Các phương pháp điều trị COVID-19 trên thế giới

Ngày đăng:

Chia sẻ:

Cùng chuyên mục

Chuyên trang rất mong nhận được sự quan tâm và cộng tác gửi bài của Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc. Địa chỉ nhận bài viết: covid19@vnuhcm.edu.vn

    ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

    Bài báo này tóm tắt một số phương pháp điều trị được thông qua bởi FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) và các tổ chức khác trong trường hợp điều trị cho những người phải nhập viện bị dương tính với COVID-19 và những người dương tính không phải nhập viện nhưng có nguy cơ phát triển bệnh nặng và những người có triệu chứng nh

    Các triệu chứng theo dõi ở bệnh nhân dương tính với COVID-19:

    Các triệu chứng thường gặp nhất:

    • sốt
    • ho khan
    • mệt mỏi

    Các triệu chứng ít gặp hơn:

    • đau nhức
    • đau họng
    • tiêu chảy
    • viêm kết mạc
    • đau đầu
    • mất vị giác hoặc khứu giác
    • da nổi mẩn hay ngón tay hoặc ngón chân bị tấy đỏ hoặc tím tái

    Các triệu chứng nghiêm trọng:

    • khó thở
    • đau hoặc tức ngực
    • mất khả năng nói hoặc cử động

    Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế địa phương ngay lập tức nếu bạn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng

    Những người có triệu chứng nhẹ và không có biểu hiện bệnh nào khác nên điều trị triệu chứng tại nhà.

    Thông thường, các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 5-6 ngày kể từ khi người bệnh nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, thời gian này có thể lên tới 14 ngày.

    Những liệu pháp hỗ trợ cho bệnh nhân dương tính với COVID-19

    Hầu hết những người dương tính với COVID-19 đều có thể tự hồi phục tại nhà bằng những phương pháp điều trị áp dụng cho bệnh cúm như nghỉ ngơi đầy đủ, cung cấp đủ nước và dùng thuốc để giảm sốt và đau nhức.

    Nếu đang hồi phục tại nhà, các biện pháp này có thể giúp giảm các triệu chứng thường gặp:

    • Dù không cần nằm trên giường nhưng nên nghỉ ngơi nhiều.
    • Uống nhiều nước và thường xuyên để tránh mất nước.
    • Để hạ sốt và giảm nhức mỏi: Dùng paracetamol hoặc acetaminophen/ibuprofen. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ để biết cách sử dụng và liều lượng thích hợp cho người trưởng thành và trẻ em dưới 18 tuổi. Không nên lạm dụng và chỉ tiếp tục dùng khi còn triệu chứng.
    • Để giảm ho: Khuyến khích người có triệu chứng ho tránh nằm ngửa để giảm ho hiệu quả và những người bị ho trên 1 tuổi nên dùng mật ong (liều lượng là 1 thìa cà phê mật ong). Bên cạnh đó, nếu có triệu chứng ho nặng và khó chịu, dùng codeine linctus (15mg/5ml), viên nén codeine phosphate (15mg, 30mg), hoặc dung dịch uống morphin sulfat (10mg/ 5ml) [1]. Liều lượng và cách sử dụng thích hợp dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.

    Vào tháng 11/2020, FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho hai phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng (bamlanivimab, do Eli Lilly sản xuất; và phương pháp kết hợp casirivimab và imdevimab, do Regeneron sản xuất). Cả hai phương pháp điều trị đã được chấp thuận cho người lớn không nhập viện và trẻ em trên 12 tuổi đang mắc COVID-19 từ nhẹ đến trung bình có nguy cơ diễn biến nặng. Ở những bệnh nhân này, các phương pháp điều trị đã được phê duyệt có thể làm giảm nguy cơ nhập viện và vào phòng cấp cứu. Tuy nhiên, các liệu pháp này phải được tiêm tĩnh mạch ngay sau khi các triệu chứng xuất hiện.

    Các loại thuốc điều trị kháng vi-rút COVID-19 làm giảm nguy cơ phải nhập viện khi bị nhiễm 

    Molnupiravir

    Vào tháng 10/2021, Merck đã công bố kết quả nghiên cứu đầy hứa hẹn về một loại thuốc kháng vi-rút dùng để uống để điều trị COVID-19 có tên là molnupiravir. Dữ liệu nghiên cứu từ 775 bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ và trung bình đang có nguy cơ cao mắc bệnh nặng tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới cho thấy molnupiravir làm giảm một nửa nguy cơ nhập viện và tử vong so với giả dược. Trong 29 ngày nghiên cứu, 28 trong số 385 người, tương đương 7,3%, những người tham gia dùng molnupiravir đã phải nhập viện, tuy nhiên không ghi nhận trường hợp tử vong trong nhóm này. Trong nhóm dùng giả dược, 53 trong số 377, tương đương 14,1%, những người tham gia đã phải nhập viện và 8 người trong nhóm này đã tử vong. Ngoài ra, dựa vào kết quả giải trình tự gen vi-rút SARS-CoV-2 ở các bệnh nhân tham gia, molnupiravir cho thấy hiệu quả đối với một số biến thể của vi-rút SARS-CoV-2, bao gồm biến thể Gamma, Delta và Mu [2]. Tuy nhiên, vào ngày 26/11, Merck đã công bố dữ liệu nghiên cứu trên 1.400 bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình cho thấy hiệu quả ngăn chặn nguy cơ nhập viện và tử vong của molnupiravir đã giảm xuống còn 30% so với giả dược. Khoảng 6,8% những người tham gia được điều trị bằng molnupiravir phải nhập viện hoặc tử vong, so với 9,7% những người nhận giả dược [3]. Hiện tại, Molnupiravir đang được FDA xem xét về việc liệu thuốc có nên được cấp phép sử dụng khẩn cấp hay không.

    Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã thực hiện Chương trình thí điểm điều trị các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ và không triệu chứng bằng Molnupiravir tại 22 tỉnh và thành phố. Kết quả cho thấy tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có trường hợp tử vong.

    Paxlovid

    Paxlovid là một loại thuốc điều trị COVID-19 dùng đường uống, được phát triển bởi công ty dược Pfizer. Vào ngày 5/11, Pfizer đã công bố dữ liệu tạm thời từ kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn II/III của thuốc Paxlovid trong việc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ diễn biến nặng.  Kết quả từ 1.219 bệnh nhân cho thấy hiệu quả của paxlovid trong việc ngăn chặn nhập viện và tử vong do COVID-19 cao hơn  89% so với nhóm dùng giả dược. Và trong số những người được điều trị trong vòng ba ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng, 0,8% (3/389) bệnh nhân được điều trị bằng paxlovid đã nhập viện và không có trường hợp tử vong. Trong khi đó, 7% (27/385) bệnh nhân sử dụng giả dược đã nhập viện và 7 trường hợp tử vong [4].

    Phương pháp trị liệu cho COVID-19 – Bác sĩ có thể sử dụng những loại thuốc nào cho những người nhập viện với COVID-19

    Dexamethasone

    Nhiều bác sĩ, bao gồm cả những người ở Hoa Kỳ, đã điều trị bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng bằng corticosteroid kể từ khi đại dịch bắt đầu. Nó có tác dụng đối với những bệnh nhân đã phát triển phản ứng siêu miễn dịch đối với vi-rút corona (‘bão cytokine’ – là hiện tượng tăng đột ngột không kiểm soát một lượng lớn các cytokines được tiết ra từ các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch do bị kích thích bởi nhiều tác nhân khác nhau, đặc biệt là trong nhiễm trùng và phản ứng của cơ thể chống lại sự tấn công của vi-rút). Trong những trường hợp này, chính phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch đang làm tổn thương phổi và các cơ quan khác và thường xuyên dẫn đến tử vong.

    Dexamethasone và các corticosteroid khác thuộc nhóm corticosteroid (prednisone, methylprednisolone) là những loại thuốc chống viêm mạnh. Chúng luôn có sẵn và không tốn kém.

    Hướng dẫn điều trị của NIH COVID-19 (Tổ chức Y tế Quốc gia nghiên cứu về COVID-19) khuyến nghị sử dụng dexamethasone ở một số bệnh nhân mắc COVID-19 nghiêm trọng phải nhập viện. Đề xuất dựa trên kết quả từ RECOVERY Trial. Trong nghiên cứu, hơn 6.000 bệnh nhân nhập viện với COVID-19 được ngẫu nhiên điều trị bằng dexamethasone hoặc phương pháp tiêu chuẩn. Trong số những bệnh nhân cần được bổ sung oxy hoặc máy thở, những người được dùng dexamethasone ít có nguy cơ tử vong hơn những người chỉ nhận được chăm sóc tiêu chuẩn [5]. Dexamethasone không có tác dụng ở những bệnh nhân không cần hỗ trợ hô hấp.

    Tocilizumab

    FDA đã cấp Giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho tocilizumab (Actemra) để điều trị người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên đang nằm viện và được điều trị bằng nhóm thuốc corticosteroid như dexamethasone và những người cần bổ sung oxy, thở máy hoặc máy tim phổi nhân tạo, còn được gọi là oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO). Tocilizumab là một kháng thể đơn dòng, đã được FDA chấp thuận để điều trị một số bệnh tự miễn dịch.

    Một số bệnh nhân COVID-19 bị ốm nặng hơn do phản ứng quá mức của hệ miễn dịch (bão cytokine) đối với vi-rút SARS-CoV-2. Khi điều này xảy ra, cơ thể sản xuất quá mức interleukin-6 (IL-6) – một loại protein liên quan đến tình trạng viêm – trong các tế bào phổi. Tocilizumab ngăn chặn hoạt động của IL-6 và do đó làm giảm phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch.

    EUA dựa trên bốn thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân nhập viện với COVID-19, so sánh việc sử dụng tocilizumab cộng với chăm sóc định kỳ COVID-19 (bao gồm cả liệu pháp corticosteroid) với chăm sóc thông thường. Qua 28 ngày theo dõi, tocilizumab cùng với sự chăm sóc thông thường đã làm giảm nguy cơ tử vong và nguy cơ phải đặt máy thở, đồng thời giảm thời gian bệnh nhân ở lại bệnh viện so với chăm sóc thông thường [6].

    Tocilizumab không được phép sử dụng cho những bệnh nhân không nhập viện với COVID-19.

    Remdesivir 

    Tháng 10 năm 2020, FDA đã phê duyệt việc sử dụng remdesivir trong việc điều trị COVID-19 tại bệnh viện cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên có cân nặng tối thiểu là 40kg. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy remdesivir giúp rút ngắn thời gian hồi phục của bệnh nhân.

    Phối hợp hai loại thuốc: baricitinib và remdesivir

    Tháng 11 năm 2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cấp Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp (EUA) cho việc sử dụng baricitinib kết hợp với remdesivir ở người lớn và trẻ em từ hai tuổi trở lên nằm viện cần hỗ trợ hô hấp. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng thuyết phục cho việc sử dụng liệu pháp này thay vì dexamethasone kết hợp hoặc không kết hợp với remdesivir.

    Thuốc chống đông máu

    Hầu như tất cả  bệnh nhân COVID-19 nhập viện đều được nhận thuốc để ngăn ngừa đông máu. Bác sĩ thường kê toa heparin hoặc enoxaparin liều thấp. Tuy nhiên, một vài bệnh nhân sẽ được kê toa chống đông máu liều cao nếu có nguy cơ cao hoặc đã xảy ra tình trạng đông máu. Và bác sĩ phải luôn cân nhắc nguy cơ chảy máu nguy hiểm khi kê đơn chống đông máu liều cao.

    Một số câu hỏi có liên quan đến việc điều trị triệu chứng của COVID-19:

    Có an toàn khi sử dụng ibuprofen để điều trị những triệu chứng của COVID-19?

    Một số bác sĩ người Pháp cho rằng không nên dùng ibuprofen (Motrin, Advil và các phiên bản khác) trong việc điều trị các triệu chứng gây ra bởi COVID-19 vì có báo cáo cho rằng những người khỏe mạnh mắc COVID-19 sau khi dùng nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) phát bệnh nặng, đặc biệt là viêm phổi. Tuy nhiên, đây chỉ là những quan sát và không dựa trên các nghiên cứu khoa học.

    WHO ban đầu khuyến nghị sử dụng acetaminophen thay vì ibuprofen để giúp giảm sốt và đau nhức sau khi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 nhưng hiện tại tuyên bố rằng có thể sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen. Thay đổi này đã tạo ra sự không chắc chắn vì một số bác sĩ vẫn lo ngại về NSAIDs, do đó, acetaminophen vẫn nên được ưu tiên sử dụng trước, với tổng liều không quá 3.000 miligam mỗi ngày.

    Tuy nhiên, nếu bạn nghi ngờ hoặc biết mình bị COVID-19 và không thể dùng acetaminophen, hoặc đã dùng liều tối đa nhưng triệu chứng vẫn không suy giảm thì vẫn có thể dùng ibuprofen.

    Hydroxychloroquine có hiệu quả và an toàn trong việc điều trị COVID-19 không ?

    Hydroxychloroquine là loại thuốc không đắt và sẵn có, chủ yếu được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét và một số bệnh viêm nhiễm, bao gồm lupus và viêm khớp dạng thấp.

    Các báo cáo ban đầu từ Trung Quốc và Pháp cho thấy rằng những bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nghiêm trọng được cải thiện nhanh chóng hơn khi cho dùng hydroxychloroquine.

    Tuy nhiên, trong một bài báo được xuất bản vào tháng 12 năm 2020 trên tạp chí JAMA, các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng so với giả dược, hydroxychloroquine không mang lại bất kỳ lợi ích lâm sàng nào cho bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Các hướng dẫn điều trị của NIH khuyến cáo không nên sử dụng hydroxychloroquine cho COVID-19, ở cả bệnh nhân nhập viện và không nhập viện.

    Vitamin D có bảo vệ chúng ta khỏi COVID-19?

    Có một số bằng chứng cho thấy rằng vitamin D có thể ngăn ngừa việc nhiễm COVID-19 đối với người khỏe mạnh và làm giảm sự nghiêm trọng của các triệu chứng ở bệnh nhân COVID-19. Lý do có thể là vì những người có mức vitamin D thấp có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên cao hơn. Một phân tích tổng hợp cho thấy những người bổ sung vitamin D, đặc biệt là những người có mức vitamin D thấp, ít có nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính hơn những người không dùng [7].

    Vitamin D có thể bảo vệ cơ thể chống lại COVID-19 theo hai cách. Đầu tiên, nó có thể giúp tăng cường hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể giúp chúng ta chống lại vi-rút và vi khuẩn. Thứ hai, nó có thể giúp ngăn ngừa phản ứng viêm quá mức, đã được chứng minh là góp phần gây ra bệnh nặng ở một số bệnh nhân COVID-19.

    Cơ thể chúng ta tạo ra vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Phơi nắng từ 5 đến 10 phút vào một số hoặc hầu hết các ngày trong tuần cho cánh tay, chân hoặc lưng mà không dùng kem chống nắng, sẽ giúp bạn hấp thụ đủ vitamin. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin D bao gồm cá béo (như cá ngừ, cá thu và cá hồi), thực phẩm tăng cường vitamin D (chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa, sữa đậu nành và ngũ cốc), pho mát và lòng đỏ trứng.

    Liều lượng vitamin D được khuyến nghị trong chế độ ăn uống là 600 IU mỗi ngày đối với người lớn từ 70 tuổi trở xuống và 800 IU mỗi ngày đối với người lớn trên 70 tuổi. Thực phẩm bổ sung hàng ngày chứa 1.000 đến 2.000 IU vitamin D gần như là an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, đối với người trưởng thành, tiêu thụ trên 4.000 IU có nguy cơ gặp tác dụng phụ không mong muốn.

     

    Vitamin C có hiệu quả trong việc điều trị COVID-19 không? Và nó có thể được sử dụng để ngăn ngừa việc nhiễm COVID-19 không? 

    Một số bệnh nhân bị COVID-19 có triệu chứng nặng được điều trị bằng phương pháp truyền tĩnh mạch liều cao vitamin C với hi vọng rằng nó sẽ thúc đẩy quá trình hồi phục. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học rõ ràng cho việc Vitamin C có tác dụng đối với COVID-19 và nó không nằm trong phác đồ tiêu chuẩn cho việc điều trị COVID-19.

    Về phòng ngừa, không có bằng chứng cho thấy uống vitamin C sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm COVID-19. Mặc dù liều lượng tiêu chuẩn của vitamin C thường vô hại, nhưng liều lượng cao có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm buồn nôn, chuột rút và tăng nguy cơ sỏi thận.

     

    Tài liệu tham khảo

    1. Treatments for covid-19. Harvard Health. (2021, November 5). Retrieved November 30, 2021, from https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/treatments-for-covid-19.
    2. An, T. (2021, November 13). Thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir có tác dụng gì, qui trình cấp phát thế nào? https://www.qdnd.vn. Retrieved November 30, 2021, from https://www.qdnd.vn/y-te/tin-tuc/thuoc-dieu-tri-covid-19-molnupiravir-co-tac-dung-gi-qui-trinh-cap-phat-the-nao-677325.

     

    Những nghiên cứu khoa học được đề cập trong bài viết

    [1] Improvement, N. H. S. Managing COVID-19 symptoms (including at the end of life) in the community: summary of NICE guidelines.

    [2] Mahase, E. (2021). Covid-19: Molnupiravir reduces risk of hospital admission or death by 50% in patients at risk, MSD reports.

    [3] Merck and Ridgeback Biotherapeutics provide update on results from move-out study of molnupiravir, an investigational oral antiviral medicine, in at risk adults with mild-to-moderate COVID-19. Merck.com. Retrieved November 30, 2021, from https://www.merck.com/news/merck-and-ridgeback-biotherapeutics-provide-update-on-results-from-move-out-study-of-molnupiravir-an-investigational-oral-antiviral-medicine-in-at-risk-adults-with-mild-to-moderate-covid-19/.

    [4] Pfizer’s novel covid-19 oral antiviral treatment candidate reduced risk of hospitalization or death by 89% in interim analysis of phase 2/3 epic-HR study. Pfizer. (2021, November 5). Retrieved November 30, 2021, from https://www.pfizer.com/news/press-release/press-release-detail/pfizers-novel-covid-19-oral-antiviral-treatment-candidate.

    [5] Horby, P., Lim, W. S., Emberson, J., Mafham, M., Bell, J., Linsell, L., … & Landray, M. J. (2020). Effect of dexamethasone in hospitalized patients with COVID-19: preliminary report.

    [6] Stone, J. H., Frigault, M. J., Serling-Boyd, N. J., Fernandes, A. D., Harvey, L., Foulkes, A. S., … & Mansour, M. K. (2020). Efficacy of tocilizumab in patients hospitalized with Covid-19. New England Journal of Medicine, 383(24), 2333-2344.

    [7] Meltzer, D. O., Best, T. J., Zhang, H., Vokes, T., Arora, V., & Solway, J. (2020). Association of vitamin D deficiency and treatment with COVID-19 incidence. MedRxiv.

    Bài viết khác

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây