tiêm của AZD1222 ở các nước phát triển như Anh [9], Úc [10], Canada [11] và trong một số ấn phẩm khoa học [6,12,13].

    Trong tất cả các yếu tố liên quan được đánh giá trong nghiên cứu này, tuổi, giới tính và số liều vắc-xin cho thấy ảnh hưởng đáng kể nhất đến các phản ứng phụ sau khi tiêm vắc-xin COVID-19. Dữ liệu của chúng tôi chỉ ra rằng phản ứng phụ của AZD1222 xuất hiện phổ biến hơn ở nữ giới so với nam giới, ở người trẻ so với người lớn tuổi, ở liều đầu tiên so với liều thứ hai. Đối với các yếu tố khác như chỉ số BMI, tiền sử dị ứng, tình trạng bệnh nền, thói quen sinh hoạt, mức độ vận động hoặc chất kích thích sử dụng sau tiêm chủng cũng ảnh hưởng đến phản ứng sau tiêm nhưng không đáng kể.

    Nội dung nghiên cứu này đã được nhận đăng trên tạp chí Vaccine, tháng 09/2021, “Factors influencing adverse events following immunization with AZD1222 in Vietnamese adults during first half of 2021”.

    Nguồn tham khảo

    [1]     World Health Organization. Coronavirus disease (COVID-19) 2021. https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019 (accessed July 26, 2021).

    [2]     World Health Organization. Status of COVID-19 Vaccines within WHO EUL/PQ evaluation process 2021. https://extranet.who.int/pqweb/sites/default/files/documents/Status_COVID_VAX_15July2021.pdf (accessed July 26, 2021).

    [3]     Our World in Data. Coronavirus (COVID-19) Vaccinations – Statistics and Research 2021. https://ourworldindata.org/covid-vaccinations?country=VNM (accessed July 26, 2021).

    [4]     Voysey M, Clemens SAC, Madhi SA, Weckx LY, Folegatti PM, Aley PK, et al. Safety and efficacy of the ChAdOx1 nCoV-19 vaccine (AZD1222) against SARS-CoV-2: an interim analysis of four randomised controlled trials in Brazil, South Africa, and the UK. Lancet (London, England) 2021;397:99. https://doi.org/10.1016/S0140-6736(20)32661-1.

    [5]     C M, K K, A M, L P, J C, P L, et al. Vaccine side-effects and SARS-CoV-2 infection after vaccination in users of the COVID Symptom Study app in the UK: a prospective observational study. The Lancet Infectious Diseases 2021;21:939–49. https://doi.org/10.1016/S1473-3099(21)00224-3.

    [6]     MA K, YW L, SR K, JH K, TK M, HS P, et al. COVID-19 Vaccine-associated Anaphylaxis and Allergic Reactions: Consensus Statements of the KAAACI Urticaria/Angioedema/Anaphylaxis Working Group. Allergy, Asthma & Immunology Research 2021;13:526. https://doi.org/10.4168/AAIR.2021.13.4.526.

    [7]     European Medicines Agency. AstraZeneca’s COVID-19 vaccine: EMA finds possible link to very rare cases of unusual blood clots with low blood platelets 2021. https://www.ema.europa.eu/en/news/astrazenecas-covid-19-vaccine-ema-finds-possible-link-very-rare-cases-unusual-blood-clots-low-blood (accessed July 26, 2021).

    [8]     Aleem A, Nadeem AJ. Coronavirus (COVID-19) Vaccine-Induced Immune Thrombotic Thrombocytopenia (VITT). StatPearls Publishing; 2021.

    [9]     GOV.UK. Coronavirus vaccine – weekly summary of Yellow Card reporting 2021. https://www.gov.uk/government/publications/coronavirus-covid-19-vaccine-adverse-reactions/coronavirus-vaccine-summary-of-yellow-card-reporting (accessed July 26, 2021).

    [10]   Therapeutic Goods Administration (TGA). COVID-19 vaccine weekly safety report – 22-07-2021 2021. https://www.tga.gov.au/periodic/covid-19-vaccine-weekly-safety-report-22-07-2021 (accessed July 26, 2021).

    [11]   Government of Canada. COVID-19 vaccine safety: Weekly report on side effects following immunization 2021. https://health-infobase.canada.ca/covid-19/vaccine-safety/ (accessed July 26, 2021).

    [12]   Menni C, Klaser K, May A, Polidori L, Capdevila J, Louca P, et al. Vaccine side-effects and SARS-CoV-2 infection after vaccination in users of the COVID Symptom Study app in the UK: a prospective observational study. The Lancet Infectious Diseases 2021;21:939–49. https://doi.org/10.1016/s1473-3099(21)00224-3.

    [13]   CONSOLIDATED REGIONAL AND GLOBAL INFORMATION ON ADVERSE EVENTS FOLLOWING IMMUNIZATION (AEFI) AGAINST COVID-19 AND OTHER UPDATES Thirteenth report. Pan American Organization 2021.

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây